Xây dựng giao thông thông minh (ITS) là một trong các ưu tiên hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải hiện nay. Vậy hệ thống giao thông thông minh là gì, có những thành phần nào, thực trạng triển khai tại Việt Nam ra sao?
Giao thông được ví như “xương sống” của các quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Tại các thành phố lớn, hệ thống giao thông thông minh đã trở thành một trong những thành phần không thể thiếu, cung cấp cho người dân trải nghiệm di chuyển thuận tiện, an toàn, đồng thời hỗ trợ đơn vị chức năng và cơ quan quản lý theo dõi, điều hành giao thông một cách hiệu quả, tối ưu hơn.
1. Hệ thống giao thông thông minh là gì?
Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) ứng dụng các công nghệ tiên tiến như cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông để quản lý và điều hành hệ thống giao thông vận tải.
ITS liên kết con người, hệ thống đường bộ và phương tiện giao thông thành một mạng lưới thông tin, giúp quá trình lưu thông trên đường cao tốc và nội đô trở nên thuận tiện, nhanh chóng.
Đồng thời, thông qua kết nối với các trung tâm quản lý giao thông, hệ thống giao thông thông minh ITS cho phép thu thập, lưu trữ và truyền đạt thông tin về điều kiện đường bộ theo thời gian thực, giúp giảm tắc nghẽn và cải thiện an toàn.
2. Lợi ích của hệ thống giao thông thông minh (ITS)
Áp dụng các công nghệ tiên tiến như máy học (ML - Machine learning), Internet vạn vật (IoT - Internet of things), dữ liệu lớn (Big data),... hệ thống giao thông thông minh đang dần khẳng định vai trò của mình nhờ mang lại những lợi ích thực tiễn cho nhiều đối tượng, bao gồm: Người dân, Đơn vị vận hành và lực lượng chức năng, Cơ quan quản lý
Đối với người dân, ITS tạo ra kênh trao đổi và cập nhật thông tin hai chiều. Một mặt, hệ thống cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ trước, trong và sau chuyến đi như: Thời tiết, mức độ tắc nghẽn, sự cố, thông tin biển báo, vi phạm thường mắc phải, nơi dừng nghỉ trên đường,... để tài xế đưa ra những quyết định phù hợp khi di chuyển.
Mặt khác, thông tin từ người dân cũng được thu thập, truyền về trung tâm điều hành để thuận tiện cho công tác theo dõi, quản lý, vận hành giao thông.
Đối với đơn vị vận hành và lực lượng chức năng, ITS hỗ trợ giám sát và điều hành giao thông thông qua theo dõi các hành vi vi phạm tốc độ, tải trọng; thu phí tự động,... góp phần quản lý, đảm bảo hạ tầng giao thông và nguồn ngân sách quốc gia.
Trong các trường hợp khẩn cấp, hệ thống cung cấp kênh thông tin liên lạc nhanh chóng giữa cơ quan chức năng, người dân và các đơn vị khác để kịp thời tiếp nhận, xử lý.
Đối với cơ quan quản lý, hệ thống giao thông thông minh cung cấp báo cáo thống kê về tình hình tham gia và hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; dự báo các xu hướng quy hoạch mạng lưới giao thông một cách chính xác, toàn diện; phục vụ công tác quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng giao thông; đồng thời xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp.
Camera giao thông ghi nhận, phát hiện và cảnh báo vi phạm TTATGT - Ảnh: Internet
3. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) hoạt động như thế nào?
Trung tâm Giám sát điều hành là thành phần quan trọng của ITS. Đây là một hệ thống kỹ thuật do cơ quan giao thông vận tải quản lý. Tại trung tâm, tất cả dữ liệu được thu thập và phân tích để phục vụ cho các hoạt động tiếp theo, quản lý điều khiển giao thông trong thời gian thực hoặc thông tin về phương tiện giao thông.
Để quá trình giám sát và quản lý giao thông diễn ra thuận lợi, ITS cần có 4 giai đoạn:
Thu thập dữ liệu: Dữ liệu được thu thập chính xác, sâu rộng và nhanh chóng thông qua nhiều thiết bị phần cứng khác nhau, tạo cơ sở cho các chức năng của hệ thống. Các thiết bị này bao gồm bộ nhận dạng xe tự động, bộ định vị xe tự động dựa trên GPS, cảm biến, AI camera,...
Phần cứng chủ yếu ghi lại dữ liệu như số lượng phương tiện tham gia giao thông, giám sát tốc độ và thời gian di chuyển, vị trí, trọng lượng, thông tin định danh xe như biển số, chủng loại, màu sắc,... Các thiết bị phần cứng này được kết nối với máy chủ đặt tại trung tâm thu thập và phân tích dữ liệu.
Truyền dữ liệu: Dữ liệu đã thu thập được truyền về Trung tâm Giám sát điều hành thông minh một cách nhanh chóng theo thời gian thực.
Phân tích dữ liệu: Dữ liệu ghi nhận tại Trung tâm Giám sát điều hành được xử lý theo nhiều bước khác nhau, bao gồm: Sửa lỗi, làm sạch dữ liệu, tổng hợp dữ liệu và phân tích dữ liệu.
Những dữ liệu này được sử dụng cho mục đích dự đoán lưu lượng giao thông, phát hiện, ghi nhận và cảnh báo các sự kiện, sự cố, vi phạm để cung cấp thông tin cần thiết cho người dùng và cơ quan chức năng, đơn vị vận hành.
Cung cấp thông tin: Hệ thống cung cấp thông tin cho người dân tham gia giao thông theo thời gian thực gồm thời gian di chuyển, tốc độ di chuyển, độ trễ, tai nạn trên đường, thay đổi tuyến đường, chuyển hướng,... thông qua các thiết bị điện tử như biển báo thay đổi, radio tư vấn đường cao tốc, internet, tin nhắn SMS,...
Người ra, tại trung tâm điều hành, dữ liệu được trình bày một cách trực quan, cung cấp báo cáo thống kê, số liệu, bảng biểu,... nhằm giúp cơ quan quản lý thực hiện dự xu hướng một cách chính xác, toàn diện, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và lập kế hoạch, ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Trung tâm Giám sát điều hành giao thông thông minh
4. Tình hình phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam hiện nay
Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng đã đặt ra nhiều bài toán giao thông cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Theo tiến trình phát triển xã hội, cùng với sự bùng nổ của cách mạng công nghệ 4.0, hệ thống giao thông của các nước trong khu vực cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở nên "thông minh" hơn, nhằm tối ưu cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn và an ninh vận tải đường bộ, thân thiện với môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia có mạng lưới giao thông đường bộ tương đối đặc thù. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhảy vọt của Việt Nam trong những năm gần đây tỷ lệ thuận với số lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân đã tạo áp lực không nhỏ cho cơ sở hạ tầng và hoạt động quy hoạch, quản lý giao thông của cơ quan chức năng.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2025, mục tiêu 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh ITS; hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại những thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã và đang khẩn trương đưa vào xây dựng ITS nhanh chóng và đồng bộ. Tại TP.HCM, trong giai đoạn 2021 – 2025, 7 dự án giao thông thuộc chương trình đô thị thông minh của thành phố sẽ được ưu tiên đầu tư nhằm ứng dụng công nghệ vào việc điều hành, quản lý giao thông trên địa bàn.
Thủ Đô Hà Nội cũng đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển giao thông thông minh, trong đó ưu tiên triển khai các nhóm dịch vụ đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho các doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường giao thông.
Nhiều tỉnh thành khác như Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên,... trong những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ cũng đang từng bước phát triển và được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Mới đây, tuyến cao tốc thông minh Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 đã hoàn thiện và chính thức đưa vào khai thác. Đây là một trong những tuyến đường cao tốc đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS toàn diện, bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng hoàn toàn không barie và cabin thu phí, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông… có tổng giá trị hợp đồng gần 350 tỷ đồng.
Kỹ sư Elcom triển khai hệ thống ITS trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Xem thêm bài viết:
Elcom phối hợp với tập đoàn Sơn Hải triển khai ITS cho cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Trạm ETC không barie đầu tiên tại Việt Nam do Elcom triển khai chính thức thu phí
Nhìn chung, nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành hệ thống giao thông. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, số lượng phương tiện giao thông phục vụ cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng.
Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh ITS với những bước đi khoa học, bài bản sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân, ITS còn giúp cấp quản lý dễ dàng hơn trong giám sát và bảo trì thành phố thông minh.