Tin tức & Sự kiện
Blog

IoT là gì? Lợi ích và ứng dụng công nghệ Internet vạn vật

time 18 tháng 07, 2023

IoT được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hiện nay. Vậy công nghệ Internet vạn vật là gì? Ngành công nghệ Internet vạn vật đang phát triển như thế nào? Hãy cùng Elcom tìm hiểu trong bài viết này.

Ứng dụng rộng rãi của IoT trong nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông minh, nhà thông minh, cuộc sống thông minh, giám sát môi trường, quản lý năng lượng, hệ thống giao thông thông minh,...

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, các thiết bị IoT đã trở nên vô cùng phổ biến, bao gồm mọi thứ từ bộ định tuyến, TV, bóng đèn cảm ứng, webcam, khóa cửa tự động, điều hòa cho đến thiết bị cá nhân bao gồm máy tính xách tay, điện thoại, đồng hồ, máy chơi game cầm tay, kính mắt,...

Những thiết bị thông minh IoT này có khả năng thu thập dữ liệu từ môi trường xung quanh chúng, chẳng hạn như vị trí, thời gian, nhiệt độ, độ sáng, độ ẩm, nhịp tim, hoạt động của con người. Chúng được kết nối với Internet thông qua mạng viễn thông (ví dụ: Mạng di động 4G hoặc mạng 5G). Thông qua xử lý, phân tích dữ liệu lớn một cách thông minh, chúng có thể thực hiện các chức năng vượt trội của mình, phục vụ đời sống con người.

1.   IOT là gì?

Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) là mạng kết nối các đồ vật, thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và nhiều công nghệ khác, cho phép những đồ vật, thiết bị đó thu thập, trao đổi dữ liệu với nhau.

Internet vạn vật lan tỏa lợi ích của mạng internet tới mọi đồ vật được kết nối, không chỉ dừng lại ở phạm vi một chiếc máy tính. Khi được kết nối với internet, nó sẽ trở nên thông minh hơn nhờ khả năng gửi, nhận thông tin và tự động hoạt động dựa trên thông tin đó.

Thiết bị IoT có thể là đồ vật được gắn cảm biến để thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh (như những giác quan), máy tính, bộ điều khiển tiếp nhận dữ liệu, sau đó ra lệnh cho các thiết bị khác, hoặc cũng có thể là đồ vật được tích hợp cả hai tính năng trên.

Hệ thống IoT hoàn chỉnh đều cần phải thực hiện qua trình đủ 4 bước: Thu thập dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xử lý dữ liệu và đưa ra quyết định.

2.   Lợi ích của công nghệ IoT

Tiềm năng ứng dụng của IoT trải rộng trên mọi lĩnh vực. Internet of Things hiện đang là một giải pháp hữu ích cho sản xuất, bán hàng, mang lại những hiệu quả vượt trội. Kết nối Internet vạn vật cho phép thu thập dữ liệu dùng dự đoán nhu cầu và làm ra sản phẩm phù hợp hơn, chất lượng hơn. Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho các công ty cung cấp dịch vụ gia tăng giá trị, giúp mở rộng khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường.

Công nghệ IoT đã giúp quy mô thị trường hậu cần toàn cầu năm 2019 đạt giá trị 34 tỷ USD. Theo nhiều chuyên gia, ngành Internet vạn vật sẽ được định giá 63,7 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ CAGR khoảng 12,4%. Viện nghiên cứu McKinsey Global cũng cho rằng, Internet vạn vật sẽ tác động mạnh mẽ về mặt kinh tế đối với tất cả những công nghệ đột phá, có thể đạt 36 nghìn tỷ USD trong chi phí vận hành.

Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thị trường thế giới, theo thống kê của Research and Market, quy mô thị trường IoT Việt Nam đạt khoảng 2,5 tỷ USD năm 2021 và tăng trưởng với tốc độ 22,6%/năm. Đến năm 2027, Research and Market dự báo quy mô thị trường IoT Việt Nam sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD.

Thông tin trên là bằng chứng rõ ràng, cho thấy tầm quan trọng cũng như tác động to lớn của việc ứng dụng IoT nhằm phục vụ cuộc sống của con người trên khắp thế giới hiện nay. Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng và mang lại lợi ích thiết thực như:

Cung cấp lượng dữ liệu lớn

Nhờ dữ liệu lớn do IoT thu thập và cung cấp, doanh nghiệp có khả năng nắm bắt, tận dụng tối đa giá trị, thu lại thông tin hữu ích, chính xác để cải thiện quy trình sản phẩm, khả năng dự báo, dự phòng rủi ro,...

Tăng tính kết nối

Việc kết nối máy móc với cảm biến thông qua Internet giúp nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp theo dõi quá trình sản xuất từ xa. Từ đó, phát hiện ra vấn đề trước khi gặp phải sự cố nghiêm trọng, gây ra hiện tượng tắc nghẽn và thời gian chết của máy móc.

Dữ liệu được áp dụng một cách chủ động, tự động bởi thiết bị máy móc, nhằm cải thiện hiệu suất dòng sản phẩm, lập kế hoạch, tránh gián đoạn hoặc cho phép nhà cung cấp đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm để trực tiếp trang bị cho thiết bị thông qua internet.

Cung cấp dịch vụ

Nhà sản xuất có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới bằng cách kết hợp các sản phẩm của họ với dịch vụ đi kèm như bảo trì và phân tích dữ liệu. Nhờ đó, khách hàng có thể an tâm hơn khi mua sắm sản phẩm, doanh nghiệp có thể bán được nhiều hàng hóa hơn.

Tối ưu sản phẩm

Thông qua dữ liệu vận hành và kinh doanh thực tế, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa thông tin để bố trí, thiết kế những thế hệ sản phẩm kế tiếp đạt chất lượng, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng cũng như nhu cầu sử dụng của khách hàng.


IoT có nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống - Ảnh: Internet

3. Những ứng dụng của Internet vạn vật trong thực tiễn

Tính linh hoạt của IoT làm cho nó trở thành công cụ đắc lực đối với rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chính phủ,... Dưới đây là một số ví dụ rõ nét nhất về ứng dụng của Internet vạn vật:

Ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh

Đối với việc trồng trọt trong nhà kính, IoT biến việc giám sát, quản lý các điều kiện khí hậu vi mô thành hiện thực, từ đó giúp tăng sản lượng. Đối với việc trồng cây ngoài trời, thiết bị sử dụng công nghệ IoT có thể cảm nhận được độ ẩm, chất dinh dưỡng của đất, kết hợp với dữ liệu thời tiết giúp kiểm soát tốt hơn hệ thống tưới tiêu và bón phân thông minh.

Ứng dụng IoT trong ngôi nhà thông minh

Thiết bị đeo bao gồm điện thoại, đồng hồ, kính thực tế ảo, máy theo dõi sức khỏe,... cải thiện khả năng giải trí, kết nối mạng, theo dõi sức khỏe và luyện tập thể chất.

Nhà thông minh đảm nhận những việc như kích hoạt kiểm soát môi trường để ngôi nhà luôn ở trạng thái thoải mái nhất cho người ở. Bữa tối được nấu từ xa, thức ăn đã sẵn sàng trước khi chủ nhân quay trở về. An ninh cũng dễ dàng hơn nhờ khả năng điều khiển thiết bị theo dõi, cảnh báo và hệ thống điện từ xa, đồng thời kích hoạt khóa thông minh, cho phép những người thích hợp ra vào nhà ngay cả khi họ không có chìa khóa.


Thiết bị IoT trong ngôi nhà thông minh giúp cuộc sống dễ dàng hơn - Ảnh: Internet

Ứng dụng IoT trong Y tế

Đầu tiên và quan trọng nhất, thiết bị đeo IoT cho phép bệnh viện, chuyên gia theo dõi sức khỏe của bệnh nhân tại nhà. Việc đưa cảm biến IoT vào các thiết bị quan trọng khác cũng giúp giảm tình trạng hỏng hóc và tăng độ tin cậy khi khám chữa bệnh.

Điều này góp phần giảm thời gian điều trị nội trú trong nhờ cung cấp thông tin theo thời gian thực, chính xác đến từng phút, đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt khi điều trị ngoại trú. Trong bệnh viện, giường thông minh thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng sẵn có nhằm cắt giảm thời gian chờ đợi.

Quá trình chăm sóc người cao tuổi trở nên thoải mái hơn. Ngoài việc theo dõi thời gian thực tại nhà nêu trên, cảm biến cũng có thể xác định bệnh nhân có bị ngã hay bị đau tim hay không.

Ứng dụng IoT trong sản xuất

Công nghệ RFID và GPS có thể giúp doanh nghiệp theo dõi sản phẩm từ khi bắt đầu sản xuất trên dây chuyền ở nhà máy đến vị trí bày bán tại cửa hàng đích, toàn bộ chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối. Những cảm biến này thu thập thông tin về thời gian di chuyển, tình trạng sản phẩm và điều kiện môi trường mà sản phẩm phải chịu.

Cảm biến được gắn vào thiết bị trong nhà máy giúp xác định "nút thắt cổ chai" (Bottleneck) trong dây chuyền, do đó giảm thiểu thời gian sản xuất, tránh lãng phí. Một số cảm biến khác cũng có thể theo dõi hiệu suất của máy, dự đoán khi nào thiết bị sẽ cần bảo trì, do đó ngăn ngừa hỏng hóc nặng nề, gây tốn kém nhiều chi phí.

Ứng dụng IoT trong Bán lẻ

Công nghệ IoT có rất nhiều thứ để cung cấp cho thế giới bán lẻ. Số liệu bán hàng mua sắm trực tuyến hoặc tại cửa hàng được kiểm soát tự động. Phần lớn điều này phụ thuộc vào RFID, vốn đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Sự ra đời của mua sắm trực tuyến đã làm giảm nhu cầu đối với cơ sở bán lẻ truyền thống. Tuy nhiên, IoT có thể giúp phân tích lưu lượng truy cập của trung tâm mua sắm, các cửa hàng nằm trong trung tâm thương mại có thể thực hiện những điều chỉnh cần thiết, nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, đồng thời giảm chi phí.

Thêm vào đó, IoT giúp nhà bán lẻ tiếp cận mục tiêu khách hàng dựa trên những lần mua hàng trước đây. Trang bị thông tin được cung cấp qua IoT, nhà bán lẻ có thể tạo chương trình khuyến mãi được cá nhân hóa cho khách hàng trung thành của họ, loại bỏ chương trình tiếp thị đại trà tốn kém mà không có nhiều cơ hội thành công. Phần lớn các chương trình khuyến mãi này có thể được thực hiện thông qua điện thoại thông minh của khách hàng.

Ứng dụng IoT trong Giao thông vận tải

Đến thời điểm này, hầu hết mọi người đã nghe nói về những tiến bộ đạt được với ô tô tự lái. Nhưng đó chỉ là một phần của tiềm năng to lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải. GPS, một ví dụ khác của IoT, đang được sử dụng để giúp các công ty vận tải vạch ra tuyến đường nhanh hơn, hiệu quả hơn cho xe tải vận chuyển hàng hóa, nhờ đó đẩy nhanh thời gian giao hàng.

Ngoài ra, nhà quy hoạch thành phố cũng có thể sử dụng dữ liệu GPS đó nhằm xác định mô hình giao thông, nhu cầu chỗ đậu xe cũng như xây dựng và bảo trì đường bộ.

4.   Thực trạng phát triển và xu hướng IoT ở Việt Nam

Cách thức để hệ sinh thái IoT vận hành tại Việt Nam

Hệ sinh thái IoT gồm một số tác nhân chính: Chính phủ (Ban hành chính sách, thúc đẩy phát triển qua đầu tư công); Doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, cộng đồng phát triển (Cung cấp giải pháp công nghệ về phần mềm, hạ tầng kết nối, phần cứng, dịch vụ…); Thị trường và mối liên hệ giữa những thành tố này với nhau. 

Trong thời gian qua, hệ sinh thái Internet vạn vật của Việt Nam đã có nhiều động thái tiến bộ, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc gây dựng hệ sinh thái IoT, nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghệ này tại Việt Nam.

Từ bức tranh toàn cảnh về IoT ở nước ta, có thể thấy rằng, phân đoạn như xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối và nền tảng mở là nhiệm vụ được triển khai rộng rãi bởi nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn. Bên cạnh đó, các công ty phần mềm cũng đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên nền tảng IoT. 

Những công ty nhỏ hơn đang sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để tập trung vào xây dựng giải pháp theo chiều dọc và tung ra thị trường trong thời gian ngắn. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp start-up bằng cách xây dựng hệ sinh thái bền vững, bao gồm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và xây dựng vườn ươm công nghệ.

Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái IoT không thể thiếu sự hình thành và phát triển của khu công nghệ cao, quỹ đầu tư… đóng vai trò như chất xúc tác để thúc đẩy khởi nghiệp. 

Các trường đại học, học viện là nơi đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành công nghệ Internet vạn vật. Ngoài ra, cần có sự tham gia của những nhóm nghiên cứu, hội nhóm cá nhân và tổ chức để nâng cao nhận thức về vai trò của IoT trong xu thế chung.

Thực trạng ứng dụng IoT tại Việt Nam

Đối với sự phát triển IoT tại Việt Nam, các giải pháp theo ngành dọc đã được nghiên cứu, phát triển dưới nhiều hình thức và bám theo vấn đề cốt lõi như: Đô thị, giao thông, nông nghiệp, nhà thông minh,… 

Về thị trường, ngành công nghệ Internet vạn vật trong nước đang là một lĩnh vực “nóng”, thu hút các công ty công nghệ tham gia nghiên cứu, sản xuất. 

Mặc dù, IoT phát triển ở nước ta chưa lâu nhưng công nghệ này đã thật sự phổ biến, một số ứng dụng hữu ích đã đi vào cuộc sống, được thương mại hóa và triển khai có hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông thông minh,… Tuy nhiên, trong tổng số dự án được triển khai mở rộng với quy mô lớn, giải pháp được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài còn đang chiếm tỉ lệ cao.

Ngoài ra, nhiều ứng dụng khác đang ở giai đoạn thử nghiệm, đòi hỏi thời gian để trưởng thành và có thể cung cấp trên thị trường. Trong thời gian tới, các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh như thu phí không dừng, phạt nguội bằng camera, taxi công nghệ được dự đoán là ứng dụng liên quan tới IoT sẽ trở nên phổ biến, tạo ra ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống.

Một số lĩnh vực tiềm năng như y tế điện tử, nông nghiệp thông minh, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.

Từ góc độ công nghiệp, doanh nghiệp trong nước cơ bản mới chỉ tập trung vào ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính cá nhân mang tính nhỏ lẻ mà chưa khai thác hết tính thông minh của hệ thống cảm biến hay khai thác dữ liệu lớn. Đặc biệt, thiết bị phần cứng (camera, thiết bị rfid, cảm biến hóa học…) cũng đều phải nhập khẩu khá nhiều.

Elcom ứng dụng công nghệ IoT - Internet vạn vật

Elcom là một trong số ít những công ty công nghệ tại Việt Nam làm chủ và cung cấp giải pháp ứng dụng Internet vạn vật vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm: Giao thông thông minh, an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục,

Elcom được xem là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao thông thông minh tại Việt Nam hiện nay, chuyên cung cấp giải pháp thu phí không dừng (ETC - Electronic Toll Collection), AI Camera giám sát giao thông, hệ thống phần mềm giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ iTMON, kiểm soát trọng tải tự động,...

Trong lĩnh vực Y tế, Elcom ứng dụng IoT, từng bước tiến đến xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số toàn diện, thông minh. Giải pháp 1SK của ELCOM giúp người dùng chủ động rèn luyện, quản lý và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần.

Ở mảng giáo dục, Elcom tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligent) và Internet vạn vật tạo nên nền tảng học tập trực tuyến CoLearn, hỗ trợ người dùng học bài hiệu quả với lớp học từ xa, kho thư viện video bài giảng, ebook, bộ đề rèn luyện,...

Với những kết quả tích cực đầu tiên trong ứng dụng IoT, ELCOM liên tục đổi mới, nghiên cứu và mở rộng thêm nhiều dòng sản phẩm, giải pháp hữu ích hơn như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hệ thống giám sát xử phạt,... phù hợp với nhu cầu sử dụng trong tương lai. Từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của IoT tại Việt Nam. 


ELCOM ứng dụng IoT trong lĩnh vực giao thông thông minh

IoT là công nghệ hứa hẹn mang đến giá trị to lớn cho cộng đồng và xã hội. Với đà tăng trưởng như hiện nay, ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ có những sản phẩm ứng dụng Internet vạn vật hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng.


Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
time 25/11/2024
Data Lakehouse (Hồ dữ liệu tích hợp) là giải pháp kiến trúc dữ liệu hiện đại, giúp doanh nghiệp lưu trữ linh hoạt, giảm chi phí và tối ưu phân tích dữ liệu trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
time 16/08/2024
Một khi dữ liệu đã được mạng Blockchain (Chuỗi khối) chấp nhận, sẽ không cách nào thay đổi được. Cụ thể, chuỗi khối là gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này.
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
time 09/08/2024
Ví blockchain là một trong những dạng ví tiền điện tử có độ bảo mật cao nhất. Vậy ví blockchain là gì? Loại ví blockchain nào tốt nhất?
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
time 08/08/2024
Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
time 07/08/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ AI trong y tế đã từng là giấc mơ, nhưng nó đang dần được hiện thực hóa.