Tin tức & Sự kiện
Blog

Metaverse là gì? Những điều cần biết về Vũ trụ ảo Metaverse

time 24 tháng 10, 2023

"Game Metaverse" hay "Metaverse coin" được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Vậy chính xác Metaverse là gì? Ứng dụng Metaverse như thế nào?

Được nhắc đến lần đầu trong tiểu thuyết Snow Crash của tác giả Neal Stephenson năm 1992, thuật ngữ Metaverse được mô tả như là nền tảng kế nhiệm của Internet. Trong đó, người dùng sử dụng hình ảnh số hóa của chính họ để khám phá thế giới trực tuyến.

Ở thời điểm hiện tại, khi thế giới đang thực sự bùng nổ với trào lưu nền công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự kiện Facebook đã chính thức đổi tên công ty thành Meta, chúng ta lại bắt gặp cụm từ Metaverse thường xuyên hơn trong cuộc sống cũng như trên mạng xã hội.

Vậy, Metaverse nghĩa là gì và đâu là điều cần quan tâm khi Metaverse thực sự phát triển thành một phần của cuộc sống như internet?

1. Metaverse là gì?

Cho đến nay, chưa có một khái niệm đầy đủ và hoàn toàn bao quát nào về Metaverse. Tuy nhiên, có thể hiểu Metaverse là khái niệm về một vũ trụ 3D, trực tuyến, bất tận, kết hợp nhiều không gian ảo.

Cùng với sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ hỗ trợ, Metaverse được mở rộng theo mọi giác quan, cả về tầm nhìn, âm thanh và xúc giác. Từ đó, người dùng có khả năng làm việc, gặp gỡ, chơi trò chơi và giao lưu với nhau trong những không gian 3D trực tuyến này.

Metaverse được cho là sẽ trở thành thế hệ tiếp theo của Internet - sự kết hợp chặt chẽ và chân thực giữa thế giới vật lý và thế giới số. Internet đã được biết đến là một mạng lưới khổng lồ bao gồm hàng tỷ máy tính, hàng triệu máy chủ và các thiết bị điện tử khác. Người dùng Internet có thể giao tiếp với nhau, xem và tương tác với các trang web cũng như mua bán hàng hóa dịch vụ.

Metaverse không cạnh tranh với giá trị của internet. Nó được xây dựng dựa trên nền tảng của riêng. Trong khi internet là thứ mà mọi người có thể duyệt (browse) thì ở một mức độ nào đó, mọi người có thể “sống" trong Metaverse.

2. Đặc điểm nổi bật của Metaverse

Để hiểu tại sao Metaverse có thể giành được niềm tin của người dùng về tiềm năng phát triển ở hiện tại và trong tương lai, ta hãy cùng xét đến 4 đặc điểm nổi bật, bao gồm:

  • Tính bền vững (Sustainability): Metaverse được xây dựng trên nền tảng của Internet nhưng lại có mối liên quan với các xu hướng đáng tin cậy hiện nay như Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), Chuỗi khối (Blockchain). Nó thu hút được giới công nghệ cao vào việc duy trì và phát triển hệ sinh thái dịch vụ. Từ đó, không gian ảo sẽ liên tục phát triển dù có người dùng tương tác hay không.

  • Mức độ chân thực (Immersion): Tính năng này được sử dụng để đánh giá trải nghiệm trong Metaverse trông giống bao nhiêu phần trăm so với thế giới thực.

  • Tính mở (Openness): Metaverse cho phép người tham gia có thể kết nối hoặc ngắt kết nối bất kỳ lúc nào, đồng thời đó phải là không gian mở cho phép sự sáng tạo trở nên không có giới hạn.

  • Hệ thống kinh tế (Economic system): Metaverse có thể tồn tại một nền kinh tế  giao thoa giữa thế giới thực và thế giới ảo. Chúng cho phép người dùng thực hiện các giao dịch quy đổi tài sản giữa thế giới thực với Metaverse một cách dễ dàng. Nhất là khi hệ thống tiền tệ phi tập trung (Decentralized Finance) dựa trên Blockchain đang ngày càng khẳng định được tính ưu việt của nó.


Người dùng hoạt động Metaverse như ở thế giới thật - Ảnh: Internet

3. Hệ sinh thái metaverse

Kiến trúc của Metaverse bao gồm 4 lớp cơ bản như sau: 

  • Cơ sở hạ tầng (Foundation Layer): Nền tảng cho sự kết nối, đó chính là mạng lưới Internet.

  • Công cụ hỗ trợ thực tế mở rộng (Infrastructure Layer): Các linh kiện phần cứng đóng vai trò hỗ trợ trải nghiệm trở nên chân thực. Ngoài ra, các công nghệ Blockchain, AI, Internet vạn vật (IoT - Internet of Things), Dữ liệu lớn (Big Data) để hình thành nên Metaverse cũng nằm trong lớp này.

  • Nền tảng cung cấp nội dung (Content layer): Trên lớp này có các trò chơi, ứng dụng, mạng xã hội giúp người dùng đắm chìm trong một hoặc nhiều thế giới khác nhau, mang lại những trải nghiệm sống động nhất. 

  • Siêu vũ trụ số Metaverse (True Metaverse): Khi các lớp trước phát triển đến một mức nào đó, ta sẽ có một Metaverse đúng nghĩa, là không gian ảo tồn tại song song và đan xen với thế giới thực. 

Trong quá trình phát triển, khi các lớp nền tảng phía dưới được hoàn thành, nó sẽ trở thành nền móng để tiếp tục phát triển những lớp tiếp theo, đồng thời các lớp đó sẽ không ngừng cập nhật và phát triển.

4. Metaverse được truy cập như thế nào?

Hai công nghệ được coi là quan trọng nhất đối với sự phát triển và tăng trưởng của Metaverse là thực tế ảo (VR - Virtual Reality) và thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality)

  • Thực tế ảo (VR) là môi trường 3D mô phỏng cho phép người dùng tương tác với môi trường ảo xung quanh theo cách gần giống với thực tế, được cảm nhận qua các giác quan. Hiện tại, giá trị gần đúng của những cảm nhận này được truyền tải thông qua tai nghe VR (thị giác), kính thực tế ảo (thị giác), găng tay, áo khoác và thậm chí cả bộ đồ theo dõi toàn thân (xúc giác), cho phép tương tác chân thực hơn với môi trường ảo.
  • Thực tế tăng cường (AR) có vẻ ít hấp dẫn hơn VR nhưng cũng đóng một vai trò quan trọng. Công nghệ AR bổ sung các lớp phủ kỹ thuật số lên trên thế giới thực thông qua một số loại ống kính. Người dùng vẫn có thể tương tác với môi trường thế giới thực của họ. Trò chơi Pokémon Go là một ví dụ điển hình về AR. Google Glass và màn hình hiển thị trên kính chắn gió ô tô là những sản phẩm AR nổi tiếng mà nhiều người đang sử dụng.

Hiện tại, nhiều trải nghiệm giống như Metaverse được cung cấp bởi các nền tảng chơi game như Roblox, Decentraland và Minecraft có thể truy cập thông qua trình duyệt hoặc thiết bị di động kết nối Internet.

5. Tiềm năng phát triển của Metaverse

Metaverse là một hệ sinh thái khổng lồ còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai. Hệ sinh thái Metaverse có thể chia thành 2 nền công nghiệp chính: Công nghiệp phần cứng và công nghiệp nội dung.

Nền công nghiệp phần cứng bao gồm:

  • Các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phần cứng như: Chip, linh kiện điện tử, các thiết bị thực tế tăng cường, thực tế ảo

  • Các ngành khoa học cho phát triển hạ tầng như: Hệ thống Internet 5G, công nghệ minh chứng tính xác thực của tài sản NFT (Non-fungible token), Blockchain, AI và Big Data.

Nền công nghiệp phát triển nội dung bao gồm: 

  • Các nền tảng trải nghiệm ngoài thế giới thực, giúp con người có thể trải nghiệm Metaverse như các trò chơi điện tử, các ứng dụng giải trí 3D.

  • Các nền tảng mạng xã hội giúp tăng cảm xúc khi tương tác của người dùng dưới định dạng 3D.

Mặc dù hiện tại Metaverse chưa phát triển như đúng hình thái cần có của nó nhưng những thứ đang tồn tại hiện nay đã có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD. Và đó là chưa kể khi các sản phẩm về thực tế tăng cường được phổ biến rộng rãi. Đây sẽ là nền tảng cho thị trường này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong mảng gaming.

6. Ứng dụng Metaverse trong thực tiễn

Đi theo sự phát triển của các thành phần trong hệ sinh thái, những ứng dụng của Metaverse đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế - xã hội.

Ứng dụng về mặt trải nghiệm tương tác 3D

Mọi người có thể sử dụng Metaverse cho các cuộc họp, gặp gỡ trực tuyến thông qua các công cụ thực tế tăng cường. Điều này không những tăng hiệu quả về mặt cảm xúc khi tương tác mà còn đem lại khả năng diễn đạt rất trực quan, như trong một buổi gặp trực tiếp.

Việc trao đổi trực tuyến qua tin nhắn, cuộc gọi hiện nay chưa đảm bảo truyền đạt hết nội dung. Chúng ta vẫn có nhu cầu gặp gỡ trực tiếp để thảo luận. Với Metaverse, người dùng có thể tương tác như trong thế giới thực.

Thậm chí, có các công cụ trực quan như bảng 3D, mô hình 3D dễ dàng chỉnh sửa và phác thảo ý tưởng. Tương tự, điều này cũng có thể ứng dụng trong giáo dục, đào tạo trực tuyến khi xuất hiện các rào cản về địa lý hay tình trạng giãn cách do dịch bệnh.


Metaverse có nhiều ứng dụng ở hiện tại và tương lai - Ảnh: Internet

Đối với nghệ thuật

Trong tương lai các nghệ sĩ, người truyền cảm hứng có thể tận dụng các mạng xã hội Metaverse để triển khai các buổi trình diễn,  trò chuyện trực tuyến nhưng lại đem lại sự trải nghiệm như trong thực tế.

Những nghệ sĩ đường phố hay những người sáng tạo nội dung nghệ thuật như tranh vẽ 3D, tác phẩm điêu khắc,... có thể triển khai trên nền tảng Metaverse với độ chân thực cao.

Mảng dịch vụ và quảng cáo cũng sẽ rất tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ của metaverse. Các nhãn hàng có thể xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình dưới định dạng 3D và cho phép người dùng được trải nghiệm sản phẩm của họ chân thực nhất mà không cần đến tận cửa hàng.

Mảng giải trí điện tử

Một ứng dụng không thể không kể đến của Metaverse đang được phát triển đó là mảng giải trí điện tử. Các tựa game hiện nay cho phép người dùng tương tác với thế giới ảo như thật, với sự hỗ trợ của các thiết bị AR-VR. Đơn giản nhất có thể kể đến sự xuất hiện của những chiếc kính thực tế ảo đi kèm với những thế giới 3D chân thực đã được lập trình.

Xem thêm bài viết: Top game Metaverse đáng thử nhất hiện nay

Thăm dò vũ trụ và cuộc sống tương lai

Xa hơn nữa, đây không phải là một ứng dụng bất khả thi. Với những quan sát và dự đoán của khoa học về vũ trụ, với hạn chế trong công nghệ di chuyển, con người có thể tái tạo môi trường sống trên một hành tinh khác hoặc môi trường sống hiện đại hơn ở tương lai vào trong Metaverse.

Điều này không những mở rộng trải nghiệm mà còn giúp các nghiên cứu sâu về khoa học dựa trên mô phỏng sẽ đạt những bước tiến xa hơn.

6. Các dự án metaverse tiềm năng trong tương lai

Một hệ sinh thái rộng lớn sẽ kèm theo những dự án tiềm năng về cả mặt lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội. Dựa trên các ứng dụng hiện tại và trong tương lai của Metaverse, có thể thấy các dự án tiềm năng sẽ bao gồm mảng:

  • Phát triển ứng dụng giải trí và game 3D có tính chân thực cao (immersive entertainment). Đặc biệt là game NFT và Blockchain;

  • Các dự án liên quan đến nâng cao, cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo có mô phỏng trực quan.

  • Các dự án sử dụng không gian ảo cho quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp thị ứng dụng AI, IoT, Big Data.

Các dự án Metaverse hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển của các công nghệ đi kèm. Riêng đối với các dự án Blockchain, Metaverse được biết đến như một nền kinh tế trong thế giới ảo, nơi người dùng có thể làm việc, kiếm tiền và quy đổi tài sản sang thế giới thực.

Tuy chỉ mới nhận được nhiều sự chú ý trên thế giới trong nhưng năm gần đây, nhưng tại Việt Nam đã có những doanh nghiệp và đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.

Các dự án mang hơi hướng của Metaverse tại Việt Nam chủ yếu đang nằm trong mảng trò chơi trực tuyến và một phần của quảng cáo - tiếp thị dựa trên nền tảng được cung cấp bởi Meta (Facebook).

Tiềm năng của Metaverse là rất lớn và sự phát triển của nó đem lại nhiều cơ hội việc làm cùng với các lợi ích kinh tế - xã hội khác. Để sẵn sàng cho kỷ nguyên của Metaverse, việc chú trọng vào nâng cao các công nghệ nền tảng là thật sự cần thiết.

Cuối cùng, cho dù thế giới có Metaverse hay bất cứ nền tảng nào phát triển hơn, giá trị cốt lõi vẫn nằm ở những ý tưởng sáng tạo, những góc nhìn mới và cảm nhận về cuộc sống của chính con người.


Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
time 25/11/2024
Data Lakehouse (Hồ dữ liệu tích hợp) là giải pháp kiến trúc dữ liệu hiện đại, giúp doanh nghiệp lưu trữ linh hoạt, giảm chi phí và tối ưu phân tích dữ liệu trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
time 16/08/2024
Một khi dữ liệu đã được mạng Blockchain (Chuỗi khối) chấp nhận, sẽ không cách nào thay đổi được. Cụ thể, chuỗi khối là gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này.
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
time 09/08/2024
Ví blockchain là một trong những dạng ví tiền điện tử có độ bảo mật cao nhất. Vậy ví blockchain là gì? Loại ví blockchain nào tốt nhất?
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
time 08/08/2024
Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
time 07/08/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ AI trong y tế đã từng là giấc mơ, nhưng nó đang dần được hiện thực hóa.