Tin tức & Sự kiện
Blog

Mobile money: Cuộc đua thanh toán điện tử mới của các nhà mạng viễn thông

time 06 tháng 01, 2023

Trong những năm gần đây, thay vì chỉ chú trọng vào những dịch vụ truyền thống đang có xu hướng bão hòa, các nhà mạng dần chuyển mình để khai phá và phát triển tại những “mảnh đất mới”, trong đó có mobile money - tiền di động.

Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những định hướng phát triển chung của xã hội ngày nay. Đây là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương như giấy ủy nhiệm thu hoặc chi, séc, thẻ ngân hàng, ví điện tử,...

Hiện nay, thanh toán điện tử đang là hình thức thanh toán được tập trung đẩy mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, có 4 hình thức được sử dụng phổ biến nhất, đó là: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử và thanh toán bằng điện thoại di động. Mỗi hình thức đều có những ưu điểm riêng, phù hợp với mong muốn và nhu cầu của người sử dụng.

1. Thanh toán di động là gì?

Thanh toán di động đề cập đến các dịch vụ thanh toán được vận hành theo quy định tài chính và thực hiện từ hoặc thông qua một thiết bị di động. 

Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, séc, thẻ tín dụng, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động, máy tính cá nhân (không dây), máy tính bảng,… để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cứng hoặc kỹ thuật số. Tiền được sử dụng trong phương thức thanh toán di động được gọi là tiền di động (mobile money).

2. Mobile money là gì?

Theo Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA - Global System Mobile Associations), mobile money được định nghĩa là các dịch vụ liên kết người dùng về mặt tài chính thông qua mạng viễn thông di động. Mobile money bao gồm nhiều dịch vụ như chi trả các giao dịch nhỏ lẻ và thanh toán hóa đơn, chuyển và nhận tiền thông qua các mạng di động và thuê bao, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua thiết bị di động và các dịch vụ tương tự khác.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, mobile money về bản chất là e-money hay ví điện tử, nhưng không liên kết với tài khoản ngân hàng.

Tóm lại, mobile money là dịch vụ kết nối người dùng về mặt tài chính thông qua mạng di động, gồm các dịch vụ chi trả, chuyển tiền giữa các thuê bao, quản lý tài khoản trên thiết bị di động và các dịch vụ tương tự. Với mobile money, người dùng chỉ cần có thuê bao di động để thực hiện thanh toán các giao dịch nhỏ lẻ một cách nhanh chóng, thuận tiện, trực tiếp không qua trung gian.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ mobile money có thể là: Ngân hàng thương mại, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, đối tác cung cấp giải pháp phối hợp giữa nhà mạng và ngân hàng hoặc liên doanh giữa nhà mạng với ngân hàng.

3. Phân biệt mobile money và ví điện tử

Ví điện tử và tiền di động giống nhau ở tài khoản điện tử định danh. Tuy nhiên, mobile money không liên kết với tài khoản ngân hàng như ví điện tử. Điều này yêu cầu các nhà mạng cần phải có kho dữ liệu khách hàng chính xác, tránh mạo danh và xác định được danh tính như ngân hàng.

Với ví điện tử, ngân hàng là đơn vị thực hiện việc định danh khách hàng. Còn mobile money, việc định danh khách hàng được thực hiện bởi chính nhà mạng. Nếu coi mobile money là tài khoản điện tử định danh, thực hiện thanh toán thông qua điện thoại di động thì tài khoản tiền điện tử phải được lưu trữ trên hệ thống công nghệ thông tin, phòng trường hợp người dùng làm mất, hỏng điện thoại.


Ví điện tử cần liên kết với tài khoản ngân hàng để hoạt động - Ảnh: Internet

4. Nguyên tắc hoạt động của mobile money

Mobile money không được làm phát sinh lượng tiền tệ. Số tiền mà các nhà mạng nhận được phải tương ứng theo tỉ lệ 1:1 với số tiền khách hàng nạp vào. Ví dụ: 1000 đồng mua thẻ cào tương ứng với 1000 đồng trong tài khoản.

Nhà mạng không phải đơn vị phát hành tiền điện tử, không phát hành tiền, không tạo ra lượng tiền mới trong lưu thông. Tiền sử dụng trong mobile money được chuyển đổi từ tiền mặt sang một hình thức mới để khách hàng dễ dàng sử dụng. Hình thức này tương tự như thẻ ATM, người dùng nạp tiền mặt vào tài khoản để đổi lại một khoản tiền điện tử có giá trị tương ứng.

Cùng với ví điện tử, hiện các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều đang hướng đến cung cấp dịch vụ mobile money - thanh toán điện tử thông qua thuê bao di động nhằm tạo cơ hội để tất cả người dân được tiếp cận và sử dụng tiền điện tử. Ngay cả với một chiếc điện thoại thông thường, không phải điện thoại thông minh, người dùng vẫn có thể sử dụng mobile money.

5. Ưu, nhược điểm của mobile money

Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm ngân hàng số, ví điện tử đều tập trung khai thác khách hàng sinh sống tại thành thị mà chưa chú trọng phân khúc khách hàng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Trong khi, nhóm khách hàng này chiếm đến khoảng hơn 60% dân số cả nước.

Việc tiếp cận với khách hàng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn vì hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế. Người dân ít sử dụng tài khoản ngân hàng và chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉ lệ người dân chưa có tài khoản cao, địa bàn rộng nhưng ít điểm giao dịch ngân hàng gây ra nhiều cản trở trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính số.

Mobile money ra đời nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên, cho phép người dân nông thôn tiếp xúc với công cụ tài chính chính thống không dùng tiền mặt, góp phần đẩy nhanh tốc độ số hóa của nền kinh tế.

Tận dụng mức độ phủ sóng rộng rãi của hạ tầng viễn thông và mật độ thuê bao di động đạt trên mức 100% từ nhiều năm nay, mobile money có nhiều ưu điểm và lợi thế để phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có một số nhược điểm và khó khăn cần phải cải thiện và khắc phục.

5.1. Ưu điểm của mobile money - tiền di động

Mobile money là mô hình kinh doanh, trong đó, tất cả các chủ thể tham gia đều có lợi, bao gồm:

Ngân hàng

Ngân hàng có vai trò xây dựng và duy trì một tài khoản chuyên dụng, dành riêng để lưu trữ tiền điện tử, nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản cho hệ thống và cung cấp dịch vụ đối soát, bù trừ.

Đối tượng khách hàng của tiền di động hướng đến người dân ở vùng sâu, vùng xa tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính. Khi người dân hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng, họ không cần cất trữ tiền mặt. Nhờ đó, ngân hàng có thể huy động các khoản tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng lưu đọng vốn trong xã hội.

Chính phủ

Việc sử dụng mobile money giúp chính phủ kiểm soát các dòng tiền ra vào một cách rõ ràng, minh bạch. Hành vi trốn thuế, rửa tiền và hoạt động tài chính phi pháp trở nên khó khăn hơn để thực hiện, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và thu thuế, tăng thu hút đầu tư nước ngoài.

Thanh toán bằng mobile money giảm chi phí giao dịch, tăng lưu chuyển tiền tệ, từ đó tăng thêm sức cạnh tranh, cải thiện tính hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng xuất khẩu và gia tăng các hoạt động kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng GDP.

Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông

Mobile money là giải pháp hữu hiệu, mở rộng cơ hội và không gian phát triển mới cho các công ty ngành viễn thông trong bối cảnh các dịch vụ truyền thống ngày càng bão hòa.

Trong cuộc cách mạng 4.0, người dân có thể kết nối với nhau bằng nhiều cách thức tối ưu hơn thông qua internet. Các dịch vụ truyền thống như nghe, gọi đang ngày càng trở nên kém hấp dẫn, không còn giữ được vị thế quan trọng như trước đây.

Do đó, các nhà mạng cần phải tự mở ra con đường phát triển mới, riêng biệt và có khả năng phủ sóng rộng rãi. Khi dịch vụ mobile money bắt đầu được triển khai, 100% người dân sở hữu thuê bao di động có thể sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch phổ biến hàng ngày.

Nhà mạng có thể tận dụng mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp trên cả nước, phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và khách hàng mục tiêu bên cạnh các sản phẩm viễn thông truyền thống và dịch vụ VAS khác, từ đó mở rộng thêm dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Khách hàng

Không cần tài khoản ngân hàng: Nếu sử dụng ví điện tử, người dùng muốn thanh toán cần phải chuyển tiền vào từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử chỉ đóng vai trò là trung gian trong quá trình thanh toán.

Tiền di động cho phép người dùng trả tiền trực tiếp cho các giao dịch nhỏ, mang tính thường xuyên nhanh chóng, thuận tiện, không qua trung gian. Sau khi nạp tiền vào tài khoản điện thoại, người dùng có thể thanh toán ngay bằng thiết bị di động mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.


Khách hàng không có tài khoản ngân hàng vẫn sử dụng được mobile money - Ảnh: Internet

Số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp: Tiền di động hướng tới thâm nhập vào thị trường nông thôn, vùng sâu vùng xa, giúp người dân không có tài khoản ngân hàng được tiếp cận với dịch vụ thanh toán hiện đại, giảm thiểu rủi ro, bất tiện trong quá trình giao dịch.

Thuận tiện, dễ sử dụng, không giới hạn thời gian và không gian: Hình thức thanh toán này có tính độc lập, di động, bảo mật, dễ dàng thực hiện bằng các thao tác đơn giản, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc giao dịch.

Giảm chi phí trong giao dịch: Người bán lẻ, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí xử lý hoạt động, chi phí in ấn biên lai, hóa đơn,...

Giảm thiểu rủi ro thanh toán bằng tiền mặt: Các rủi ro này bao gồm tiền giả, bảo quản, cất trữ. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 vừa qua, việc sử dụng tiền mặt cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

5.2. Nhược điểm của mobile money - tiền di động

Rủi ro về bảo mật

Kẻ lừa đảo có nhiều cách để tiếp cận và lừa gạt người dùng do các nhà cung cấp dịch vụ còn xem nhẹ việc bảo mật, chưa phổ cập kiến thức sử dụng an toàn khiến nhiều người dùng chưa hiểu rõ cách thức sử dụng, tạo ra cơ hội những kẻ giả mạo. 

Với đặc thù là dịch vụ công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu bởi các công ty viễn thông, nhà mạng, việc giám sát và quản lý mobile money cần có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý giữa nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan như Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an,…

Rủi ro từ mạng lưới đại lý

Mạng lưới đại lý phát triển rộng cũng gây ra nhiều bất cập như tình trạng thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch nạp thẻ, rút tiền của khách hàng, mạo danh để lừa gạt,... Công ty viễn thông có thể gặp khó khăn trong công tác quản lý do phải tiếp xúc với lượng tiền mặt vãng lai lớn hơn so với ngày trước.

Ngoài ra, đại lý của nhà mạng cần phải tuân thủ và đáp ứng được yêu cầu của điểm giao dịch thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm an toàn cho quỹ, kho.

Nạn rửa tiền

Tình trạng SIM rác tại Việt Nam hiện nay vẫn tràn lan, khó kiểm soát. Nếu danh sách khách hàng không được quản lý chặt chẽ và chính xác, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng mobile money để rửa tiền, đánh cắp dữ liệu, thu phí bất hợp pháp,… rất dễ xảy ra.

Thói quen thanh toán

Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có mobile money đang có xu hướng tăng lên, tuy nhiên với các giao dịch nhỏ tại nông thôn mà mobile money đang hướng đến, người dân vẫn quen sử dụng tiền mặt. Mobile money là một hình thức thanh toán mới, cần phải có nhiều cách thu hút và chiếm được sự tin tưởng của người dùng. 

Không thanh toán được các giao dịch lớn

Tiền điện thoại chủ yếu dành cho các giao dịch nhỏ lẻ trong đời sống hàng ngày nên hạn mức thanh toán thấp, người dùng không thể thanh toán các giao dịch lớn khi có nhu cầu.

“Mobile money Viettel”, “mobile money Mobifone” hay “mobile money VNPT” hiện đang là những từ khóa được nhiều người tìm kiếm, cho thấy sức hút không nhỏ của loại hình thanh toán này. Hy vọng các nhà mạng sẽ sớm khắc phục nhược điểm, nâng cao ưu điểm để đưa tiền di động trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày.


Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
time 25/11/2024
Data Lakehouse (Hồ dữ liệu tích hợp) là giải pháp kiến trúc dữ liệu hiện đại, giúp doanh nghiệp lưu trữ linh hoạt, giảm chi phí và tối ưu phân tích dữ liệu trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
time 16/08/2024
Một khi dữ liệu đã được mạng Blockchain (Chuỗi khối) chấp nhận, sẽ không cách nào thay đổi được. Cụ thể, chuỗi khối là gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này.
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
time 09/08/2024
Ví blockchain là một trong những dạng ví tiền điện tử có độ bảo mật cao nhất. Vậy ví blockchain là gì? Loại ví blockchain nào tốt nhất?
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
time 08/08/2024
Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
time 07/08/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ AI trong y tế đã từng là giấc mơ, nhưng nó đang dần được hiện thực hóa.