Tin tức & Sự kiện
Blog

Những điều cần biết về Kỷ nguyên Web 3.0

time 12 tháng 01, 2023

Web3 hiện đang là một trong những mục tiêu lớn mà nhiều “ông trùm công nghệ” trên thế giới hướng tới. Phong trào web 3.0 có thể làm cuộc sống của chúng ta thay đổi. Hãy cùng Elcom tìm hiểu về khái niệm này trong bài viết dưới đây.

Sự xuất hiện của xu hướng web3 khiến thế giới internet thay đổi, chuyển các dịch vụ trực tuyến phổ biến sang những công nghệ phi tập trung như chuỗi khối (Blockchain).

Thay vì một web được độc quyền bởi các công ty công nghệ lớn, web3 bao hàm sự phân cấp và được xây dựng, vận hành, sở hữu bởi chính người sử dụng nó. Web3 đặt quyền lực vào tay các cá nhân nhiều hơn tập đoàn.

1. Web3 là gì?

Về cơ bản, web3, web 3.0 hay còn gọi là semantic web, là thế hệ thứ 3 của nền tảng công nghệ internet. Web 3.0 ra đời nhằm khắc phục nhược điểm và tối ưu hơn nữa các tiện ích với công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), Blockchain và tiến tới Metaverse (Vũ trụ ảo) để biến internet trở nên ngày càng chân thực hơn nữa.

Mặc dù rất khó để đưa ra một định nghĩa hoàn toàn chính xác về web3, nhưng một vài nguyên tắc cốt lõi để tạo ra web3 có thể giúp người đọc hiểu hơn về nó, bao gồm:

  • Được phân cấp: Thay vì bị kiểm soát và sở hữu bởi các thực thể tập trung, quyền sở hữu web 3.0 được phân phối giữa những người xây dựng và người dùng.

  • Không cần cấp phép: Mọi người đều có quyền truy cập như nhau để tham gia vào web3 và không ai bị loại trừ.

  • Có các khoản thanh toán gốc: Web3 sử dụng tiền điện tử để chi tiêu và gửi tiền trực tuyến thay vì dựa vào cơ sở hạ tầng đã cũ của các ngân hàng và bộ xử lý thanh toán.

  • Ẩn chứa rủi ro: Web3 hoạt động bằng cách sử dụng các cơ chế khuyến khích và tác động vào kinh tế thay vì dựa vào các bên thứ ba đáng tin cậy.

2. Lịch sử phát triển của web 3.0

Dù sử dụng trong cuộc sống hàng ngày nhưng có rất ít người hiện đại biết đến lịch sử phát triển của web. Trang web mà hầu hết chúng ta biết ngày nay hoàn toàn khác so với tưởng tượng ban đầu. Để hiểu rõ về điều này, hãy chia lịch sử của web thành các giai đoạn ngắn hơn - bao gồm web 1.0 và web 2.0.


Web 3.0 xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain - Ảnh: Internet

Web 1.0: Chỉ đọc (1990-2004)

Năm 1989, Tim Berners-Lee - một nhà khoa học máy tính tại Anh Quốc đã phát triển các giao thức mà sau này trở thành World Wide Web. Ý tưởng của anh ấy là tạo các giao thức mở, phi tập trung cho phép chia sẻ thông tin từ mọi nơi trên trái đất.

Sự khởi đầu của nhà sáng tạo Berners-Lee, hiện được gọi là 'Web 1.0', diễn ra vào khoảng giữa năm 1990 đến 2004. Web 1.0 chủ yếu là trang web tĩnh do các công ty sở hữu và gần như không có tương tác giữa người dùng, các cá nhân hiếm khi sản xuất nội dung. Do đó, mục đích của web giai đoạn này là chỉ đọc.

Web 2.0: Đọc-Ghi (2004-nay)

Thời kỳ Web 2.0 bắt đầu vào năm 2004 với sự xuất hiện của các nền tảng truyền thông xã hội. Thay vì chỉ đọc, web đã phát triển thành đọc-ghi. Không chỉ các công ty cung cấp nội dung, người dùng cũng bắt đầu có những nền tảng để chia sẻ nội dung do chính họ tạo ra và tham gia tương tác với nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,...

Khi có nhiều người truy cập trực tuyến hơn, một số công ty hàng đầu bắt đầu kiểm soát lượng lưu lượng truy cập và những giá trị được tạo ra trên web. Web 2.0 cũng khai sinh ra mô hình doanh thu nhờ quảng cáo. Mặc dù người dùng có thể tạo hoặc hưởng lợi, kiếm tiền từ nội dung đó nhưng họ không sở hữu chúng hoàn toàn.

Web 3.0: Đọc-Ghi-Sở hữu

Cái tên 'Web 3.0' được đặt bởi người đồng sáng lập Ethereum (ETH), Gavin Wood - một lập trình viên máy tính người Anh ngay sau khi loại tiền mã hóa này ra mắt vào năm 2014. Gavin đã đưa ra giải pháp cho một vấn đề mà nhiều người chấp nhận tiền điện tử ban đầu nhận thấy: Những trang web hiện tại đòi hỏi quá nhiều sự tin tưởng. Nghĩa là, hầu hết các trang web mà mọi người biết và sử dụng ngày nay đều dựa vào việc tin tưởng một số công ty tư nhân.

Công nghệ Blockchain được triển khai cho nhiều mục đích mới, sự bùng nổ của mã thông báo không thể thay thế (NFT - Non-fungible token) vào năm 2022 tạo ra một thị trường trị giá 41 tỷ đô la, sự xuất hiện của các loại tiền điện tử ở khắp mọi nơi đều được gọi là “Web 3”.

Xem thêm bài viết:

Đây là một cách viết tắt thuận tiện cho các dự án thay đổi cách thức hoạt động của web, sử dụng công nghệ nền tảng là chuỗi khối để thay đổi thói quen lưu trữ, chia sẻ và sở hữu thông tin. Về lý thuyết, một trang web dựa trên chuỗi khối có thể phá vỡ sự độc quyền về việc ai kiểm soát thông tin, ai kiếm tiền và thậm chí cả hoạt động vận hành của các mạng và tập đoàn.

Những người ủng hộ tin tưởng rằng web3 sẽ tạo ra những nền kinh tế mới, dòng sản phẩm mới và các dịch vụ trực tuyến mới, nó sẽ trả lại nền dân chủ cho web và điều đó sẽ xác định kỷ nguyên tiếp theo của internet.


Một số ví dụ về sự phát triển của các thế hệ web - Ảnh: Internet

3. Web 3.0 đóng vai trò gì trong đời sống hiện đại

Dù còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận web3 có thể thay đổi cách xã hội hiện đại sử dụng internet.

Quyền sở hữu

Web 3.0 cung cấp cho người dùng quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số trước nay chưa từng có.

Ví dụ: Giả sử người dùng chơi trò chơi trên web2. Nếu họ mua một vật phẩm trong trò chơi, vật phẩm đó sẽ được liên kết trực tiếp với tài khoản của người dùng. Trường hợp người tạo trò chơi xóa tài khoản hoặc chủ tài khoản ngừng chơi, người dùng sẽ mất những vật phẩm này.

Web 3.0 cho phép người dùng sở hữu trực tiếp những giá trị họ tạo ra thông qua NFT. Không ai, kể cả những người tạo ra trò chơi, có quyền lấy đi quyền tài sản thuộc sở hữu của người dùng. Và nếu ngừng chơi, người chơi có thể bán hoặc trao đổi các vật phẩm của mình trên các thị trường để thu lại giá trị từ chúng.

Kháng kiểm duyệt

Động lực giữa các nền tảng và người tạo nội dung bị mất cân bằng nghiêm trọng.

Ví dụ: OnlyFans - một trang mạng xã hội của Anh Quốc quy tụ hơn 1 triệu người tạo nội dung, nhiều người trong số họ sử dụng nền tảng này làm nguồn thu nhập chính. Vào tháng 8/2021, OnlyFans đã công bố kế hoạch cấm một số dạng nội dung. Thông báo đã gây ra sự phẫn nộ với những người sáng tạo trên nền tảng này, cho rằng họ bị cướp mất thu nhập từ những nội dung do chính họ tạo ra.

Sau những phản ứng dữ dội, quyết định nhanh chóng bị đảo ngược. Những người sáng tạo chiến thắng trong trận chiến này. Đồng thời, nó làm nổi bật một vấn đề đối với những người dùng Web 2.0 về quyền sáng tác và đăng tải nội dung.

Với web 3.0, dữ liệu của người dùng tồn tại trên chuỗi khối. Người dùng có thể đăng tải bất kỳ dạng nội dung nào. Và khi quyết định rời khỏi một nền tảng, họ có thể mang theo danh tiếng của mình, gắn nó vào một giao diện khác phù hợp hơn với các nội dung đó.

Web 2.0 yêu cầu người sáng tạo nội dung tin tưởng nền tảng, người dùng cần phải tuân theo quy tắc của các công ty. Ngược lại, khả năng chống kiểm duyệt là một tính năng gốc của nền tảng web3.

Các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO - Decentralized Autonomous Organization)

Người dùng có thể sở hữu nền tảng này với tư cách là một tập thể, sử dụng các mã thông báo đóng vai trò như cổ phần trong một công ty. DAO cho phép điều phối quyền sở hữu phi tập trung của một nền tảng và đưa ra quyết định về tương lai của nền tảng đó.

DAO được định nghĩa về mặt kỹ thuật là các hợp đồng thông minh đã được thỏa thuận, tự động hóa việc ra quyết định phi tập trung đối với một nhóm tài nguyên (mã thông báo). Người dùng có mã thông báo bỏ phiếu về cách sử dụng tài nguyên và mã sẽ tự động thực hiện kết quả bỏ phiếu.

Tuy nhiên, mọi người thường định nghĩa nhiều cộng đồng web3 là DAO. Các cộng đồng này đều có mức độ phân quyền và tự động hóa theo mã khác nhau.

Xác thực

Theo truyền thống, người dùng cần tạo tài khoản và cập nhật thông tin của mình trên các nền tảng mà họ sử dụng.

Ví dụ, người dùng sử dụng tài khoản để đăng nhập mạng xã hội trong một số trường hợp trên các thiết bị khác nhau, nhưng điều này gây ra một vấn đề quen thuộc - kiểm duyệt. Chỉ với một cú nhấp chuột, những nền tảng này có thể khóa toàn bộ dữ liệu trên tài khoản khỏi nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, nhiều nền tảng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chính xác để tạo tài khoản.

Web3 giải quyết những vấn đề này bằng cách cho phép người dùng kiểm soát danh tính kỹ thuật số của mình bằng địa chỉ Ethereum và hồ sơ ENS. Sử dụng địa chỉ Ethereum giúp cung cấp thông tin một lần đăng nhập duy nhất trên các nền tảng an toàn, chống kiểm duyệt và ẩn danh.


Web 2.0 thường xuyên yêu cầu người dùng xác thực danh tính - Ảnh: Internet

Thanh toán gốc

Cơ sở hạ tầng thanh toán của web2 dựa vào các ngân hàng và bộ xử lý thanh toán, ngoại trừ những người không có tài khoản ngân hàng hoặc một số trường hợp đặc thù khác. Trong khi đó, web3 sử dụng các mã thông báo như ETH để gửi tiền trực tiếp trong trình duyệt và không yêu cầu bên thứ ba.

Trên đây là một số điều cần biết về web3. Hy vọng bài viết sẽ làm sáng tỏ phần nào câu hỏi “Web 3.0 là gì?” và mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.


Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
time 25/11/2024
Data Lakehouse (Hồ dữ liệu tích hợp) là giải pháp kiến trúc dữ liệu hiện đại, giúp doanh nghiệp lưu trữ linh hoạt, giảm chi phí và tối ưu phân tích dữ liệu trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
time 16/08/2024
Một khi dữ liệu đã được mạng Blockchain (Chuỗi khối) chấp nhận, sẽ không cách nào thay đổi được. Cụ thể, chuỗi khối là gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này.
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
time 09/08/2024
Ví blockchain là một trong những dạng ví tiền điện tử có độ bảo mật cao nhất. Vậy ví blockchain là gì? Loại ví blockchain nào tốt nhất?
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
time 08/08/2024
Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
time 07/08/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ AI trong y tế đã từng là giấc mơ, nhưng nó đang dần được hiện thực hóa.