Tin tức & Sự kiện
Blog

Thực tế tăng cường (AR) trong ngành bán lẻ: Lợi ích và hiệu quả

time 25 tháng 10, 2023

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thực tế tăng cường, ngành bán lẻ đã có những bước tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ.

Xu hướng áp dụng công nghệ thực tế tăng cường ở hầu hết mọi ngành kinh tế đang trên đà phát triển và bán lẻ (retail) cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, sự thâm nhập của AR trong ngành bán lẻ đã và đang mang lại những kết quả rất ấn tượng. Thị trường này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng lên tới 61,3 tỷ USD vào năm 2031 với tốc độ CAGR là 41,4%.

Theo số liệu thống kê, việc phát triển các ứng dụng AR đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt, AR trong bán lẻ không chỉ thu hút nhiều khách hàng, giúp quá trình mua sắm trở nên tương tác hơn mà còn giảm đáng kể tỷ lệ hoàn trả.

Những sự thay đổi đáng mà AR mang lại khiến nó trở thành công nghệ phù hợp cho nhà bán lẻ muốn khởi động dự án thương mại điện tử hoặc cải thiện hiệu suất của những cửa hàng hiện tại.

Xem thêm bài viết: AR là gì? Ứng dụng thực tế tăng cường trong thực tiễn

1. Thực tế tăng cường hoạt động như thế nào?

Người dùng có thể trải nghiệm thực tế tăng cường trên thiết bị cầm tay (điện thoại thông minh và máy tính bảng), thiết bị đeo (mũ, kính thực tế tăng cường), PC hoặc máy tính xách tay cũng như TV, gương kỹ thuật số, thiết bị được kết nối như kính, màn hình, ống kính và thậm chí cả phòng thử đồ AR.

Sự khác biệt giữa thực tế tăng cường và thực tế ảo (VR) là AR không thay thế hoàn toàn thế giới thực mà “tăng cường” nó bằng vật thể ảo bổ sung.

Đối với thiết bị cầm tay, AR sử dụng máy ảnh, công nghệ thị giác máy tính, GPS, la bàn và gia tốc kế của thiết bị để thu thập thông tin về môi trường thế giới thực xung quanh. Sau đó, nó phủ thông tin ngữ cảnh bổ sung (ở dạng 2D hoặc 3D) lên trên hình ảnh môi trường đó.

2. Lợi ích của công nghệ thực tế tăng cường đối với ngành bán lẻ

Ứng dụng AR trong bán lẻ mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhằm tăng sự hài lòng của khách hàng, đồng thời giảm chi phí.

Thúc đẩy doanh số bán hàng

Công nghệ AR cho phép khách hàng dùng thử sản phẩm trước khi ra quyết định, kể cả khi mua sắm trực tuyến. Điều này có nghĩa là khách hàng gần như biết chính xác sản phẩm có thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng không.

Ví dụ, quần áo có vừa vặn không hoặc đồ nội thất mới sẽ trông như thế nào khi đặt trong không gian của họ. Bất kể khách hàng mua sắm qua kênh thương mại điện tử hay trực tiếp tại cửa hàng, AR đều có khả năng giúp nâng cao trải nghiệm, tăng khả năng chuyển đổi.

Giảm thiểu hoàn trả

AR hạn chế tâm lý thất vọng của khách hàng và giúp họ lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất với mình. Do đó, tỷ lệ hoàn trả có xu hướng giảm mạnh đối với cả cửa hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống.

Tăng sự tương tác của khách hàng

Trải nghiệm ảo mà thực tế tăng cường trong bán lẻ mang lại khơi dậy sự quan tâm, hứng thú của khách hàng đối với sản phẩm, đồng thời cung cấp tất cả thông tin chi tiết mà khách hàng cần để ra quyết định. Khi đã hiểu rõ về sản phẩm, khách hàng có xu hướng quay lại và mua sắm nhiều hơn.

Tạo nội dung truyền thông xã hội

Trải nghiệm AR mang đến cho khách hàng nhiều điều gì để nói và chia sẻ trên mạng xã hội. Các bình luận và thảo luận trên mạng xã hội diễn ra sau đó sẽ giúp nâng cao nhận thức về sản phẩm và thương hiệu.

Thu thập dữ liệu sở thích của khách hàng

Thông tin về sản phẩm mà khách hàng chọn dùng thử thông qua tính năng mua sắm nâng cao tích hợp AR nói lên nhiều điều về mối quan tâm, sở thích và kiểu hành vi mua sắm của họ. Nhà bán lẻ có thể sử dụng những hiểu biết này để tạo chiến dịch marketing và quảng cáo được cá nhân hóa.

Mang đến trải nghiệm không tiếp xúc

Trong thế giới hậu đại dịch, ứng dụng công nghệ AR trong bán lẻ phần nào hướng đến mục đích loại bỏ rủi ro ô nhiễm và những lo ngại về vệ sinh, bệnh tật do tiếp xúc.

Giảm chi phí nhân sự

Ứng dụng AR cung cấp cho người dùng thông tin đầy đủ về mặt hàng họ quan tâm. Hơn nữa, thực tế tăng cường trong bán lẻ giúp nhà bán lẻ điều hướng cửa hàng. Nhờ đó, nhu cầu về nhân sự quản lý, hỗ trợ tư vấn có thể cắt giảm đến mức tối thiểu.

Xây dựng lòng trung thành của khách hàng

Trải nghiệm khách hàng tốt làm tăng mức độ trung thành của khách hàng. Thông qua đó, mối quan hệ giữa khách hàng - thương hiệu cũng bền chặt hơn.

3. Những ứng dụng của công nghệ AR trong bán lẻ

Có hai cách triển khai AR trong ngành bán lẻ: Tại cửa hàng và ngoài cửa hàng. Trong cửa hàng, khách hàng có thể trải nghiệm AR thông qua thiết bị cầm tay, thiết bị đeo như kính AR, gương tương tác thông minh, phòng thử đồ,...

Tiếp cận “ngoài cửa hàng” bao gồm trải nghiệm AR từ một vị trí thực tế khác thông qua ứng dụng web hoặc thiết bị di động thương mại điện tử.

Chiến lược tốt nhất là kết hợp cả hai cách tiếp cận, còn được gọi là chiến lược “đa kênh”. Tuy nhiên, không phải tất cả nhà bán lẻ đều có đủ khả năng để lắp đặt phần cứng AR tại cửa hàng, chẳng hạn như gương. Đồng thời, nhiều nhà bán lẻ chủ yếu kinh doanh trực tuyến thay vì vận hành cửa hàng truyền thống.

Hãy khám phá hoạt động của cả hai phương pháp và xem xét kỹ hơn ví dụ về thực tế tăng cường trong bán lẻ.

Trực quan hóa không gian và tham quan ảo

Công nghệ AR cho phép khách hàng dạo qua cửa hàng hoặc cơ sở kinh doanh trước khi thật sự đến thăm địa điểm đó trong thực tế. Việc sử dụng thực tế tăng cường cho phép họ cảm nhận về địa điểm và tìm hiểu trước thông tin cần thiết.

Ví dụ, các ứng dụng như Magicplan cung cấp công cụ lập kế hoạch thiết kế bất động sản dân cư hỗ trợ AR, cho phép người dùng xem trước ngôi nhà của mình sẽ trông như thế nào sau khi hoàn tất quá trình cải tạo. Người dùng thậm chí có thể đi dạo qua ngôi nhà ảo đã được tân trang lại và ước tính những vật liệu cần thiết cho dự án cải tạo.

Phối màu

Các ứng dụng mua sắm thực tế tăng cường cũng được sử dụng rộng rãi để kết hợp màu sắc và tạo bảng màu tối ưu cho căn phòng hoặc trang phục.

Ví dụ, ứng dụng Dulux Visualizer cho phép khách hàng chọn màu tường mới cho ngôi nhà của mình. Hoặc ứng dụng Prestige ColorPic cũng cho phép người dùng chọn màu tường lý tưởng từ hàng ngàn màu sơn. Sau đó, người dùng chỉ cần chọn màu mình muốn và mua trực tiếp trên Amazon.


Chọn màu tường phù hợp với căn phòng trên ứng dụng thực tế tăng cường - Ảnh: Internet

Hình dung trang phục

Khi mua sắm quần áo, khách hàng hầu như không có khả năng hình dung được quần áo trong móc treo của cửa hàng sẽ trông như thế nào khi mặc lên người.

Ứng dụng ASOS Virtual Catwalk cho phép người mua hàng thấy được khi quần áo mặc trên những người mẫu có kích cỡ và hình dáng cơ thể khác nhau và quyết định xem chúng có vừa vặn với mình hay không.


Ứng dụng AR cho phép người dùng hình dung chính xác về trang phục theo dáng người - Ảnh: Internet

Trưng bày trong cửa hàng

Để kích hoạt thực tế tăng cường trong cửa hàng bán lẻ, một số thương hiệu đã lắp đặt màn hình trong cửa hàng, mang đến cho người mua hàng nhiều trải nghiệm tương tác.

Ví dụ: Chuỗi cửa hàng Kate Spade - thương hiệu thời trang thiết kế cao cấp của Mỹ - sử dụng màn hình AR, giúp người mua hàng tạo ra những chiếc túi tùy chỉnh độc đáo bằng cách sử dụng đồ trang trí và phụ kiện.

Charlotte Tilbury - thương hiệu mỹ phẩm cao cấp tại London, sử dụng màn hình AR được thiết kế như gương soi để hiển thị khuôn mặt của người mua hàng khi sử dụng các màu son và cách trang điểm khác nhau.

Phòng thử đồ AR

Với thực tế tăng cường trong bán lẻ, khách hàng không còn cần phải thử quần áo để xem chúng có vừa vặn hay không. Họ có thể sử dụng phòng thử đồ ảo để chọn kiểu dáng phù hợp nhất.

Ví dụ, Timberland - một thương hiệu nổi tiếng thế giới trong ngành công nghiệp giày dép, quần áo và phụ kiện - đã lắp đặt màn hình ở nơi du khách có thể soi mình trong gương và thử các loại quần áo khác nhau.

Du khách thậm chí không cần phải vào bên trong cửa hàng để chọn quần áo. Lily's - một thương hiệu quần áo Trung Quốc - đã trưng bày màn hình AR trên cửa sổ của một cửa hàng nằm ở ga tàu điện ngầm. Nhờ vậy, hành khách có thể thử quần áo khi đang chờ tàu.

Dùng thử hỗ trợ AR

Thử nghiệm ảo là một số ví dụ sinh động nhất về ứng dụng AR trong bán lẻ. Với công nghệ thực tế tăng cường, khách hàng có thể dùng thử sản phẩm ngay cả khi không ở gần bất kỳ cửa hàng nào.

Thương hiệu kính mắt Warby Parker cung cấp cho khách hàng một ứng dụng AR để xem khuôn mặt của họ sẽ trông như thế nào nếu họ đeo các gọng kính khác nhau. Tương tự, Diamond Hedge là một giải pháp cho phép khách hàng mua nhẫn kim cương từ thương hiệu xa xỉ, xem chúng phù hợp với họ như thế nào.

“Gã khổng lồ” đồ thể thao nổi tiếng thế giới Nike cũng đã tung ra ứng dụng mua sắm thực tế tăng cường, giúp người dùng ước tính cỡ giày của mình và lưu vào ứng dụng. Kích thước có thể dễ dàng tra cứu khi khách hàng mua giày.

Thông qua sử dụng công nghệ AR, các công ty trong ngành thời trang và làm đẹp đã và đang cung cấp cho khách hàng một phương pháp mới để dùng thử sản phẩm của họ một cách nhanh chóng, thuận tiện, mang lại hiệu quả cao.


Ứng dụng AR của Nike hỗ trợ thử đồ - Ảnh: Internet

Gắn kết thương hiệu

Một số thương hiệu hiện đang sử dụng AR để tăng cường sự tương tác của khách hàng bằng cách mang đến cho họ những trải nghiệm thú vị. Starbucks tạo ra những chiếc cốc dành cho ngày lễ, chúng sẽ “trở nên sống động” hơn khi khách hàng xem qua ống kính camera trên điện thoại thông minh.

Xây dựng lòng trung thành của khách hàng

Trong nỗ lực nâng cao lòng trung thành của khách hàng, Lego mang đến cho người hâm mộ một hoạt động mới tại cửa hàng. Khách hàng có thể chiếu hộp chứa sản phẩm lên màn hình trong cửa hàng và quan sát bộ lego sau khi đã hoàn thiện.

Toys-R-Us cũng đã giới thiệu một trò chơi AR dành cho những khách hàng nhỏ tuổi. Ứng dụng Play Chaser cho phép quét ký hiệu trong cửa hàng để truy cập vào trò chơi và thực hiện nhiệm vụ. Họ có thể chơi một mình hoặc với những người chơi khác.

Giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt

Trước khi mua một sản phẩm có giá trị lớn, khách hàng thường phải xem xét tất cả các khía cạnh để cân đối chi phí và nhu cầu sử dụng. Một tài liệu AR giúp khách hàng truy cập hình ảnh, thông tin, công dụng và những lợi ích của sản phẩm có thể giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt, giảm thiểu tỷ lệ hoàn trả.

Bán lẻ tại siêu thị

Nhiều thương hiệu không bán sản phẩm của họ trong cửa hàng chuyên dụng. Thay vào đó, sản phẩm của họ xuất hiện trên kệ của cửa hàng bán lẻ, siêu thị cùng với nhiều hàng hóa khác và cần một số tính năng đáng nhớ để khiến chúng nổi bật, gây ấn tượng với người tiêu dùng.

Ví dụ, Philips sử dụng thẻ AR để đánh dấu các thiết bị điện tử của họ. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh của mình, khách hàng có thể đọc lớp AR của thẻ và tìm hiểu thêm thông tin về một sản phẩm cụ thể mà không cần nhờ chuyên viên tư vấn tại cửa hàng.

Khi các ứng dụng bán lẻ AR ngày càng trở nên phổ biến, một trong những điều có thể giúp nhà bán lẻ thu hút được sự chú ý là chất lượng sản phẩm kỹ thuật số của họ. Xu hướng tích hợp công nghệ thực tế tăng cường vào bán lẻ đã cho thấy những hiệu quả tích cực và chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nguồn tham khảo: 

https://easternpeak.com/blog/bringing-augmented-reality-to-your-retail-app/


Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
Data Lakehouse là gì? Sự khác biệt so với Data Warehouse và Data Lake
time 25/11/2024
Data Lakehouse (Hồ dữ liệu tích hợp) là giải pháp kiến trúc dữ liệu hiện đại, giúp doanh nghiệp lưu trữ linh hoạt, giảm chi phí và tối ưu phân tích dữ liệu trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là gì? Điểm mạnh của Blockchain (Chuỗi khối)
time 16/08/2024
Một khi dữ liệu đã được mạng Blockchain (Chuỗi khối) chấp nhận, sẽ không cách nào thay đổi được. Cụ thể, chuỗi khối là gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này.
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
Ví Blockchain là gì? Ví blockchain nào tốt nhất?
time 09/08/2024
Ví blockchain là một trong những dạng ví tiền điện tử có độ bảo mật cao nhất. Vậy ví blockchain là gì? Loại ví blockchain nào tốt nhất?
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
10 ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
time 08/08/2024
Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
time 07/08/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng công nghệ AI trong y tế đã từng là giấc mơ, nhưng nó đang dần được hiện thực hóa.