Mới đây, Trung tâm R&D Elcom đã nghiên cứu và phát triển thành công công nghệ video-based vital sign - một trong những xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe.
Chăm sóc sức khỏe thông minh là lĩnh vực đang được tập trung, đẩy mạnh tại Elcom trong thời gian gần đây. Việc nghiên cứu công nghệ phục vụ cho các sản phẩm, nền tảng y tế thông minh như: 1SK, Televital,... là một trong những mục tiêu mà trung tâm R&D hướng đến trong giai đoạn mới.
Video-based vital sign là gì?
Vital sign - Dấu hiệu sinh tồn (hay còn gọi là dấu hiệu sống) là một nhóm gồm 4 đến 6 dấu hiệu thể lực quan trọng nhất, cho biết trạng thái sống còn của cơ thể. Các dấu hiệu này thường bao gồm: Nhịp tim, nhiệt độ, mạch, huyết áp, nhịp thở, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2).
Video-based vital sign do Elcom nghiên cứu và phát triển được hiểu là phương pháp xác định các chỉ số sinh tồn thông qua camera. Vậy, Video-based vital sign hoạt động như thế nào?
Khi hô hấp, tim đưa máu lưu thông tới mọi nơi trên cơ thể, đặc biệt là não bộ, gây ra sự thay đổi về màu sắc và độ đậm nhạt trên da. Về cơ bản, mắt thường không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể được phát hiện thông qua phân tích giá trị trung bình của các thành phần kênh màu đỏ và xanh từ các khung hình kết hợp với công thức, nhằm khuếch đại sự thay đổi.
Làm chủ công nghệ để tối ưu hiệu quả đầu tư
Các thành viên tham gia dự án thuộc nhóm nghiên cứu công nghệ AI và IoT đã tiến hành khảo sát thị trường. Nhận thấy, đây là một trong những xu hướng công nghệ đang được tập trung đầu tư mạnh tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Đồng thời, công nghệ này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của 1SK - Nền tảng chăm sóc sức khỏe thông minh do công ty phát triển.
Bên cạnh đó, nếu kết hợp với một số nền tảng công nghệ nước ngoài sẽ dẫn đến chi phí tích hợp và vận hành khá cao, không phù hợp với thị trường Việt Nam. Do đó, nhóm dự án đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của việc làm chủ công nghệ và tự phát triển sản phẩm.
Sau quá trình thu thập dữ liệu và liên tục cải thiện, nâng cấp, hệ thống cho ra kết quả có độ chính xác cao (sai số khoảng +/-2 đơn vị) dù không cần thông qua tiếp xúc trực tiếp như các phương pháp truyền thống. Các chỉ số có thể đo lường được bao gồm: Nhịp tim, chỉ số hô hấp và SpO2.
Một quy trình lấy mẫu và thử nghiệm của nhóm nghiên cứu
Bước phát triển mới cho các nền tảng chăm sóc sức khỏe thông minh
Trước đó, Nền tảng tập thể dục và chăm sóc sức khỏe thông minh 1SK đã cho ra mắt những thiết bị đo chỉ số sinh tồn theo phương pháp tiếp xúc. Khi tích hợp thành công video-based vital sign, người dùng có thể theo dõi các chỉ số này bằng phương pháp không tiếp xúc. Kết nối với hệ sinh thái đã có, công nghệ này sẽ hỗ trợ quá trình tư vấn, khám chữa bệnh từ xa hiệu quả hơn.
Thông qua các chỉ số sinh tồn đo lường được từ camera, bác sĩ, chuyên gia y tế có cơ sở đưa ra chẩn đoán, phát hiện biến chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà, tình trạng và diễn tiến bệnh lý (nếu có) mà không cần mất nhiều thời gian đến cơ sở y tế hoặc chi phí mua những loại thiết bị khác nhau.
Anh Trần Huy Tùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) cho biết: “Video-based vital sign là công nghệ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Trong tương lai, nhóm dự án sẽ bổ sung thêm nhiều tính năng mới bao gồm: Phân tích các bệnh lý liên quan đến da liễu; đo lường các chỉ số huyết áp, tuần hoàn; quét toàn bộ cơ thể (body scan) để gợi ý chương trình luyện tập phù hợp,...”