Nếu bạn mới tìm hiểu về thị trường tiền điện tử (thị trường crypto) rộng lớn, trước tiên, hãy tìm hiểu những thuật ngữ về tiền điện tử phổ biến sau đây.
Xung quanh tiền điện tử có rất nhiều thông tin và thuật ngữ mới lạ và đôi khi hơi khó hiểu đối với những người mới bắt đầu. Vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng Elcom tìm hiểu một số thuật ngữ crypto phổ biến để dễ dàng làm quen với thị trường.
1. Cách gọi của tiền điện tử
Tiền điện tử là một dạng tài sản kỹ thuật số được xây dựng dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Tiền điện tử còn có nhiều cách gọi khác, bao gồm: Crypto/cryptocurrencies/cryptocurrency, tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, coin/token,...
Xem thêm bài viết: Crypto là gì? Lưu ý gì để tránh lừa đảo khi tham gia thị trường Crypto?
2. Altcoin (Alternative coin)
Do Bitcoin là loại tiền điện tử lâu đời nhất, thuật ngữ “altcoin” thường dùng để chỉ tất cả những loại tiền điện tử khác ngoài Bitcoin.
3. Bitcoin
Bitcoin là loại tiền điện tử đầu tiên trên thế giới không do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan giám sát phát hành. Do đó, nó rất nổi tiếng và nhận được sự quan tâm lớn từ những người quan tâm đến thị trường crypto.
Khi Bitcoin ra đời vào năm 2009, chỉ có một nhóm nhỏ thích thú với tiền điện tử. Tới nay, ước tính đã có đến 425 triệu người trên toàn thế giới hiện đang nắm giữ tiền điện tử.
Quá trình chuyển đổi số dần lấn sang lĩnh vực tài chính. Ngày càng nhiều tổ chức tài chính chấp nhận tiền điện tử như Bitcoin tham gia vào thị trường này và tích lũy được hơn 7.8% tổng số BTC (Ký hiệu của Bitcoin) đang có.
Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đã phát triển thành một loại tài sản mới, ngày càng được nhiều người biết đến và nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các ngân hàng.
4. Chuỗi khối (Blockchain)
Đúng như tên gọi, blockchain là công nghệ mà các chuỗi khối kết nối với nhau. Khối sau lấy thông tin từ khối trước, tạo thành một mắt xích không thể thay đổi, đánh cắp hay giả mạo. Blockchain được chia sẻ tới mọi người để xem nội dung bên trong. Tuy nhiên, họ không thể thay đổi hoặc xóa đi những nội dung đó.
5. Coin và token
Hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau, mặc dù chúng không phải là một. Điểm chung là cả hai đều đại diện cho một giá trị cụ thể, cho phép thanh toán và có thể trao đổi được.
Sự khác biệt chính nằm ở việc coin là tiền điện tử độc lập, không yêu cầu bất kỳ nền tảng nào khác. Thay vào đó, chúng có blockchain riêng. Ví dụ, Bitcoin hoạt động trên blockchain Bitcoin.
Ngược lại, token dựa trên blockchain hiện có và sử dụng công nghệ này để cung cấp các ứng dụng nhất định. Ví dụ, có những token dựa trên blockchain Ethereum và cung cấp dịch vụ DeFi.
Sự khác nhau giữa coi và token - Ảnh: Internet
6. Hợp đồng thông minh (Smart contract)
Hợp đồng thông minh là việc các chương trình được lưu trữ trên blockchain chạy khi thỏa mãn những điều kiện xác định từ trước.
Chúng thường được sử dụng nhằm mục đích tự động hóa việc thực hiện thỏa thuận. Mục đích của hợp đồng thông minh là đảm bảo việc soạn thảo hợp đồng hợp lệ về mặt pháp lý thông qua các phương tiện kỹ thuật. Điều này ngay lập tức mang lại cho các bên sự chắc chắn về kết quả mà không cần phải sử dụng bên trung gian thứ ba.
7. Defi
DeFi, viết tắt của tài chính phi tập trung (Decentralized finance), đã bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong những năm gần đây. Thuật ngữ này đề cập đến hệ sinh thái ứng dụng tài chính được xây dựng trên nền tảng blockchain, web3.0 và chương trình hợp đồng thông minh.
Defi bao gồm các thành phần:
DApp (Decentralized Application): Ứng dụng phi tập trung, hoạt động trên blockchain.
Block Explorer: Công cụ tra cứu thông tin giao dịch trên blockchain.
Decentralized Exchange (DEX): Sàn giao dịch phi tập trung.
Decentralized Autonomous Organization (DAO): Tổ chức tự trị phi tập trung, hoạt động dựa trên hợp đồng thông minh.
dApps Browser: Trình duyệt web dành cho ứng dụng phi tập trung.
Liquidity Pool: Nhóm thanh khoản cung cấp cho giao dịch trên sàn giao dịch phi tập trung.
Staking: Gửi tiền điện tử để nhận phần thưởng.
8. Công nghệ sổ cái phân tán
Sổ cái là một sổ đăng ký nơi ghi lại các giao dịch đã được thực hiện. Công nghệ sổ cái phân tán (DLT - Distributed ledger technology) là một cơ sở dữ liệu nằm ở nhiều nơi cùng một lúc. Ngược lại với DLT là cơ sở dữ liệu tập trung.
Công nghệ sổ cái phân tán quản lý giao dịch thông qua phân cấp giữa nhiều người và nhiều địa điểm khác nhau. Không cần có cơ quan trung ương, bên thứ ba như ngân hàng hoặc máy chủ trung tâm để xác thực giao dịch.
Hệ thống sử dụng mã hóa kết hợp với các giao thức để đảm bảo tính bảo mật, xác thực trong quá trình giao dịch, ngăn chặn sự can thiệp không mong muốn, đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin.
9. Chuỗi khối Ethereum (Ethereum blockchain)
Ethereum là một nền tảng blockchain cho phép nhà phát triển tạo và triển khai ứng dụng phi tập trung bằng cách sử dụng hợp đồng thông minh. Ethereum hiện là một trong những giải pháp khá phổ biến.
Kể từ khi ra đời, blockchain Ethereum đã thu hút một cộng đồng nhà phát triển lớn và ngày càng mở rộng. Xét theo vốn hóa thị trường, đây là blockchain hợp đồng thông minh lớn nhất tính tới thời điểm hiện tại.
Ethereum có loại tiền điện tử riêng gọi là Ether (ETH), sử dụng để thực hiện các hợp đồng thông minh và giao dịch trên nền tảng. Ether cũng có thể dùng như một phương thức thanh toán kỹ thuật số và giao dịch trên sàn giao dịch tiền điện tử lớn.
Ethereum là blockchain đầu tiên khám phá và triển khai hợp đồng thông minh - Ảnh: Internet
10. Tiền pháp định (Fiat)
Tiền Fiat hay còn gọi là tiền pháp định, là phương thức thanh toán do ngân hàng trung ương và các ngân hàng khác phát hành. Các loại tiền pháp định, chẳng hạn như đồng franc Thụy Sĩ, euro và đô la Mỹ, không bị ràng buộc với giá hàng hóa, thay vào đó dựa trên sự tin tưởng vào giá trị của đồng tiền.
Fiat không có giá trị nội tại, khác với tiền hàng hóa (commodity money), chẳng hạn như kim loại quý (vàng, bạc,...). Giá trị của nó phụ thuộc vào khả năng sử dụng và tiềm lực tài chính của quốc gia phát hành.
Mặc dù tiền điện tử, giống như tiền pháp định, có thể được sử dụng làm phương thức thanh toán và hình thức đầu tư, nhưng có một sự khác biệt rõ ràng: Tiền điện tử không được phát hành bởi chính phủ, thay vào đó dựa trên thuật toán đồng thuận và mật mã để đảm bảo các giao dịch an toàn.
11. Hàm băm (Hash)
Hash đề cập đến quá trình chuyển đổi dữ liệu thành một hàm băm giá trị (giá trị băm) thông qua hàm cụ thể và quá trình này được gọi là “băm”. Mục đích chính của hàm băm là tạo ra một mã số duy nhất cho dữ liệu đầu vào sao cho bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào trong dữ liệu đầu vào cũng sẽ tạo ra một hàm băm giá trị khác.
Hash có thể được sử dụng để xác minh rằng các tập dữ liệu không thay đổi trong quá trình truyền hoặc lưu trữ. Trong thế giới tiền điện tử, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ giao dịch và tạo khối trong chuỗi khối.
12. Đợt chào chán coin ban đầu (ICO - Initial coin offering)
ICO là một phương thức gây quỹ cho các loại tiền điện tử (tài sản tiền điện tử) mới được phát hành. Đây là cách phổ biến để huy động vốn cho công ty, tổ chức và dự án muốn cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Những nhà đầu tư quan tâm sẽ mua tiền điện tử mới được phát hành với hy vọng giá trị của nó sẽ tăng lên trong tương lai.
Nhà phát hành ICO sẽ phát triển loại tiền điện tử mới từ số tiền thu được của các nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư có thể sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi dự án hoặc nâng giá tiền điện tử đã đầu tư để thu lời và tăng tài sản.
13. Mã thông báo không thể thay thế (NFT)
NFT (Non-fungible token) được hiểu là một dạng vật phẩm ảo xác thực bằng công nghệ blockchain. NFT sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm. Với đặc tính này, NFT trở thành loại tài sản độc nhất vô nhị, không thể sao chép hay làm nhái.
Do chúng là duy nhất, rất nhiều người sẵn sàng chi trả số tiền lớn để sở hữu tài sản NFT. Tranh NFT, âm nhạc NFT hay những vật phẩm trong game NFT trở thành “cơn sốt”, thu hút số lượng lớn nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiền điện tử.
14. Ví tiền điện tử (Ví crypto)
Ví crypto được tạo ra để quản lý tiền mã hóa và những token khác. Ví lưu trữ địa chỉ, khóa công khai và/hoặc khóa riêng tư. Điều này có nghĩa là tiền mã hóa không được lưu trong ví, nhưng ví chứa thông tin chi tiết để truy cập tiền mã hóa trên blockchain.
Những người nắm giữ tiền mã hóa có xu hướng lựa chọn nhiều loại ví vì lý do bảo mật. Hai loại ví phổ biến nhất là:
Ví nóng
Thông tin chi tiết về quyền truy cập được lưu trữ trực tuyến, nghĩa là ví phải được kết nối với Internet. Có nhiều loại ví nóng khác nhau, tất cả đều dễ sử dụng và tiện lợi. Việc lưu trữ trực tuyến khiến ví nóng trở thành mục tiêu phổ biến của tội phạm mạng. Do đó, nhiều người sẽ kết hợp sử dụng cả ví lạnh.
Ví lạnh
Ví lạnh là phương tiện lưu trữ vật lý không kết nối với Internet, ví dụ như ổ USB, ổ đĩa flash, ổ cứng, ổ đĩa,... Mặc dù lưu trữ ngoại tuyến có khả năng bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công của tin tặc, nhưng không phải là không có rủi ro.
Nếu ví lạnh bị mất, sẽ không có bản sao lưu và khóa được lưu trữ trong ví cũng sẽ biến mất mãi mãi.
15. Khóa công khai và khóa riêng tư
Khóa công khai (public key) và khóa riêng tư (private key) hoạt động như một hệ thống hai khóa: Khóa công khai được sử dụng để mã hóa, trong khi khóa riêng tư giúp giải mã thông tin. Bạn có thể tìm ra khóa công khai nếu có khóa riêng tư, những rất khó tìm ra khóa riêng tư khi có khóa công khai.
Hiểu đơn giản, khóa công khai là địa chỉ của người dùng, cung cấp cho những người tham gia mạng khác một điểm truy cập để gửi mã thông báo đến ví này. Nhưng nếu người dùng muốn gửi tiền điện tử từ người này sang người khác, họ sẽ cần khóa riêng tư của mình để xác nhận giao dịch.
Trên đây là 15 thuật ngữ crypto và blockchain phổ biến thường gặp. Hy vọng thông qua bài viết tổng hợp của Elcom, bạn đọc sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tìm hiểu thông tin.
Nguồn tham khảo:
https://www.postfinance.ch/en/blog/investing-in-simple-terms/crypto-terms.html