Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Hệ thống giao thông thông minh: Những điều cần biết

time 12 tháng 03, 2022

Hệ thống giao thông thông minh là một trong các ưu tiên hàng đầu của Bộ Giao thông vận tải hiện nay, nhằm xây dựng hệ thống giao thông an toàn, bền vững. Vậy hệ thống giao thông thông minh là gì, có các thành tố cấu thành nào, thực trạng triển khai tại Việt Nam ra sao?


1. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là gì?

Hệ thống Giao thông thông minh (ITS - Intelligent transportation system) là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông, giúp việc di chuyển an toàn, hiệu quả và bền vững hơn.

ITS tạo ra mối liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông trên đường, từ đó hình thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ tối ưu cho việc lưu thông.

2. Lợi ích của hệ thống giao thông thông minh (ITS)

Hệ thống giao thông thông minh đang dần khẳng định vai trò của mình nhờ mang lại những lợi ích thực tiễn vô cùng to lớn. Cụ thể:

  • Hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), cung cấp bằng chứng xác thực phục vụ cho quá trình xử phạt;

  • Giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ và xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông;

  • Hiện đại hoá các trạm thu phí tự động và trạm cân điện tử;

  • Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường;

  • Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa;        

  • Quản lý các đường trục giao thông chính, điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển báo điện tử;

  • Tạo ra hệ thống thông tin cho người đi đường, phổ cập văn hoá giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác, điều hành hệ thống giao thông công cộng một cách linh hoạt, chủ động;

  • Góp phần trong việc sản xuất các phương tiện thông minh, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả của thiết bị an toàn giao thông.


Camera giao thông ghi nhận, phát hiện và cảnh báo vi phạm TTATGT - Ảnh: Internet

3. Hệ thống giao thông thông minh (ITS) hoạt động như thế nào?

Trung tâm Giám sát điều hành là đơn vị quan trọng của ITS. Đây là một hệ thống kỹ thuật do cơ quan giao thông vận tải quản lý. Tại trung tâm, tất cả dữ liệu được thu thập và phân tích để phục vụ cho các hoạt động tiếp theo và quản lý điều khiển giao thông trong thời gian thực hoặc thông tin về phương tiện giao thông.

Để quá trình giám sát và quản lý giao thông diễn ra thuận lợi, ITS phải có 4 giai đoạn:

  • Thu thập dữ liệu: Dữ liệu được thu thập chính xác, sâu rộng và nhanh chóng thông qua nhiều thiết bị phần cứng khác nhau, tạo cơ sở cho các chức năng ITS. Các thiết bị này là Bộ nhận dạng xe tự động, bộ định vị xe tự động dựa trên GPS, cảm biến, AI camera,...

Phần cứng chủ yếu ghi lại dữ liệu như số lượng phương tiện tham gia giao thông, giám sát tốc độ di chuyển và thời gian di chuyển, vị trí, trọng lượng xe,... Các thiết bị phần cứng này được kết nối với máy chủ được đặt tại trung tâm thu thập và phân tích dữ liệu.

  • Truyền dữ liệu: ITS sẽ truyền dữ liệu đã thu thập một cách nhanh chóng theo thời gian thực và gửi về Trung tâm Giám sát điều hành.

  • Phân tích dữ liệu: Dữ liệu đã được thu thập tại Trung tâm Giám sát điều hành được xử lý theo nhiều bước khác nhau, bao gồm: Sửa lỗi, làm sạch dữ liệu, tổng hợp dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Các dữ liệu này được sử dụng cho mục đích dự đoán lưu lượng giao thông, phát hiện, ghi nhận và cảnh báo các sự kiện, sự cố, vi phạm để cung cấp thông tin thích hợp cho người dùng.

  • Thông tin cho người tham gia giao thông: Hệ thống cung cấp thông tin theo thời gian thực như thời gian di chuyển, tốc độ di chuyển, độ trễ, tai nạn trên đường, thay đổi tuyến đường, chuyển hướng,...

Thông tin này được cung cấp thông qua các thiết bị điện tử như biển báo thay đổi, radio tư vấn đường cao tốc, internet, tin nhắn SMS,...


Trung tâm Giám sát điều hành giao thông thông minh

4. Thực trạng phát triển giao thông thông minh tại Việt Nam hiện nay

Việt Nam đã có Lộ trình ứng dụng ITS, do Bộ Giao thông vận tải ban hành, được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đến năm 2015, giai đoạn từ 2015 đến 2020 và giai đoạn từ 2020 đến 2030.

Mục tiêu của lộ trình này là: Tiêu chuẩn hoá ITS toàn quốc; Quy hoạch và xây dựng các trung tâm điều hành và kiểm soát giao thông tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam; và xây dựng hoàn thiện các ứng dụng, các hệ thống con ITS. 

Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành đã và đang khẩn trương đưa xây dựng ITS nhanh chóng và đồng bộ. Tại TP.HCM, trong giai đoạn 2021 – 2025, 7 dự án giao thông thuộc chương trình đô thị thông minh của thành phố sẽ được ưu tiên đầu tư. Đây là các dự án nhằm ứng dụng công nghệ vào việc điều hành, quản lý giao thông trên địa bàn. Bao gồm: 

  • Dự án nâng cấp 200 chốt đèn tín hiệu giao thông thông minh điều khiển linh hoạt và 300 thiết bị đo đếm phân tích lưu lượng, mật độ giao thông;

  • Dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị với hệ thống máy chủ và lưu trữ, hệ thống chuyển mạch lõi, hệ thống bảo mật trung tâm dữ liệu;

  • Phần mềm quản trị hệ thống, khai báo dữ liệu giám sát hành trình phương tiện vận tải;

  • Dự án bổ sung hệ thống camera giám sát phục vụ công tác kiểm soát giao thông, đầu tư 200 camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ giám sát giao thông độ phân giải cao, có tính năng phát hiện sự cố tự động;

  • Dự án nâng cấp hệ thống điều khiển phục vụ quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (giai đoạn 1), triển khai hệ thống kiểm soát xe ra vào bến khoảng 35 điểm đầu cuối bến, 200 nhà chờ xe buýt và nâng cấp hệ thống phần cứng, phần mềm quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

  • Dự án trang bị phần mềm, thiết bị phục vụ điều hành, giám sát hoạt động giao thông đường thủy khu vực TP.HCM, lắp đặt hệ thống camera giám sát luồng tuyến trên các tuyến trọng điểm, ngã ba sông, các vị trí cầu yếu, tại các cảng, bến thủy nội địa; phần mềm và phần cứng, ứng dụng mobile cho hệ thống giám sát trung tâm; xây dựng trung tâm điều hành, giám sát;

  • Dự án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm Thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông, đầu tư hệ thống 34 cổng thu phí đa làn không dừng và một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.

Thủ Đô Hà Nội cũng đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển giao thông thông minh, trong đó ưu tiên triển khai các nhóm dịch vụ đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho các doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường giao thông. Cụ thể:

  • Trong quản lý và điều hành giao thông: Giám sát điều khiển giao thông; Giám sát chấp hành Luật Giao thông (xử phạt bằng hình ảnh; hỗ trợ kiểm soát tốc độ phương tiện; hỗ trợ chấp hành đèn tín hiệu giao thông); Phát hiện và xử lý sự cố.

  • Thông tin giao thông: Dịch vụ cung cấp thông tin trước và trong khi tham gia giao thông; dịch vụ dẫn đường. 

  • Vận tải công cộng: Dịch vụ hỗ trợ quản lý, giám sát phương tiện; Điều hành vận tải công cộng; Ưu tiên phương tiện vận tải công cộng; Cung cấp thông tin thời gian thực về vị trí phương tiện cho người dân. Người dân có thể thanh toán điện tử vận tải công cộng tại các bãi đỗ xe, trạm thu phí; Thanh toán điện tử tích hợp, liên thông.

  • Dịch vụ hỗ trợ lái xe an toàn: Quản lý thông tin lái xe; hỗ trợ quản lý đào tạo cấp giấy phép lái xe; kiểm soát tự động tốc độ phương tiện cho lái xe. 

  • Dịch vụ hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.

Trong quá trình phát triển, các dịch vụ có thể được bổ sung và hoàn thiện.

Tại rất nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên,... trong những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ cũng đang từng bước phát triển và được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.


Nhiều tỉnh thành đầu tư vào giao thông thông minh - Ảnh: Internet

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu Cách mạng 4.0. Một trong những mục tiêu nổi bật của đề án là đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc trung ương triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021-2030, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, phấn đấu cả nước có 5000 km cao tốc đưa vào khai thác. Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường bộ khoảng 900.000 tỷ đồng.

Xem thêm bài viết:

Nhìn chung, nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành hệ thống giao thông. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, số lượng phương tiện giao thông phục vụ cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. 

Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh ITS với những bước đi khoa học, bài bản sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân, IST còn giúp cấp quản lý dễ dàng hơn trong giám sát và bảo trì thành phố.

Sau hơn ¼ thế kỷ thành lập và phát triển cùng hơn 10 năm kinh nghiệm “thông minh hóa các con đường", Elcom hiện đang là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường giao thông thông minh.

Mới đây, Elcom đã ký kết hợp đồng triển khai giao thông thông minh trị giá 200 tỷ đồng cho phân đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt với chiều dài gần 50km, thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Đồng thời, Elcom cũng bắt tay hợp tác với Tập đoàn Sơn Hải để triển khai hệ thống giao thông thông minh trên đoạn đường Nha Trang - Cam Lâm, chiều dài 49km với tổng giá trị hợp đồng gần 350 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Elcom cũng đã, đang triển khai nhiều dự án ITS cho các đối tác, khách hàng khác trên khắp cả nước và kỳ vọng sẽ trở thành “người đồng hành” với các dự án giao thông thông minh trong tương lai, góp phần chuyển đổi số ngành giao thông Việt Nam.