Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Trí tuệ nhân tạo là gì? Công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI ứng dụng ở đâu?

time 19 tháng 07, 2023

Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực kết hợp khoa học máy tính và bộ dữ liệu mạnh mẽ, để cho phép máy móc xử lý nhiều vấn đề thay con người. Vậy trí tuệ nhân tạo AI là gì? AI ứng dụng trong những lĩnh vực nào? Hãy cùng Elcom tìm hiểu trong nội dung bài viết này.


Trong nhiều năm qua, trí tuệ nhân tạo đã trải qua nhiều chu kỳ phát triển. Việc phát hành ChatGPT của OpenAI dường như đánh dấu một bước ngoặt, ngay cả với những người còn hoài nghi về công nghệ này. Giai đoạn gần nhất trí tuệ nhân tạo phát triển lớn như vậy, đó là bước đột phá là về thị giác máy tính, và giờ đây là sự nhảy vọt về xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Đó không chỉ là ngôn ngữ mà còn là mô hình tổng quát, có khả năng học ngữ pháp của mã phần mềm, phân tử, hình ảnh tự nhiên và nhiều loại dữ liệu khác.

1. Trí tuệ nhân tạo là gì?

AI (Artificial Intelligence) - Trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ và khẳng định vai trò then chốt của mình trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bằng nhiều ứng dụng vô cùng quan trọng trong đời sống, xã hội con người hiện nay. 

Về mặt khái niệm, AI được kết bởi hai từ “Artificial” và “Intelligence”. Trong đó, “Artificial” định nghĩa cho sự vật do con người tạo ra, còn “Intelligence” định nghĩa cho “sức mạnh tư duy”.

Do vậy, AI có thể được định nghĩa là “sản phẩm, thường là cỗ máy thông minh do con người tạo ra, có khả năng suy nghĩ, lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…

Theo IBM, trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực kết hợp giữa khoa học máy tính và bộ dữ liệu mạnh mẽ, cho phép giải quyết vấn đề. Nó cũng bao gồm các lĩnh vực phụ của máy học (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning).

2. Lịch sử hình thành Trí tuệ nhân tạo - AI

Công nghệ AI chưa được nhắc đến quá nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng thực chất, AI là một khái niệm không quá mới mẻ. Ý tưởng về những sinh vật, sản phẩm nhân tạo có thể làm việc và cư xử như con người đã xuất hiện từ rất lâu về trước trong Thần thoại Hy Lạp. 

Tuy nhiên phải đến ngày nay, khi yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” được hội tụ đầy đủ như sự bùng nổ dữ liệu, phần cứng để phục vụ xử lý các tác vụ AI ngày càng mạnh mẽ, đội ngũ các chuyên gia về AI hùng hậu, ý tưởng nghe chừng viển vông ấy mới được hiện thực hóa.

Xem thêm bài viết: Tổng hợp thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (AI) cần biết

3. Ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo - AI

Hiện nay, AI được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Ở thành phố thông minh, AI được tích hợp tại các trung tâm điều hành thông minh (IOC), trên các tuyến đường, bệnh viện, trường học,... góp phần hiện đại hóa đời sống, xã hội. Một số ví dụ điển hình như :

3.1. Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế

Hiện nay, AI được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người, chẳng hạn như :

Chẩn đoán

AI đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc tự động chẩn đoán bệnh, giúp cho việc chẩn đoán nhanh chóng, tiết kiệm và chính xác hơn.

Nguồn dữ liệu khổng lồ về hình ảnh, bệnh lý, các chỉ số cơ thể,… sẽ được các nhà khoa học “dán nhãn”, nạp vào máy tính, sắp xếp, xử lý,… Từ đó, máy tính sẽ nhận diện, phân loại và đưa ra chẩn đoán khi tiếp xúc dữ liệu của bệnh nhân. 

Nhờ vào lượng dữ liệu dồi dào, AI có khả năng “học” và chẩn đoán không kém gì các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm.

Nghiên cứu, phát triển thuốc

Nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chữa bệnh là quá trình vô cùng tốn kém, cũng như mất rất nhiều thời gian. Nhờ áp dụng thành công AI vào các giai đoạn, việc nghiên cứu và phát triển thuốc diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn nhiều.

Ngoài ra, AI còn được ứng dụng trong phân tích dữ liệu sức khỏe, quản lý hồ sơ y tế, y tá ảo, khám chữa bệnh từ xa,...


Ứng dụng AI trong khám chữa bệnh từ xa

Xem thêm bài viết: Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe

3.2. Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

AI hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi rất lớn trong ngành giáo dục tương lai. Ứng dụng của AI trong mảng giáo dục bao gồm: Hướng dẫn thông minh; Các nền tảng kỹ thuật số sử dụng AI để hỗ trợ trong quá trình học tập, kiểm tra và xác định những lỗ hổng kiến thức của học viên. 

Ngoài ra, AI cũng giúp việc tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng thông qua các ứng dụng dịch thuật, tư vấn hỗ trợ thông minh, sửa ngữ pháp tự động,…


Ứng dụng học tập trực tuyến Colearn sử dụng công nghệ AI

Xem thêm bài viết: 10 cách trí tuệ nhân tạo (AI) làm thay đổi nền giáo dục tương lai

3.3. Trí tuệ nhân tạo trong sản xuất

AI giúp tự động hóa các quy trình trong sản xuất công nghiệp trở chính xác, tối ưu và tiết kiệm hơn. AI được sử dụng nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm, vận hành các quy trình sản xuất tự động, truyền thông chuỗi cung ứng, cải thiện dịch vụ khách hàng. 

Trong sản xuất nông nghiệp, AI hỗ trợ tăng năng suất, sản lượng. Một số ứng dụng của AI trong trong nông nghiệp bao gồm: Thiết bị phân tích dự báo thời tiết; Hệ thống theo dõi sức khỏe của đất và cây trồng; Robot nông nghiệp phục vụ canh tác;...

3.4. Trí tuệ nhân tạo và giao thông thông minh

Ứng dụng AI trong quản lý giao thông tại các đô thị hiện nay đã trở nên rất phổ biến. AI được ứng dụng nhằm giải quyết các vấn đề giao thông đường bộ như ùn tắc, hỗ trợ kiểm soát xe cộ, đếm xe, phân tích mật độ giao thông, đèn tín hiệu giao thông thông minh, phạt nguội,...

Hệ thống quản lý giao thông thông minh tích hợp các chức năng nhận diện biển số xe, phát hiện hành vi vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy ngược chiều, đếm lưu lượng xe, giám sát an ninh,…

Trong vận tải, công nghệ AI được ứng dụng trên các phương tiện tự lái. Ứng dụng này góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao hơn khi cắt giảm được chi phí vận hành, tối ưu lộ trình vận chuyển và đặc biệt hạn chế tai nạn nguy hiểm đến tính mạng con người.


AI mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực giao thông thông minh

Xem thêm bài viết:

3.5. Trí tuệ nhân tạo AI trong ngành dịch vụ

Mảng dịch vụ trải dài trong rất nhiều lĩnh vực từ khách sạn, nhà hàng đến tài chính, ngân hàng,... Ở bất kỳ lĩnh vực nào, AI cũng đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã góp phần làm thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng mục tiêu. 

Nhờ vào công nghệ AI, các công ty có thể cung cấp quảng cáo vào đúng thời điểm, đúng đối tượng tiềm năng dựa trên việc phân tích đặc điểm nhân khẩu học, thói quen hoạt động trực tiếp và nội dung mà khách hàng thường xem.

Công nghệ AI giúp cho ngành dịch vụ hoạt động tối ưu hơn, góp phần mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách hàng. Thông qua việc thu thập, phân tích dữ liệu, công nghệ AI nắm bắt thông tin về hành vi sử dụng dịch vụ của khách hàng. Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp một cách cá nhân hóa.

Những ứng dụng AI nổi bật trong mảng dịch vụ bao gồm: Định danh điện tử (eKYC), Ứng dụng dự đoán hành vi, sở thích; Ứng dụng đề xuất sản phẩm phù hợp với thị hiếu; Trợ lý ảo/Chatbot; Chấm công bằng nhận diện gương mặt,…

Ngoài một số ứng dụng kể trên, công nghệ trí tuệ nhân tạo còn được áp dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác như đồ họa, nghiên cứu khoa học, khám phá vũ trụ,… Với giá trị nó mang lại, có thể thấy rằng, AI chính là xu hướng công nghệ của hiện tại và tương lai.

4. Ưu điểm của Trí tuệ nhân tạo AI

Công nghệ AI được áp dụng rất thành công trong đời sống, chứng minh ưu điểm vượt trội.

Độ chính xác cao

Máy hoặc hệ thống AI ít bị chịu ảnh hưởng bởi tác động của môi trường như con người. Con người có thể mất tập trung, gặp vấn đề về sức khỏe gây ra lỗi trong quá trình làm việc. Ngược lại, hệ thống AI sẽ đưa ra quyết định chính xác trong một thời gian dài với sự ổn định và độ tin cậy cao.

Tốc độ cao

Hệ thống AI có tốc độ xử lý cực kỳ nhanh nhờ vào phần cứng mạnh mẽ, thu thập thông tin và xử lý trong thời gian thực như camera giám sát, xe tự hành,…

Khả năng làm việc trong môi trường nguy hiểm, rủi ro cao

AI được áp dụng để chế tạo robot tự động khám phá đại dương, vũ trụ; Robot cứu nạn, rà soát bom mìn. Chúng sẽ thay thế con người làm việc ở nơi tiềm ẩn rủi ro.

Khả dụng 24/7

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, năng suất lao động của con người chỉ đạt tối đa từ 3-4h một ngày. Con người cần thời gian nghỉ ngơi để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Thế nhưng, AI có khả năng làm việc liên tục trong thời gian dài mà không cần nghỉ ngơi. Nó hỗ trợ xử lý đa tác vụ với hiệu năng cao, đồng thời làm những công việc lặp đi lặp lại mà không thấy buồn chán.

Đi kèm với ưu điểm vượt trội, AI  cũng có một số nhược điểm như: Chi phí cao, thiếu sự sáng tạo, không có cảm xúc. Ngoài ra, quá trình tự động hóa trong sản xuất và đời sống gia tăng đồng nghĩa với rất nhiều người lao động sẽ thất nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

5. Trí tuệ nhân tạo ứng dụng ở đâu, như thế nào?

Như đã nói ở trên, AI có rất nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống và xã hội. Các ứng dụng AI chủ yếu được phát triển từ 2 lĩnh vực chính, bao gồm:

Thị giác máy tính (Computer Vision)

Mục tiêu chính của thị giác máy tính là thay thế chức năng của mắt người trong các tác vụ thực tế. Ví dụ, nhờ công nghệ trích xuất tài liệu Nhận dạng ký tự quang học (OCR), ta dễ dàng để máy tính quét tài liệu và đọc. Trong bán hàng, máy tính sẽ quét hóa đơn ngay lập tức, sau đó trích xuất thông tin về số tiền, thuế suất,... một cách hoàn toàn tự động.

Ngoài những ứng dụng trên, thị giác máy tính còn có hỗ trợ nhiều tác vụ khác như nhận diện khuôn mặt, xe tự hành, giám sát giao thông, phát hiện dị vật,...


Thị giác máy tính giúp thay thế chức năng mắt người trong các tác vụ thực tế - Ảnh: Internet

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP)

Lĩnh vực này tập trung vào việc nghiên cứu sự tương tác giữa máy tính và ngôn ngữ tự nhiên của con người, dưới dạng tiếng nói (speech) hoặc văn bản (text).

Mục tiêu của xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing) là giúp máy tính hiểu và thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ của con người như: Tương tác giữa người và máy, cải thiện hiệu quả giao tiếp giữa con người với con người hoặc đơn giản là nâng cao hiệu quả xử lý văn bản, lời nói.

Sử dụng AI trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên được ứng dụng trong: Nhận diện tiếng nói, trả lời câu hỏi (Question Answering – QA), Chatbot, dịch máy, kiểm tra lỗi chính tả,…

AI hiện đang là một trong những xu hướng công nghệ được cả thế giới quan tâm. Trong 5 - 10 năm nữa, rất có thể, chúng ta sẽ được chứng kiến đỉnh cao của công nghệ thông minh này, khi IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng một cách kết hợp trong cuộc sống.

Xem thêm: AIoT - Khi trí tuệ nhân tạo kết hợp với Internet vạn vật