Khi nói về Thực tế ảo, nhiều người nghĩ ngay đến những bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, VR đã và đang dần hòa nhập với cuộc sống hàng ngày. Công nghệ thực tế ảo đang tồn tại, nhưng chính xác nó là gì?
Tại các quốc gia phát triển trên khắp thế giới, công nghệ thực tế ảo VR (Virtual reality) được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Sự phát triển của công nghệ này mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm độc đáo, thú vị chưa từng có. Vậy thực tế ảo là gì?
1. Công nghệ thực tế ảo - VR là gì?
Thực tế ảo (VR - Virtual reality) có thể hiểu là một môi trường 3D mô phỏng, cho phép người dùng khám phá và tương tác với môi trường ảo xung quanh theo cách gần đúng với thực tế. Môi trường này được cảm nhận bằng các giác quan của người dùng, thông qua các thiết bị như mũ, tai nghe, kính thực tế ảo.
Mặc dù hiện tại, mức độ phổ biến của công nghệ này còn chưa quá rộng rãi, nhưng thực tế, nguồn gốc của nó đã xuất hiện từ lâu. Nhiều người cho rằng, một trong những thiết bị thực tế ảo đầu tiên có tên là Sensorama - chiếc máy xem phim 3D tích hợp ghế, phát ra mùi và tạo ra rung động nhằm mang lại trải nghiệm sống động nhất có thể. Phát minh này có từ giữa những năm 1950.
Những phát triển công nghệ và phần mềm tiếp theo trong những năm sau đó đã mang lại tiến bộ vượt bậc cả về thiết bị và thiết kế giao diện.
2. Phân loại thực tế ảo
Ngành công nghiệp thực tế ảo vẫn cần có những bước tiến dài hơn trước khi hiện thực hóa tầm nhìn về một môi trường hoàn toàn cho phép người dùng nhập vai, tham gia vào nhiều cảm giác theo cách gần đúng với thực tế.
Trước mắt, công nghệ VR đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong việc cung cấp sự tương tác, cảm giác thực tế cho người dùng trong thế giới ảo. Điều đó cho thấy một tương lai hứa hẹn về việc ứng dụng VR trong một số ngành công nghiệp.
Hệ thống VR có thể thay đổi từ loại này sang loại khác, tùy thuộc vào mục đích của chúng và công nghệ được sử dụng.
Thực tế ảo không nhập vai (Non-immersive VR)
Loại VR này thường đề cập đến một môi trường mô phỏng 3D được truy cập thông qua màn hình máy tính. Môi trường không nhập vai có thể tạo ra âm thanh, hình ảnh sống động, tùy thuộc vào chương trình.
Người dùng có một số quyền kiểm soát môi trường ảo bằng bàn phím, chuột máy tính hoặc thiết bị khác, nhưng môi trường không tương tác trực tiếp với người dùng.
Trò chơi điện tử, hoặc một trang web cho phép người dùng thiết kế trang trí phòng, thiết kế nội thất,... là một ví dụ điển hình về VR không nhập vai.
Thiết kế nội thất là một trong những ứng dụng thường thấy của thực tế ảo không nhập vai - Ảnh: Internet
Thực tế ảo bán nhập vai (Semi-immersive VR)
VR bán nhập vai cung cấp trải nghiệm ảo một phần được truy cập thông qua màn hình máy tính hoặc một số loại thiết bị như tai nghe, kính thực tế ảo VR. Nó tập trung chủ yếu vào khía cạnh 3D trực quan của thực tế ảo và không kết hợp chuyển động vật lý theo cách đắm chìm hoàn toàn.
Một ví dụ phổ biến của VR bán nhập vai là trình mô phỏng chuyến bay, được các hãng hàng không và quân đội sử dụng để đào tạo phi công của họ.
Thực tế ảo hoàn toàn nhập vai (Fully immersive VR)
VR hoàn toàn nhập vai mang lại mức độ thực tế ảo cao nhất, khiến người dùng hoàn toàn đắm chìm trong thế giới 3D giả lập. Nó kết hợp cả thị giác, âm thanh và trong một số trường hợp là cả xúc giác. Thậm chí đã có một số thí nghiệm với việc bổ sung mùi hương.
Người dùng đeo các thiết bị VR đặc biệt như mũ bảo hiểm, kính thực tế ảo hoặc găng tay và có thể hoàn toàn tương tác với môi trường. Môi trường cũng có thể kết hợp các thiết bị như máy chạy bộ hoặc xe đạp tĩnh để cung cấp cho người dùng trải nghiệm di chuyển trong không gian 3D.
Hiện tại, công nghệ VR hoàn toàn nhập vai là một lĩnh vực vẫn còn sơ khai, nhưng nó đã có những bước thâm nhập quan trọng trong ngành công nghiệp game (trò chơi điện tử) và ở một mức độ nào đó là chăm sóc sức khỏe.
Thực tế ảo hoàn toàn nhập vai mới chỉ được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp game - Ảnh: Internet
Thực tế ảo cộng tác (Collaborative VR)
Đôi khi, VR cộng tác được coi là một loại thực tế ảo. Trong mô hình này, người dùng đến từ các địa điểm khác nhau, cùng nhau tương tác trong một môi trường ảo, với mỗi cá nhân được thể hiện bằng một nhân vật 3D. Người dùng thường giao tiếp thông qua micrô và tai nghe.
Thực tế tăng cường (Augmented reality)
Tương tự VR cộng tác, thực tế tăng cường đôi khi cũng được coi là một loại thực tế ảo, mặc dù nhiều người cho rằng nó là một lĩnh vực riêng biệt. Với thực tế ảo tăng cường, các mô phỏng ảo được phủ lên môi trường thế giới thực để cải thiện hoặc tăng cường các môi trường đó.
Ví dụ: Nhà bán lẻ đồ nội thất có thể cung cấp ứng dụng cho phép người dùng hướng điện thoại của họ vào một căn phòng nào đó và hình dung chiếc ghế, chiếc bàn sẽ trông như thế nào trong bối cảnh đó.
Xem thêm bài viết:
- Thực tế tăng cường (AR) là gì? Ứng dụng AR trong thực tiễn
- Thực tế tăng cường trong giáo dục thông minh: Cách học thú vị
Thực tế hỗn hợp (Mixed reality)
Một thể loại khác đôi khi được coi là một loại thực tế ảo là thực tế hỗn hợp, pha trộn thế giới thực và ảo vào một không gian duy nhất. Tuy nhiên, giống như thực tế tăng cường, nó thường được coi là một lĩnh vực riêng biệt nhưng có liên quan.
Các công nghệ và ứng dụng VR ngày nay đã truyền cảm hứng cho nhiều công ty và chuyên gia ủng hộ việc đưa vũ trụ ảo (metaverse) vào thực tế đời sống.
3. Thực tế ảo có thể được ứng dụng như thế nào?
Hiện nay, phần lớn ứng dụng thực tế ảo thường gắn liền với các trò chơi điện tử vì ngành công nghiệp này đã đi đầu trong nỗ lực đưa VR đến với người dùng. Bằng chứng là sự phổ biến của các sản phẩm game giải trí như Beat Sabre, Minecraft VR và Skyrim VR.
Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến tiềm năng của VR trên một số lĩnh vực khác:
Đào tạo, huấn luyện, tập huấn
VR giúp đào tạo nhân sự một cách an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Công nghệ này đặc biệt có lợi cho việc đào tạo các vị trí yêu cầu chuyên môn cao hoặc các ngành nghề có nguy cơ, rủi ro lớn, chẳng hạn như: Nhân viên cứu hỏa, sĩ quan cảnh sát, binh lính, bác sĩ phẫu thuật, chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện, hoặc nhân viên y tế khác.
Công nghệ thực tế ảo ứng dụng đào tạo trong ngành y tế chăm sóc sức khỏe - Ảnh: Internet
Giáo dục thông minh
VR cung cấp cho các tổ chức giáo dục những phương pháp dạy và học mới, góp phần nhân rộng phương pháp giáo dục thông minh. Nó có khả năng mang đến cho học sinh, sinh viên những hiểu biết sâu sắc mà môi trường thực tế thông thường không thể tiếp cận được.
Ví dụ: Một giáo viên lịch sử có thể sử dụng VR để trực tiếp cho học sinh thấy cuộc sống ở con người thời cổ đại như thế nào, các sự kiện, cột mốc quan trọng trong quá khứ đã diễn ra như thế nào.
Ngoài ra, giáo viên, học sinh từ khắp mọi nơi trên thế giới có thể cùng tham gia vào những lớp học ảo, nhờ đó, xóa bỏ những cản trở trong giáo dục gây ra bởi khoảng cách địa lý.
Chăm sóc sức khỏe
VR có tiềm năng mang lại lợi ích cho các cá nhân trong ngành chăm sóc sức khỏe, bao gồm bệnh nhân, người hành nghề và nhà nghiên cứu.
Chẳng hạn như, công nghệ VR cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị các chứng rối loạn như chán ăn, lo lắng hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Mặt khác, các bác sĩ có thể sử dụng thực tế ảo khi làm việc với bệnh nhân để giải thích các chẩn đoán hoặc lựa chọn điều trị. VR - thực tế ảo cũng mang lại lợi ích cho những cá nhân bị hạn chế về mặt thể chất theo một cách nào đó.
Bán lẻ
Công nghệ thực tế ảo đã có một số bước thâm nhập vào lĩnh vực bán lẻ, nhưng mới chỉ dừng lại ở bề nổi. Với các ứng dụng phù hợp, khách hàng sẽ có thể thử quần áo, trang trí nhà cửa, thử nghiệm kiểu tóc, thử kính đeo mắt,...
Nhìn chung, VR làm tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng, đồng thời hỗ trợ đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi lựa chọn sản phẩm và dịch vụ.
Địa ốc, bất động sản
VR có thể mang lại lợi ích cho bất động sản theo nhiều cách. Ví dụ, kiến trúc sư có thể hiển thị kế hoạch chi tiết trong 3D; Người mua nhà có thể tham quan nhà mà không cần đến trực tiếp; Kỹ sư xây dựng có thể tham quan hệ thống điều hòa không khí;...
Giải trí
VR đã có tác động đến thói quen chơi game giải trí của nhiều người dùng, đồng thời hứa hẹn sẽ biến đổi ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình, cung cấp cho người xem trải nghiệm nhập vai, đưa họ vào ngay trong khung cảnh.
VR cũng có thể được ứng dụng trong toàn bộ ngành công nghiệp du lịch ảo, giúp mọi người có thể trải nghiệm những địa điểm mà họ ít cơ hội, thậm chí có thể không bao giờ nhìn thấy trực tiếp.
Thực tế ảo sẽ được mở rộng, phát triển hơn nữa trong lĩnh vực du lịch - Ảnh: Internet
Nhìn chung, hiện nay, hình thức đơn giản nhất của thực tế ảo là một hình ảnh 3D được khám phá tương tác thông qua máy tính cá nhân, thường bằng thao tác phím hoặc chuột để nội dung của hình ảnh di chuyển theo một hướng nào đó, phóng to hoặc thu nhỏ.
Các nỗ lực phức tạp hơn liên quan đến phương pháp tiếp cận như màn hình hiển thị bao quanh, phòng vật lý được tăng cường với thiết bị đeo được hoặc thiết bị xúc giác cho phép người dùng "cảm nhận" hình ảnh ảo sẽ nâng tầm công nghệ này trong tương lai.
Nguồn tham khảo:
https://www.techtarget.com/whatis/definition/virtual-reality