Cách thức tiếp cận với âm nhạc đang dần thay đổi với sự xuất hiện của công nghệ NFT. Hãy cùng tìm hiểu music NFT là gì và tại sao đây được xem là tương lai mới của nền âm nhạc?
1. NFT âm nhạc là gì?
Music NFT, hay còn gọi là NFT âm nhạc (Music Non-Fungible Token) là một khái niệm mới trong lĩnh vực âm nhạc và công nghệ blockchain. Đây là cách để tạo, định danh, giao dịch tác phẩm âm nhạc thông qua việc sử dụng các mã thông báo không thể thay thế dựa trên chuỗi khối.
Nhờ những đặc tính như duy nhất, tính không thể hoán đổi, tính hiếm, NFT âm nhạc được xem như một loại tài sản và được nhiều nhà sưu tầm “săn lùng”.
Trong vài năm gần đây, NFT âm nhạc đã nổi lên như một cơn sốt, trở thành trào lưu phát hành âm nhạc trên toàn thế giới. Nhiều nghệ sĩ đã đi theo hướng đi này, từ đó thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ. Một vài cái tên nổi bật có thể kể đến như: nhạc sĩ RAC, DJ Justin Blau,...
Xem thêm bài viết:
- Game NFT là gì? Các Game NFT KIẾM TIỀN nổi tiếng hiện nay
- Những điều cần biết về tranh NFT: Cách vẽ và cách bán tranh NFT
2. Các loại nhạc NFT
Khi phát hành NFT âm nhạc, mỗi NFT sẽ gắn liền với mức độ độc quyền tương ứng, dưới đây là một vài loại NFT được phân loại dựa trên “tính hiếm”:
2.1. NFT 1/1
NFT 1/1 hay còn gọi là NFT có một-không-hai, được phát hành như một mặt hàng độc nhất. Những sản phẩm âm nhạc NFT 1/1 mang nét tương đồng với tác phẩm hội họa nổi tiếng do chỉ tồn tại một bản gốc duy nhất.
Nguồn gốc dẫn tới đặc tính này xuất phát từ nguồn cung để tạo ra nhạc NFT 1/1 khan hiếm, khó kiếm ở trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng việc phát hành nhạc NFT 1/1 giống như một chiến lược PR nhằm quảng bá cụm từ “độc quyền”, thúc đẩy cảm giác FOMO (Fear of missing out - cảm giác lo sợ khi bỏ lỡ), từ đó đẩy giá bán sản phẩm.
2.2. Limited edition
Limited edition NFT mang ý nghĩa mỗi một tác phẩm âm nhạc sẽ có số lượng hữu hạn phiên bản số hóa được xác định trước bởi nhạc sĩ/nghệ sĩ, thường là 100, 1000, hoặc thậm chí 10000 phiên bản.
Sau khi số lượng phiên bản được quyết định, nhạc sĩ sẽ tạo NFT cho mỗi phiên bản sử dụng một nền tảng blockchain. Mỗi phiên bản sẽ có một mã duy nhất và thông tin liên quan đến tác phẩm âm nhạc.
Nhạc sĩ có thể quyết định phân phối NFT giới hạn thông qua các thị trường NFT hoặc một vài nền tảng tương tự. Những người mua NFT này sẽ sở hữu một phiên bản số hóa độc quyền của sản phẩm âm nhạc đó.
2.3. Open edition
Open edition là hình thức mở bán nhạc NFT dựa trên một mức giá cố định trong khoảng thời gian cụ thể. Đối với Open edition, cộng đồng sưu tầm NFT có thể mint (quá trình tạo ra một tài sản kỹ thuật số mới thông qua chuỗi các mã hoá) một số lượng phiên bản không giới hạn. Sau khi hết thời hạn cho phép, người chơi không thể mint thêm NFT mới.
Snoop Dogg là một trong số nghệ sĩ phát hành Open Edition NFT âm nhạc - Nguồn ảnh: Internet
Open Edition NFT ra đời phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc chân chính bằng cách mint NFT số lượng lớn nhằm ủng hộ nghệ sĩ, thay vì chỉ chạy theo sự “hiếm có” và ra tăng lợi ích cho nhà đầu cơ.
Khác với Limited edition, Open edition NFT cho phép người chơi có thể tự do mint NFT mới với số lượng không giới hạn, tuy nhiên hình thức này lại hạn chế về mặt thời gian.
3. So sánh âm nhạc NFT và âm nhạc truyền thống
Sự bùng nổ của thời kỳ nhạc số cũng như nền tảng âm nhạc trực tuyến đã tạo điều kiện cho người hâm mộ truy cập vào bất kỳ bản nhạc nào, mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên đối với nghệ sĩ, việc phát hành nhạc thông qua các nền tảng này không mang lại doanh thu quá nhiều.
Những nền tảng này thường chỉ trích rất ít phần trăm hoa hồng cho nghệ sĩ từ chính ca khúc, bản nhạc của họ, dù cho đây chính là “huyết mạch” trong ngành âm nhạc. Thực tế, nghệ sĩ chỉ kiếm được từ khoảng 0.003 đô la đến 0.005 đô la cho mỗi lượt phát.
Cụ thể tại Spotify - Nền tảng stream nhạc trực tuyến hàng đầu trên thế giới, được định giá 43 tỷ đô la, nhưng chỉ khoảng 7500 nghệ sĩ phát hành trên nền tảng này kiếm được hơn 100.000 đô/năm, chiếm khoảng hơn 17,4% tổng giá trị.
Điều này minh chứng cho tổng thu nhập nghệ sĩ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào việc “stream” nhạc truyền thống.
Các nền tảng stream nhạc hàng đầu thế giới chi trả cho nghệ sĩ như thế nào? - Nguồn ảnh: Internet
Công nghệ NFT đã mở ra một cuộc cách mạng mới, không chỉ về việc thưởng thức âm nhạc mà còn định hình xu hướng đầu tư vào tài sản trí tuệ để tạo lợi nhuận, không phụ thuộc bất kỳ bên trung gian nào.
Ngoài ra, nhờ các cơ chế được tích hợp vào trong blockchain, NFT âm nhạc cho phép nghệ sĩ thu lợi tức từ việc bán lại tác phẩm của mình nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu, từ đó cải thiện thu nhập so với mô hình phát nhạc truyền thống.
Ngoài vấn đề về thu nhập của nghệ sĩ cũng như giá trị bản nhạc, điểm khác biệt giữa NFT âm nhạc và âm nhạc truyền thống còn nằm ở khả năng sao chép, nhân bản.
Nếu như bản nhạc thông thường có thể dễ dàng tải xuống hay sao chép dưới mọi hình thức chính thống, phi chính thống thì đối với NFT, âm nhạc được biểu diễn dưới dạng token trên blockchain, mỗi phiên bản có thể là độc nhất hoặc giới hạn.
NFT chỉ cho phép người sở hữu tương tác dễ dàng hơn với nghệ sĩ và tác phẩm thông qua thị trường NFT cùng sự kết nối trực tiếp với blockchain.
4. Lợi ích của NFT âm nhạc đối với nghệ sĩ
Như vấn đề về thu nhập và lợi nhuận như đã đề cập ở trên, NFT còn mang lại nhiều giá trị phi vật chất như:
Định giá tác phẩm nghệ thuật
NFT âm nhạc cho phép nghệ sĩ tạo ra phiên bản độc nhất cho tác phẩm của họ. Từ đó, sản phẩm âm nhạc cũng được định giá dựa trên mức độ hiếm có cộng với mức độ nổi tiếng đối với công chúng.
Nghệ sĩ càng nổi tiếng, NFT âm nhạc tương ứng càng được săn đón và định giá cao.
Tiếp cận khán giả mới
Ngoài tệp khán giả thông thường nghe nhạc truyền thống, nghệ sĩ có thể tiếp cận đến nhiều lớp khán giả mới là nhà đầu tư, nhà sưu tầm NFT, người hâm mộ đam mê sản phẩm nghệ thuật số,...
Kích thích sáng tạo
Nghệ thuật là khả năng sáng tạo vô hạn. Bằng sức mạnh công nghệ blockchain và NFT, người nghệ sĩ sẽ phát huy hết trí tưởng tượng phong phú của mình vào các dự án âm nhạc số.
Những sản phẩm độc đáo, đột phá, vượt ra khuôn khổ sẽ dần hình thành, tạo nguồn cảm hứng dồi dào cho nền âm nhạc.
Tương tác dễ dàng hơn với người hâm mộ
Thay vì phát hành nhạc số gián tiếp qua các nền tảng thứ ba, nghệ sĩ có thể đưa trực tiếp sản phẩm âm nhạc đến tay khán giả mua NFT, tương tác trực tiếp hai chiều, từ đó thúc đẩy hiệu ứng tích cực cũng như sự ủng hộ từ phía người hâm mộ.
NFT âm nhạc giúp mang nghệ sĩ đến gần hơn với người hâm mộ - Nguồn ảnh: Internet
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Một trong những lợi ích lớn nhất của NFT âm nhạc chính là việc ngăn chặn hoạt động phân phối, sao chép âm nhạc trái phép bằng công nghệ blockchain.
Hình thành cộng đồng mới
Sự chuyển dịch về thói quen nghe nhạc cũng như thị hiếu nghệ thuật đang dần hình thành nên một hệ sinh thái Web3 hoàn chỉnh.
Thông qua NFT cùng các nền tảng phi tập trung như Friends With Benefits, SongCamp, Zora,... nghệ sĩ có thể chuyển mình vào không gian âm nhạc Web3, xây dựng mô hình cộng đồng mới, cung cấp quyền sở hữu với tính xác thực cao.
5. Lợi ích của âm nhạc NFT đối với người hâm mộ
NFT âm nhạc mang đến nhiều lợi ích cho người hâm mộ, làm phong phú trải nghiệm trong quá trình theo dõi và ủng hộ thần tượng của mình, cụ thể:
Sở hữu độc quyền
Cảm giác sở hữu 1 món đồ “độc nhất vô nhị” là thứ mà ai cũng muốn có cho mình. Khi mua NFT âm nhạc, người hâm mộ có thể sở hữu một tác phẩm số duy nhất với đặc quyền mà người khác không có được.
Sự độc quyền này thể hiện ở việc truy cập nội dung giới hạn bao gồm: ca khúc chưa từng công bố, video hậu trường, vé mời tham dự sự kiện giao lưu 1-1 với nghệ sĩ,...
Người hâm mộ có thể sở hữu những sản phẩm NFT âm nhạc độc quyền - Nguồn ảnh: Internet
Khoản đầu tư đầy tiềm năng
Một số NFT âm nhạc cung cấp tính năng chia sẻ doanh thu, nghĩa là người hâm mộ có thể nhận được một phần trong khoản thu của nghệ sĩ. Đây được xem là khoản chi phí, thay vì phải trả cho các nền tảng phát hành nhạc thì nghệ sĩ sẽ trả trực tiếp cho người mua sản phẩm NFT.
Qua đó, người hâm mộ sẽ thấy mình dường như là “cổ đông” đứng sau sự thành công của nghệ sĩ đó, gắn kết khăng khít hơn với thần tượng và mang lại một nguồn tài chính thụ động.
Và trong tương lai, khi giá trị thương hiệu nghệ sĩ tăng lên, thì đây cũng chính là một khoản đầu tư đầy tiềm năng để đẩy giá trị các sản phẩm NFT âm nhạc lên cao.
Tính minh bạch
Đứng sau NFT là công nghệ blockchain với tính minh bạch và bảo mật dữ liệu mức độ cao. Dữ liệu liên quan đến NFT được lưu trữ trên blockchain, đảm bảo sự toàn vẹn và khả năng xác định nguồn gốc tài sản số.
Vì vậy, người mua NFT âm nhạc có thể tin tưởng về tính xác thực của tài sản số đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, các lợi ích NFT âm nhạc mang lại có thể điều chỉnh linh hoạt dựa vào từng NFT cụ thể và ưu đãi chỉ có riêng ở mỗi nghệ sĩ.
6. Thị trường âm nhạc NFT
Thị trường NFT âm nhạc đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua, thu hút sự tham gia từ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng như nhà đầu tư, nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng yêu âm nhạc.
Không chỉ có những ca khúc hay bản nhạc đơn thuần, NFT âm nhạc còn bao gồm các tác phẩm liên quan như MV, photoshoot cùng nhiều ấn phẩm đi kèm. Sự đa dạng hóa thị trường NFT sẽ tạo ra cơ hội lớn cho cả nghệ sĩ và người hâm mộ.
Bên cạnh đó, cũng có những nền tảng NFT âm nhạc khác nhau với cách hoạt động, tính năng riêng. Sự đa dạng này cho phép người hâm mộ và nghệ sĩ lựa chọn nền tảng phù hợp nhất với nhu cầu, mục tiêu của họ.
Hiện nay, một vài nền tảng có phát hành NFT âm nhạc lớn trên thế giới có thể kể đến như: Catalog, Sound.xyz, Async Music, Mint Songs, Royal, OneOf,…
Nền tảng Catalog - một trong những nền tảng phát hành NFT music lớn nhất thế giới - Nguồn ảnh: Internet
7. Tương lai nào cho NFT âm nhạc?
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, NFT âm nhạc vẫn chưa quá phổ biến tới đại chúng, đặc biệt là ở thị trường Việt Nam, nhưng rõ ràng đây chính là một mô hình bền vững cho các nghệ sĩ độc lập.
Công nghệ âm nhạc Web3, đặc biệt là NFT âm nhạc, mang tiềm năng trở thành cuộc cách mạng về sự đổi mới sáng tạo cho mô hình công nghiệp giải trí hiện nay.
Và theo tất yếu, NFT âm nhạc, hay âm nhạc thế giới Web3 - lĩnh vực vốn dĩ “kén” người quan tâm đã và đang chiếm một vị trí quan trọng trong giới nghệ sĩ nói riêng và thị trường NFT nói chung.
Khi lần lượt các tên tuổi lớn trong giới nghệ sĩ tham gia vào NFT, thì chắc chắn sự phát triển về quy mô của ngành này sẽ tăng lên đáng kể. NFT âm nhạc chính là một vùng đất màu mỡ không chỉ đối với những nghệ sĩ nổi tiếng mà còn đối với những “mầm non” vừa gia nhập làng giải trí, có ít kinh nghiệm, từ đó cộng hưởng với nhau tạo nên một đế chế âm nhạc Web3 mang nhiều màu sắc.