Quản trị số được coi là một trong những hướng đi chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp và các tổ chức khu vực công không ngừng đổi mới trong thời đại chuyển đổi số hiện nay.
Quản trị số (digital governance) là một phần quan trọng của quản trị hiện đại. Để không bị bỏ lại phía sau, doanh nghiệp và tổ chức bắt buộc phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển đổi số.
Khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số, hầu hết tổ chức sẽ nhận thấy vấn đề như trùng lặp dữ liệu, quy trình và quy định ban hành rời rạc, chưa được quản lý một cách bài bản.
Ở nước ta hiện nay, một số tập đoàn lớn đã xây dựng và triển khai mô hình quản trị dưới dạng các bản quy hoạch với hầu hết nguyên tắc được thiết kế dựa trên nhu cầu vận hành là chính. Điều này có thể dẫn tới mô hình vận hành tổng thể chưa được tiếp cận, đi sau xu hướng phát triển của thời đại và phát sinh những mâu thuẫn khác trong quá trình thực thi.
Việc hoạch định một bộ khung quản trị vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là trong hoàn cảnh thị trường, nhu cầu khách hàng liên tục thay đổi, cũng như chính trong mô hình tổ chức, vận hành thường xuyên có chuyển biến.
Dựa trên tình hình thực tế nội bộ và thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một khung quản trị chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt, lấy chuyển đổi số làm trọng tâm. Đó là quản trị số.
1. Quản trị số là gì?
Quản trị số (digital governance) là một khuôn khổ để thiết lập trách nhiệm giải trình, vai trò và thẩm quyền ra quyết định đối với sự hiện diện của doanh nghiệp trên các nền tảng trực tuyến (digital presence).
Năng lực của doanh nghiệp trên nền tảng số cơ bản có 2 mảng chính:
Khả năng triển khai sản phẩm, dịch vụ thông qua công cụ số (Website, ứng dụng di động và các loại ứng dụng chạy trên thiết bị số).
Khả năng quản lý, phân công, đánh giá trách nhiệm, tương tác và theo dõi hiệu quả hoạt động thông qua công cụ số.
Xây dựng mô hình quản trị số tập trung vào việc tạo ra một mô hình với đầy đủ quy tắc, quy trình, giá trị, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tạo khuôn mẫu cho các công cụ và dịch vụ trên nền tảng số.
Mô hình quản trị số đầy đủ bao gồm một tập hợp chính sách và nguyên tắc hướng dẫn triển khai, vận hành công cụ, dịch vụ trong mô hình. Trong đó, chính sách quản trị số đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng và hiệu quả kỹ thuật số.
2. Tại sao quản trị số quan trọng?
Quản trị số yêu cầu ban lãnh đạo xem xét công nghệ tác động như thế nào đến mọi hoạt động trong tổ chức.
Công nghệ có thể được sử dụng để ngăn mọi người mắc sai lầm trong công việc, giúp đưa ra quyết định sáng suốt hơn, đẩy nhanh tiến độ, tăng năng suất cũng như cải thiện trách nhiệm giải trình bằng cách ghi lại chi tiết cả quá trình.
Quản trị số tốt thể hiện thông qua việc đầu tư thời gian, chi phí hiệu quả vào phần cứng, phần mềm và chương trình đào tạo cần thiết để triển khai công nghệ.
Phương tiện kỹ thuật số không còn chỉ là một công cụ hỗ trợ công nghệ. Trong những tổ chức có hiệu suất cao, nó đóng vai trò trung tâm trong việc xác định văn hóa và chiến lược của tổ chức, cũng như tối đa hóa tác động của tổ chức đối với đối tác, khách hàng.
Công cụ quản trị số cho doanh nghiệp và tổ chức - Ảnh: Internet
3. Cơ hội và thách thức trong quản trị số
Cơ hội của quản trị số
Quản trị kỹ thuật số mang lại nhiều cơ hội phát triển, chẳng hạn như: Tận dụng tối ưu tài sản và mạng lưới hiện có; xây dựng chiến lược dựa trên bối cảnh và nhu cầu địa phương; thử nghiệm và học hỏi từ những thất bại; tham gia vào các mối quan hệ đối tác và liên minh nhiều bên liên quan;...
Ví dụ: Nền tảng kỹ thuật số có thể xây dựng trên cơ sở hạ tầng, thể chế và vốn xã hội hiện có của cộng đồng và tổ chức, đồng thời thích ứng với nhu cầu sử dụng và thói quen của họ. Chúng cũng cho phép người dùng thử nghiệm, lặp lại và cải thiện giải pháp, cũng như học hỏi từ những thành công và sai lầm của chính mình.
Hơn nữa, công cụ kỹ thuật số tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia, hợp tác của những chủ thể và lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, học viện cũng như các nhà tài trợ, đồng thời tạo ra tầm nhìn và mục tiêu chung.
Thách thức của quản trị số
Tuy nhiên, quản trị số cũng đặt ra những thách thức đáng kể cho sự phát triển, như việc đảm bảo quyền truy cập và hòa nhập, bảo vệ quyền riêng tư và an ninh mạng, giải quyết sự bất cân xứng và bất bình đẳng về quyền lực, thúc đẩy thay đổi thể chế và hành vi,...
Ví dụ: Quản trị số có thể khiến nhân sự trong tổ chức gặp rủi ro bị giám sát. Đồng thời, tổ chức cũng có nguy cơ bị tấn công mạng hoặc lạm dụng dữ liệu cá nhân.
Hơn nữa, công cụ kỹ thuật số có thể tạo ra các hình thức quản lý, thao túng hoặc xung đột mới giữa những chủ thể và lợi ích khác nhau, đem đến những hậu quả tiêu cực/ngoài ý muốn.
Ngoài ra, đổi mới kỹ thuật số trong quản trị còn là thách thức đối với chuẩn mực, giá trị và thực tiễn cơ sở hạ tầng hiện có, đòi hỏi năng lực, văn hóa và động lực để theo đuổi, phát triển.
4. Một số ví dụ về quản trị số
Các sáng kiến quản trị số đã có những đóng góp đáng kể vào kết quả phát triển của doanh nghiệp, tổ chức trong nhiều bối cảnh và lĩnh vực khác nhau.
Cộng hòa Estonia nổi tiếng với hệ thống dịch vụ kỹ thuật số toàn diện và tích hợp, như nhận dạng điện tử, bỏ phiếu điện tử, thuế điện tử, y tế điện tử, giáo dục điện tử và cư trú điện tử. Điều này đã cải thiện tính hiệu quả, tiện lợi, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Ở Uganda, U-Report là một nền tảng hoạt động trên thiết bị di động cho phép người dùng nói lên ý kiến của mình và truy cập, tìm kiếm thông tin cần thiết. Nền tảng này cũng góp phần giúp họ ra quyết định và tham gia vào những vấn đề dân sự khác.
Ngoài ra, MajiVoice ở Kenya là một nền tảng dựa trên website, cho phép khách hàng của công ty cung cấp nước ở Nairobi báo cáo, khiếu nại, theo dõi cách giải quyết, đánh giá mức độ hài lòng. Điều này đã cải thiện khả năng đáp ứng, trách nhiệm giải trình và hiệu suất của tiện ích.
Xem thêm bài viết: Social listening là gì? Tầm quan trọng của Social listening
Maji Voice là phần mềm được thiết kế để lắng nghe phản hồi từ khách hàng - Ảnh: Internet
5. Tầm quan trọng của quản trị dữ liệu trong quản trị số
Quản trị dữ liệu là một trong những hạng mục quan trọng nhất của quản trị số. Quản trị dữ liệu hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống nguyên tắc và chính sách đầy đủ. Tiếp theo, đảm bảo quản lý tất cả các nguồn dữ liệu, phân tích và ra quyết định đúng đắn, phù hợp dựa trên minh chứng từ số liệu.
Muốn quản trị dữ liệu hiệu quả, trước tiên, tổ chức cần xây dựng cho mình khung quản trị, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dữ liệu lên hàng đầu.
Tóm lại
Quản trị số không nhất thiết phải là một khuôn khổ được xây dựng quá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số. Nó có thể được hiểu đơn giản là hình thức tăng cường chất lượng quản trị trong tổ chức, mang lại hiệu quả rõ rệt, tối ưu nguồn lực hơn.
Nếu tổ chức đã trang bị các khuôn khổ, cấu trúc phù hợp cũng như tư duy chiến lược rõ ràng trước đó, việc triển khai quản trị số sẽ thuận lợi hơn.