Công nghệ AR Thực tế ảo tăng cường hiện đang được nhiều hãng công nghệ lớn trên khắp thế giới đầu tư và phát triển. AR mang lại những trải nghiệm tuyệt với như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.
Bên cạnh công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual reality), thực tế tăng cường (AR - augmented reality) cũng là một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.
Cả hai công nghệ này có nhiều điểm tương đồng, song cũng có những điểm khác biệt. Tuy nhiên, chúng không phải là đối thủ của nhau. Mỗi công nghệ sẽ có ưu điểm riêng và những ứng dụng khác nhau.
1. Thực tế tăng cường - AR là gì?
Thực tế ảo tăng cường (AR - Augmented reality) là sự tích hợp thông tin kỹ thuật số với môi trường của người dùng trong thời gian thực. Không giống như thực tế ảo (VR), công nghệ tạo ra một môi trường hoàn toàn nhân tạo, người dùng AR trải nghiệm môi trường kỹ thuật số trong thế giới thực bằng cách phủ lên quang cảnh thực tế một số vật thể ảo do máy tính tạo ra.
Thực tế tăng cường được sử dụng để thay đổi trực quan môi trường tự nhiên theo một cách nào đó hoặc để cung cấp thông tin bổ sung cho người dùng. Lợi ích chính của AR là kết hợp thành phần kỹ thuật số và ba chiều (3D) với nhận thức của con người trong thế giới thực.
AR cung cấp yếu tố hình ảnh, âm thanh và thông tin giác quan khác cho người dùng thông qua những thiết bị như điện thoại thông minh, kính thực tế ảo tăng cường. Những yếu tố này mang đến trải nghiệm đan xen, thay đổi nhận thức của người dùng về thế giới thực. Những yếu tố ảo có thể được thêm vào hoặc che phủ hoàn toàn môi trường thực tế.
Công nghệ AR hiện đang ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là game - trò chơi điện tử. Ngoài ra, công nghệ này cũng được sử dụng trong ngành y tế - chăm sóc sức khỏe, an toàn công cộng, khí đốt, dầu mỏ, du lịch và tiếp thị,...
2. Thực tế tăng cường hoạt động như thế nào?
Thực tế tăng cường có thể phân phối ở nhiều định dạng khác nhau, bao gồm cả thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng, mũ, kính mắt, kính áp tròng,... Công nghệ này yêu cầu sự hỗ trợ của các thành phần phần cứng, chẳng hạn như bộ xử lý, cảm biến, màn hình và thiết bị đầu vào.
Những thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính hiện nay thường đã có sẵn phần cứng này, với các cảm biến bao gồm máy ảnh, máy đo gia tốc, hệ thống định vị Toàn cầu (GPS) và la bàn. Điều này giúp AR dễ tiếp cận hơn với người dùng hàng ngày. Ví dụ: Sử dụng GPS để xác định vị trí của người dùng và la bàn sử dụng để phát hiện phương hướng của thiết bị.
Một số chương trình AR tinh vi (như AR sử dụng để huấn luyện trong quân đội) sẽ bao gồm thị giác máy tính, nhận dạng đối tượng và nhận dạng cử chỉ. AR có thể xử lý chuyên sâu về mặt tính toán. Vì vậy, nếu một thiết bị không đủ khả năng, quá trình xử lý dữ liệu cần chuyển qua thiết bị khác.
Ứng dụng thực tế tăng cường được viết bằng các chương trình 3D đặc biệt, cho phép nhà phát triển liên kết hoạt ảnh, thông tin kỹ thuật số theo ngữ cảnh trong chương trình máy tính với một điểm đánh dấu thực tế tăng cường trong thế giới thực.
Khi ứng dụng AR trên thiết bị máy tính, trình duyệt nhận thông tin kỹ thuật số từ một điểm đánh dấu đã biết, ứng dụng này sẽ bắt đầu thực thi mã của điểm đánh dấu và xếp lớp một hoặc nhiều hình ảnh chính xác.
3. Phân biệt thực tế ảo tăng cường AR và thực tế ảo VR
Thực tế ảo (VR) có thể hiểu là một môi trường 3D mô phỏng, cho phép người dùng khám phá và tương tác với môi trường ảo xung quanh theo cách gần đúng với thực tế. Người dùng cảm nhận môi trường này thông qua giác quan, chủ yếu là bằng hình ảnh thông qua kính và tai nghe.
Sự khác biệt lớn nhất giữa AR và VR là thực tế tăng cường sử dụng môi trường thế giới thực hiện và đặt thông tin ảo lên trên đó, trong khi VR hoàn toàn khiến người dùng đắm chìm trong môi trường kết xuất ảo. VR đưa người dùng vào một môi trường mô phỏng mới, còn AR đặt người dùng vào một loại thực tế hỗn hợp.
Thiết bị sử dụng để thực hiện điều này cũng khác nhau. VR sử dụng tai nghe thực tế ảo vừa với đầu người dùng và hiển thị cho họ thông tin hình ảnh, âm thanh mô phỏng. Thiết bị AR ít hạn chế hơn, thường bao gồm điện thoại, kính, máy chiếu và màn hình hiển thị trên kính lái ô tô.
Với VR, người dùng tham gia vào môi trường 3D. Trong đó, họ có thể di chuyển xung quanh và tương tác với môi trường đã tạo ra. Còn AR giúp người dùng tiếp cận với môi trường thế giới thực, phủ dữ liệu ảo dưới dạng một lớp trực quan.
4. Ứng dụng thực tế tăng cường và một số ví dụ
Hiện nay, AR có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, bao gồm:
Bán lẻ
Người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng trực tuyến của cửa hàng để tham khảo sản phẩm. Ví dụ, khi chọn mua đồ nội thất, khách hàng có thể trông thấy trước, món đồ này đặt vào vị trí nào đó trông sẽ như thế nào, có phù hợp hay không. AR cũng là công cụ hữu ích giúp người bán hàng giảm bớt tỉ lệ đổi trả hàng hóa. Nhờ AR, người tiêu dùng đưa ra lựa chọn, quyết định mua hàng chính xác hơn.
Thống kê cũng cho thấy, AR làm tăng thêm sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng. Trong đó, 71% cho biết họ sẽ mua hàng thường xuyên hơn khi có công nghệ AR; 61% cho biết họ thích thú hơn và có xu hướng lựa chọn những nhà bán lẻ cung cấp trải nghiệm AR.
Hiện nay, nhiều công ty lớn như Alibaba, Shopee hay Adobe đã cho ra mắt các công cụ AR, kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) để góp phần làm tăng trải nghiệm người dùng, kích thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử.
AR hỗ trợ người dùng đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn - Ảnh: Internet
Giải trí và chơi game
Công nghệ AR có thể được sử dụng để phủ lên một trò chơi ảo trong thế giới thực. Sự ra đời của game thực tế ảo tăng cường Pokemon Go vào năm 2016 đã ngay lập tức bùng nổ tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Trò chơi tạo nên tiếng vang lớn trong ngành game giải trí, đánh dấu sự xuất hiện và phát triển của một thể loại giải trí mới mẻ và cuốn hút hơn.
Các trò chơi thực tế tăng cường còn mang lại hứng thú cho người chơi nhờ kết hợp với mạng xã hội, giúp việc trao đổi, giao lưu nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trên mạng xã hội, nhờ AR, người dùng có thể tạo hiệu ứng cho khuôn mặt của họ theo những cách sáng tạo, mang đậm tính cá nhân hóa.
Y tế thông minh
AR thành công trong việc cung cấp những phương pháp xử lý tình huống y tế phức tạp và phân loại những dữ liệu phẫu thuật khác nhau. Nhờ đó, người bệnh có thể được hỗ trợ bằng phương pháp điều trị thích hợp nhất với tình trạng sức khỏe.
Công nghệ thực tế ảo hỗ trợ chuyên gia y tế trong quá trình thu thập thông tin, tìm hiểu các vấn đề trong cơ thể, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác. Dựa trên những mô hình 3D, việc phân tích bệnh án đạt được độ chính xác cao hơn.
Với những bệnh lý như ung thư, khối u, AR có khả năng xác định cấu trúc, ranh giới hoặc hình dạng. Sau đó, cung cấp thông tin chi tiết liên quan về bệnh lý ở dạng tăng cường 3 chiều tương tác.
Qua những thông tin thu được, chuyên gia y tế có thể phân tích, lường trước và chuẩn bị phương án khắc phục những rủi ro có thể xảy ra. Nhờ vậy, việc phẫu thuật trung gian hoặc phẫu thuật với tỷ lệ sống sót thấp không chỉ an toàn hơn mà còn chính xác hơn.
Xem thêm bài viết: Ứng dụng và tác động của công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe
AR mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe thông minh - Ảnh: Internet
Giáo dục thông minh
Trong giáo dục thông minh, thực tế tăng cường giúp con người tiếp cận tri thức dễ dàng hơn bao giờ hết thông qua những hình ảnh đa chiều sống động.
Nhờ AR, học sinh, sinh viên có thể tương tác với giáo viên trong quá trình học tập mọi lúc, mọi nơi. Những khái niệm trừu tượng được giải thích rõ ràng bằng hình ảnh trực quan với chi phí thấp hơn, do công nghệ AR không yêu cầu cơ sở hạ tầng. Việc tiếp cận ngôn ngữ mới cũng dễ dàng hơn nhờ trợ lý ngôn ngữ AR,...
Những ứng dụng thực tế tăng cường hỗ trợ học tập như vậy tương thích với nhiều phiên bản Android và iOS (hệ điều hành điện thoại thông minh) khác nhau để kiến thức được truyền tải đến người học một cách rộng rãi.
Du lịch
Nếu các dịch vụ không được cung cấp cho khách hàng đúng hạn hoặc không đạt chất lượng như quảng cáo, danh tiếng và tốc độ tăng trưởng doanh thu của các công ty du lịch có thể sụt giảm đáng kể.
Vì vậy, nhiều đại lý du lịch và khách sạn đang phát triển và cung cấp các ứng dụng du lịch dựa trên AR nhằm giúp khách hàng khám phá điểm đến của họ mà không bị ảnh hưởng các yếu tố như chất lượng giao thông, địa điểm lưu trú,...
Ngoài ra, AR cũng hữu dụng trong việc định hướng, chỉ đường cho khách du lịch. Việc tìm kiếm và sắp xếp các địa điểm tham quan, vui chơi, kiểm tra lịch trình phương tiện giao thông công cộng, xác định vị trí trạm xăng, máy ATM sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ tích hợp công nghệ AR trong các ứng dụng bản đồ.
Thực tế ảo tăng cường giúp hành khách du lịch thuận tiện hơn - Ảnh: Internet
Công nghệ AR mang đang ngày càng phát triển với những bước tiến mới. Thực tế ảo tăng cường đang ngày càng trở nên gần gũi trong đời sống con người thông qua các thiết bị điện thoại thông minh và chắc chắn sẽ mang lại nhiều sự thay đổi lớn đến đời sống, kinh tế và xã hội.
Nguồn tham khảo:
https://www.techtarget.com/whatis/definition/augmented-reality-AR