Dù vẫn ở giai đoạn sơ khai, NFT đã có rất nhiều ứng dụng tiềm năng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho những lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Khi NFT (Non-fungible token) nổi lên như một hiện tượng vào năm 2021, các nhà đầu tư tiềm năng đã tự hỏi liệu NFT là cơ hội lâu dài hay sẽ sớm biến mất. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa rõ liệu NFT có thể giữ được mức độ phổ biến như hiện tại hay không, nhưng chúng vẫn là công nghệ đầy hứa hẹn cho nhiều ứng dụng.
Về mặt lý thuyết, NFT - mã thông báo kỹ thuật số của tài sản ảo và thế giới thực - có thể được áp dụng cho bất kỳ mặt hàng nào. Nghệ thuật kỹ thuật số và đồ sưu tầm là những ứng dụng chính, nhưng nó cũng có thể ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm: Thời trang, thể thao, tài chính, bất động sản,...
NFT cung cấp một phương tiện kiếm tiền từ việc số hóa tài sản, tạo ra thu nhập từ tài sản trí tuệ và xác minh danh tính của tài sản vật chất trên internet. Chúng rất hữu ích trong việc thiết lập tính xác thực của các mặt hàng độc đáo, mang tính sưu tầm và có giá trị cao.
Mã thông báo không thể thay thế (NFT) là gì?
NFT (Viết tắt của: Non-fungible token) là tài sản mật mã có một không hai tồn tại trên công nghệ Blockchain. Do tính độc đáo của chúng, NFT không thể thay thế được, thậm chí hai NFT tương đồng cũng không thể thay thế cho nhau.
Điều này trái ngược với các tài sản thông thường khác. Chẳng hạn như tờ một đô la hoàn toàn có thể trao đổi với một tờ đô la khác, tương tự một miếng vàng hoặc một bitcoin.
NFT hoạt động dựa trên tài chính phi tập trung (DeFi). Trong đó, tài sản và người tham gia thị trường tương tác trên cơ sở phi tập trung, ngang hàng. DeFi loại bỏ sự tham gia của bên trung gian thứ ba, tiết kiệm chi phí giao dịch.
Việc chuyển đổi tài sản trong thế giới thực thành tài sản kỹ thuật số có thể giúp các quy trình trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, cung cấp khả năng xác minh dễ dàng hơn về tính nguyên gốc và sự khan hiếm thông tin trên nền tảng kỹ thuật số. Đặc điểm chính của NFT là tính độc quyền: Chúng có thể hạn chế quyền của cá nhân đối với một số tài sản cụ thể.
08 Ứng dụng NFT trong thực tiễn hiện nay
NFT đã và đang được sử dụng trong những trường hợp thực tế như:
1. Âm nhạc NFT
Ngày càng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tận dụng công nghệ blockchain, cụ thể là NFT, như một cách để đúc kết và bảo tồn mọi thứ, từ nhạc kỹ thuật số, ảnh bìa album và những kỷ vật khác.
Với việc sử dụng NFT, nghệ sĩ có thể mã hóa bài hát và album của họ, cung cấp tiền bản quyền cho người sáng tạo và nhà sản xuất, đồng thời bán hàng hóa kỹ thuật số của họ để có thêm nguồn thu nhập nếu họ muốn.
Chúng đang được sử dụng bởi những nghệ sĩ hàng đầu thế giới như John Legend, Grimes và Kings of Leon.
Các thành viên của ban nhạc Kings of Leon đã biến bài hát chưa từng được phát hành mang tên “Time in Disguise” thành NFT, đưa lên chuyến bay của SpaceX khởi hành vào không gian.
Theo đó, ca khúc Time in Disguise sẽ trở thành giai điệu NFT đầu tiên được phát trong không gian - Ảnh: Internet
Ngoài yếu tố thú vị từ đặc điểm vốn có của chúng, có lẽ NFT hấp dẫn đối với ngành công nghiệp âm nhạc vì lý do tài chính. Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nghệ sĩ cảm thấy thua thiệt bởi thỏa thuận tiền bản quyền không cân xứng hoặc thiếu khả năng kiếm tiền trên các nền tảng phát trực tuyến.
Tuy nhiên, NFT cung cấp một cách để loại bỏ trung gian và mang về cho nghệ sĩ cơ hội lớn hơn về mặt tài chính. Josh Katz, Giám đốc điều hành và người sáng lập thị trường NFT YellowHeart, gọi đây là “quy tắc 90/10”.
Katz cho biết, “Theo truyền thống, nghệ sĩ chỉ nhận được khoảng 10% doanh thu mà họ tạo ra và bên trung gian khác nhận 90%. Với NFT, nghệ sĩ chiếm 90% và nền tảng chỉ chiếm 10%”.
2. Trò chơi kiếm tiền NFT (Game NFT)
Trò chơi chơi để kiếm tiền (Play-to-earn) trở nên vô cùng phổ biến trong vài năm qua, mang lại những khuyến khích kinh tế trong thế giới thực cho người chơi. Bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu với những người chơi khác và vượt qua thử thách có cấp độ khác nhau, người chơi sẽ được thưởng tài sản trong game như đất ảo, hình đại diện, vũ khí, trang phục và các NFT khác. Sau đó, những vật phẩm này có thể được giao dịch trong trò chơi hoặc trên những khu chợ.
Một số trò chơi NFT phổ biến nhất bao gồm The Sandbox, Splinterlands và Gods Unchained, Axie Infinity,...
Một ví dụ thực tế, vào thời kỳ đỉnh cao, người chơi Axie Infinity trên khắp thế giới đã kiếm được hàng nghìn đô la mỗi tháng khi chỉ cần bỏ ra vài giờ mỗi ngày. Trò chơi đã vươn lên vị trí hàng đầu trong bộ sưu tập game NFT vào năm 2021, theo DappRadar, mặc dù chưa từng có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng phổ biến và nhiều người còn e ngại với hình thức kiếm tiền mới mẻ này.
Tuy nhiên, khi nỗi lo suy thoái bao trùm toàn bộ nền kinh tế, không gian tiền điện tử gây sốt một thời đã hạ nhiệt đáng kể và các trò chơi blockchain cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng GameFi (Game + Finance) được cho là một trong những trò chơi đầu tiên phục hồi sau thời kỳ suy thoái này.
3. Bán vé sự kiện
Nhìn chung, vé tham dự sự kiện nổi tiếng có xu hướng bán hết nhanh chóng và sự gia tăng của bot bán vé đã khiến tình hình trở nên tồi tệ và khó kiểm soát hơn. Vé cũng thường được mua và bán lại trên thị trường thứ cấp với giá cao hơn nhiều. Hiện tượng này không chỉ gây khó chịu (và tốn kém) cho người tiêu dùng mà còn cướp đi doanh thu bổ sung của nhà tổ chức sự kiện.
Bán vé NFT là một giải pháp khả thi. Vé ở dạng NFT tồn tại trên blockchain có thể đóng vai trò là quyền truy cập vào bất kỳ sự kiện ảo hoặc trực tiếp nào, cung cấp giải pháp thay thế an toàn và thuận tiện hơn thay cho việc bán vé truyền thống.
Việc mua vé NFT trực tiếp từ nghệ sĩ sẽ loại bỏ nhu cầu về người bán trung gian, giảm khả năng giảm lừa đảo, mở rộng quy mô do xác minh tính xác thực và tính minh bạch cao hơn. Ngoài ra, do tính chất công khai của công nghệ blockchain, người tổ chức sự kiện có thể kiểm tra lịch sử giao dịch để ngăn chặn gian lận.
Ngoài những lợi ích thực tế nêu trên, bán vé sự kiện bằng NFT còn giúp nhà phát hành tương tác với khách hàng theo cách mới, cung cấp các đặc quyền như quà tặng bất ngờ, tổ chức câu lạc bộ người hâm mộ,...
Cơ sở hạ tầng cho việc bán vé NFT đã có nhưng nó vẫn chưa thực sự phát triển. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đã bắt đầu học hỏi công nghệ này, bao gồm cả những nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu.
Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp đang nỗ lực làm cho vé NFT được phổ biến rộng rãi hơn - Ảnh: Internet
4. Bất động sản ảo NFT
Để hiểu đầy đủ khái niệm bất động sản ảo, trước tiên cần hiểu khái niệm về metaverse - một mạng lưới thế giới ảo được chia sẻ, đắm chìm. Trong đó, mọi người có thể giao lưu, sáng tạo, chơi trò chơi, mua sắm và thậm chí làm việc.
Hiện tại, ý tưởng về một siêu vũ trụ phổ quát vẫn chỉ mang tính suy đoán. Nhưng nhiều công ty công nghệ đang trong quá trình nghiên cứu và tạo ra nó, xây dựng những trải nghiệm như phòng khám sức khỏe tâm thần ảo, không gian văn phòng và trung tâm mua sắm.
Bất động sản ảo là một trong những khía cạnh quan trọng và sinh lợi lớn nhất của metaverse. Những thương vụ mua bán bất động sản nổi tiếng đã diễn ra trên Decentraland, The Sandbox và Roblox.
Giống như trong thế giới thực, đất có sẵn trong thế giới ảo này có hạn, nhưng thay vì tiền mặt, chúng được giao dịch bằng NFT. Khi mua một lô đất ảo, NFT đại diện cho quyền sở hữu lô đất đó sẽ được chuyển vào ví tiền điện tử của người mua. Tại thời điểm đó, họ có thể làm mọi thứ với lô đất như mở cửa hàng, cho thuê mặt bằng, nơi ở,...
Một số thế giới ảo này cũng cho phép người dùng tạo, chia sẻ và kiếm tiền từ NFT của riêng họ dưới dạng quần áo, đồ nội thất, đồ dùng,...
Ví dụ: Người dùng Roblox có thể kiếm tiền từ những vật phẩm của riêng của họ và bán chúng cho người dùng khác bằng tiền thật. Và hầu hết trong số họ cuối cùng cũng sẽ đưa số tiền đó trở lại nền tảng, chi tiêu cho trò chơi hoặc sản phẩm sáng tạo của người dùng khác. Điều này tạo ra một “nền kinh tế thị trường tự do, do người dùng định hướng”.
5. Chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng toàn cầu đã chứng kiến khá nhiều đổi mới công nghệ trong vài năm qua, bao gồm việc áp dụng công nghệ blockchain để cải thiện khả năng theo dõi và minh bạch hóa, thanh toán hiệu quả hơn, thúc đẩy các phương pháp tìm nguồn cung ứng bền vững và nhân văn hơn.
Đặc biệt, việc triển khai NFT có thể giúp việc xác minh, theo dõi nhiều mặt hàng dễ dàng hơn khi chúng đi dọc theo chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.
Một sản phẩm trung bình sẽ di chuyển qua nhiều điểm tiếp xúc khác nhau trên hành trình trước khi đến tay người tiêu dùng. NFT được sử dụng như một loại bản sao kỹ thuật số trong suốt hành trình này, nơi nó có thể được ghép nối với một sản phẩm cụ thể, làm phương tiện ghi lại và xác minh từng điểm tiếp xúc.
Sau đó, quyền sở hữu NFT đó có thể được chuyển giao lần lượt trong chuỗi cung ứng cho đến khi tới tay người mua, cho phép cả nhà sản xuất, nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng hiểu rõ hơn và tinh chỉnh hành trình sản phẩm.
Ngoài ra, NFT cũng cung cấp khả năng hiển thị dễ dàng, không chỉ vị trí của một mặt hàng mà còn tất cả dữ liệu khác liên quan đến nó. Khả năng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu này một cách hiệu quả khiến NFT trở thành nguồn tài nguyên tốt, cung cấp thông tin chi tiết, có thể được sử dụng để đưa ra quyết định trong tương lai.
6. Cho khoản vay tài chính phi tập trung
Giống như nhiều tài sản, NFT có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp, nghĩa là một người có thể đổi NFT mà họ sở hữu để lấy một khoản vay tài chính phi tập trung.
Đầu tiên, người cho vay và người đi vay cần phải thống nhất về giá trị của tài sản nhất định, thời gian vay và số tiền lãi phải trả. Khi bắt đầu quá trình, NFT sẽ bị khóa trong hợp đồng thông minh hoặc chương trình tự thực hiện được lưu trữ trong chuỗi khối chỉ hoạt động khi đáp ứng một số điều kiện xác định trước, trong một khoảng thời gian được chỉ định trước hoặc cho đến khi số tiền đã vay (cộng với tiền lãi) được hoàn trả đầy đủ.
Chủ sở hữu kỹ thuật của tài sản thế chấp chính là hợp đồng thông minh, là chủ sở hữu duy nhất cho đến khi các điều khoản đã đặt ra của hợp đồng kết thúc hoặc được đáp ứng.
Không ai (kể cả người ký quỹ hợp đồng thông minh) có quyền truy cập vào NFT thực tế. Nếu người đi vay không trả được nợ, NFT sẽ tự động được gửi đến ví của người cho vay làm tài sản thế chấp cho số dư của khoản vay. Người cho vay trở thành chủ sở hữu mới của tài sản.
Tất nhiên, việc đưa NFT làm tài sản thế chấp sẽ đi kèm với một số rủi ro như: Giá trị của NFT bị ảnh hưởng bởi thị trường trong quá trình cho vay; Người vay tự động mất NFT nếu không có khả năng hoàn trả khoản vay gây thiệt hại;...
Hợp đồng thông minh đóng vai trò quan trọng trong các khoản vay tài chính phi tập trung - Ảnh: Internet
7. Thời trang NFT
NFT ở dạng quần áo đã trở nên phổ biến, không chỉ dành cho mục đích sưu tầm mà còn là những món đồ nổi bật mà hình đại diện trong thế giới ảo có thể sử dụng.
Các thương hiệu cao cấp đã bắt đầu thử nghiệm. Gucci được cho là đã bán một chiếc túi NFT trên Roblox với giá hơn 4.000 USD, khiến nó đắt hơn chiếc túi thật. Dolce & Gabbana đã bán một bộ sưu tập NFT gồm 9 món với giá trị được báo cáo là 5,6 triệu đô la.
Nhờ NFT, chiến dịch PR và quảng cáo dành cho các nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ, người sáng tạo và những người nổi tiếng có thể đạt đến mức độ lan tỏa chưa từng thấy trước đây.
8. Nhận dạng WEB3
Kiểm soát hoàn toàn danh tính trực tuyến của một người là điểm nổi bật của công nghệ blockchain và toàn bộ không gian Web3 mà nó đang giúp xây dựng, với phiên bản tiếp theo của Internet hứa hẹn sẽ trao lại quyền sở hữu cho cá nhân. Và NFT có thể là một phần quan trọng trong đó, đặc biệt là NFT tiện ích.
Giống như bất kỳ NFT nào khác, NFT tiện ích là tài sản kỹ thuật số duy nhất tồn tại trên blockchain. Tuy nhiên, thay vì chỉ được xác định bởi giá trị của chúng dựa trên nhu cầu thị trường, mục đích của NFT tiện ích là chứng minh quyền sở hữu đối với những tài sản khác, tương tự như bằng đại học, sổ đỏ, giấy tờ đất,...
NFT tiện ích là một cách hữu ích để cấp quyền truy cập vào các sự kiện độc quyền, nội dung cao cấp, khuyến mãi hoặc ưu đãi đặc biệt,... Nếu người sáng tạo tạo ra một dự án có quyền quản lý, một số hoặc toàn bộ quyền kiểm soát trong một dự án nhất định sẽ được chuyển giao cho cộng đồng hợp tác hoạt động thông qua cơ chế dựa trên mã thông báo - tương tự như cách hoạt động của các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO).
Bất kể chúng được sử dụng như thế nào, NFT tiện ích đều mở rộng khái niệm về tài sản kỹ thuật số, mang đến cho chủ sở hữu quyền nắm giữ tài sản và danh tính của chính họ chắc chắn hơn trong môi trường Web3 đang phát triển.
Bên cạnh những ứng dụng nổi bật nêu trên, rất nhiều trường hợp sử dụng NFT khác trong thực tế có thể mang lại lợi ích thiết thực. Do đó, đây là công nghệ được kỳ vọng sẽ có nhiều bước phát triển mới trong tương lai.
Nguồn tham khảo: https://builtin.com/nft-non-fungible-token/nft-use-cases