AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình tuyển dụng mà còn mang đến những cơ hội mới trong việc xác định và thu hút ứng viên tài năng.
Tuyển dụng luôn là một quá trình đầy gian nan, tiêu tốn nhiều tài nguyên và thời gian. Để tìm được người phù hợp với yêu cầu của từng vị trí, nhà tuyển dụng cần trải qua nhiều bước từ việc tìm kiếm, sàng lọc ứng viên cho đến khi tiến hành phỏng vấn, đánh giá tài năng.
Vì vậy, trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển với mục tiêu đơn giản hóa những nhiệm vụ nêu trên, giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời cải thiện hiệu suất cho quy trình tuyển dụng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá cách AI đang thay đổi lĩnh vực tuyển dụng và lợi ích mà công nghệ này có thể mang lại cho doanh nghiệp.
1. AI trong tuyển dụng là gì?
Khái niệm trí tuệ nhân tạo trong tuyển dụng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ AI vào mọi mặt quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp, nhằm tinh gọn và tự động hóa các hoạt động này.
AI cho phép nhà tuyển dụng tận dụng tối đa sức mạnh của dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác, thông minh hơn. Ngoài ra nó còn hỗ trợ sàng lọc ứng viên, phân tích và đánh giá hồ sơ ứng tuyển, thậm chí là dự đoán tiềm năng ứng viên cũng như mức độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
Xem thêm bài viết: Ngành trí tuệ nhân tạo học gì? Học AI ra trường làm gì?
2. Tại sao AI lại quan trọng trong tuyển dụng?
Với công nghệ AI, bộ phận nhân sự có thể tăng hiệu quả công việc của mình, tập trung vào bức tranh toàn cảnh mang tính chiến lược để đạt được mục tiêu lớn, thay vì phải dành thời gian xử lý các nhiệm vụ nhỏ lẻ, thủ công.
Công nghệ AI đóng vai trò quan trọng trong quy trình tuyển dụng hiện đại - Ảnh: Internet
Dưới đây là 4 lý do tại sao mỗi nhà tuyển dụng đều cần cho mình một “trợ lý” AI vào quá trình tìm kiếm nhân tài phù hợp:
2.1. AI giúp tối đa hóa hiệu quả tuyển dụng
Tuyển dụng vốn dĩ là một quy trình tương đối dài, tại đây doanh nghiệp cần sử dụng rất nhiều thao tác thủ công. Trung bình mỗi tuần, mỗi nhà tuyển dụng phải dành ra khoảng 30 giờ cho các công việc mang tính chất hành chính như: phân loại ứng viên, sàng lọc hồ sơ, lên lịch phỏng vấn, hoặc phối hợp với thành viên khác trong/ngoài bộ phận để thực hiện tuyển chọn ứng viên phù hợp.
Những hoạt động này thường xuyên phải lặp đi lặp lại, dẫn đến hiệu suất công việc ở bộ phận nhân sự bị giảm đi đáng kể.
Các giải pháp ứng dụng AI có thể sàng lọc, phân loại hàng ngàn hồ sơ ứng tuyển chỉ trong chốc lát, đồng thời nhận diện được ứng viên triển vọng. Điều này giúp cho đội ngũ tuyển dụng tiết kiệm đáng kể thời gian, tối ưu hiệu suất làm việc, từ đó mang lại chất lượng nguồn nhân lực tốt hơn cho doanh nghiệp.
2.2. Ngăn chặn tình trạng thiên vị cá nhân trong tuyển dụng
Thiên vị cá nhân không quá xa lạ đối với một số doanh nghiệp đi theo mô hình “công ty gia đình” khi ứng viên là người quen của cán bộ nhân viên (CBNV). Bên cạnh đó, đôi khi trong quá trình tuyển dụng, quan điểm/sở thích/lòng mến mộ mang tính cá nhân của nhà tuyển dụng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Trong trường hợp xấu, ứng viên lựa chọn sẽ không phù hợp với giá trị văn hóa của doanh nghiệp và không đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí mà doanh nghiệp yêu cầu.
Theo nghiên cứu, khoảng 50% nhà quản lý nhân sự thừa nhận rằng họ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thiên vị “vô hình” khi lựa chọn ứng viên. Điều này không chỉ dẫn đến chất lượng tuyển dụng kém mà còn ngăn cho doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn nhân lực.
Khi AI được sử dụng đúng cách, nó có thể đối phó với tình trạng này và loại bỏ yếu tố chủ quan trong quy trình tuyển dụng, bao gồm tuổi tác, giới tính, chủng tộc, quê quán,...
AI có khả năng sàng lọc ứng viên khách quan dựa trên trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, phẩm chất - những yếu tố quyết định đến năng lực thực sự của ứng viên.
Việc nhà tuyển dụng thiên vị cá nhân thường xuyên xảy ra - Ảnh: Internet
2.3. Tăng cường trải nghiệm ứng viên
Một quy trình tuyển dụng không hiệu quả với cách tiếp cận cứng nhắc, không tìm hiểu nhu cầu của ứng viên có thể làm cho họ mất hứng, mặc dù trước đó những ứng viên này có thiện cảm với tên tuổi hoặc thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát đã tiết lộ rằng 60% ứng viên từ chối nhận offer (thư mời làm việc) do trải nghiệm tuyển dụng quá tệ. Việc này không chỉ khiến cho doanh nghiệp mất một lượng ứng viên tiềm năng trong tương lai, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Các công cụ tuyển dụng tích hợp AI có thể giảm thiểu đáng kể vấn đề này bằng cách tối ưu hóa toàn bộ quy trình từ vòng CV cho đến khi bắt đầu làm việc. Theo đó, quy trình tuyển dụng sẽ được cá nhân hóa với từng giai đoạn ứng viên tiếp xúc với doanh nghiệp như: gửi mail tự động, lên lịch hẹn phỏng vấn, tự động trả lời câu hỏi thường gặp với AI chatbot,...khiến cho quá trình tuyển dụng trở nên thú vị, mới mẻ, hiệu quả.
Từ đó, ứng viên sẽ cảm thấy hài lòng, dễ chịu và có cảm giác được tôn trọng khi ứng tuyển vào bất kỳ vị trí nào trong doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp mở ra cho mình cơ hội thu hút được nhiều nhân tài hơn.
2.4. Cải thiện chất lượng tuyển dụng
Nhân viên là “huyết mạch” của một doanh nghiệp. Vì vậy nguồn nhân lực ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động, doanh thu cũng như lợi nhuận của công ty.
Nhân viên tham gia vào toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp như sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tạo nên giá trị vật chất và đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp.
Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết, mỗi một quyết định sai lầm trong việc tuyển dụng có thể khiến doanh nghiệp phải bỏ ra khoản chi phí tương đương với 30% mức lương trong năm đầu của nhân viên đó. Ngoài ra, một vài tổ chức quản lý nhân sự ước tính rằng, chi phí này thậm chí lớn hơn, dao động từ 240 đến 850 nghìn USD tương đương với 5 tỷ đến 80 tỷ VNĐ cho mỗi CBNV.
Đây chính là một bài toán khó cho nhiều công ty hiện nay, cũng chính là nơi mà trí tuệ nhân tạo phát huy tác dụng. Các công cụ tích hợp AI sẽ hỗ trợ phương thức tuyển dụng truyền thống trong việc đánh giá ứng viên dựa trên phân tích dữ liệu, thông tin được cung cấp. Từ đó nhà quản lý có cái nhìn khách quan để đưa ra quyết định chính xác hơn.
Bằng cách tận dụng AI, nhà tuyển dụng có thể tiết kiệm thời gian, công sức, tăng mức độ phù hợp với ứng viên, giảm thiểu định kiến và ra quyết định sáng suốt dựa trên dữ liệu.
Công nghệ AI đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình cách mạng hóa lĩnh vực tuyển dụng; tăng cường hiệu suất, độ chính xác cũng như hiệu quả tổng thể khi xác định và thu hút nhân tài cho tổ chức.
AI giúp nhà tuyển dụng đưa ra lựa chọn thông minh dựa trên dữ liệu - Ảnh: Internet
3. Ứng dụng của AI trong quy trình tuyển dụng
3.1. Tạo nguồn ứng viên
Các giải pháp tạo nguồn ứng viên dựa trên trí tuệ nhân tạo giúp nhà tuyển dụng dễ dàng tìm kiếm, kết nối ứng viên phù hợp một cách nhanh chóng. Những công cụ này sử dụng thuật toán và công nghệ học máy để tự động hóa nhiều tác vụ khác nhau, bao gồm tìm kiếm trên website tuyển dụng, cơ sở dữ liệu nội bộ, mạng xã hội, từ đó xác định nguồn ứng viên chất lượng cho từng vị trí cụ thể.
Một số công cụ tìm kiếm dựa trên AI cũng cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng thông qua dữ liệu, đưa ra đề xuất để doanh nghiệp có quyết định tuyển dụng sáng suốt hơn.
Ví dụ, AI chatbot giúp tối ưu hóa hoạt động truyền thông-marketing, kết nối với ứng viên trong thời gian thực. Giải pháp này giúp doanh nghiệp tương tác với ứng viên để xác định đâu là kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp nhất cho vị trí đó, đồng thời cung cấp hướng dẫn cách thức ứng tuyển.
3.2. Sàng lọc ứng viên
Sàng lọc ứng viên rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng bởi đây là bước giúp xác định những ứng viên có đủ điều kiện nhất trong rất nhiều CV gửi về. Tuy nhiên, bước này làm mất nhiều thời gian của bộ phận nhân sự khi thực hiện rà soát thủ công, đặc biệt khi số lượng CV lên tới hàng nghìn.
Bằng cách sử dụng công nghệ AI, nhà tuyển dụng dễ dàng trích xuất thông tin cốt lõi từ hàng loạt CV, lọc ra ứng viên phù hợp nhất mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức.
Phương pháp sử dụng trong hệ thống sàng lọc CV có thể linh hoạt biến đổi từ phân tích hồ sơ đơn giản, cho đến đánh giá hành vi, kỹ năng.
Cụ thể, một số hệ thống lọc CV AI có khả năng xác định dấu hiệu đáng cảnh báo cho thấy tính cách, hành vi của ứng viên không tương thích với yêu cầu đặt ra cho vị trí đấy. Từ thông tin này, nhà tuyển dụng thu hẹp được danh sách ứng viên phù hợp nhất, dành thời gian tập trung vào những nhân tố có tiềm năng hơn.
3.3. Đánh giá nhân tài
Công cụ đánh giá ứng viên thông minh được nhiều công ty sử dụng để đánh giá năng lực và đặc điểm cá nhân ứng viên một cách tổng thể thông qua trò chơi, bài trắc nghiệm đánh giá hành vi, kiểm tra kỹ năng.
Sau đó, thuật toán AI sẽ phân tích dữ liệu, tạo ra báo cáo chi tiết về điểm mạnh, điểm yếu,... Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian, tài nguyên cho doanh nghiệp mà còn tạo ra sự tương tác hai chiều, giúp ứng viên thể hiện khả năng của mình, đồng thời mang lại trải nghiệm tốt hơn cho họ.
Hầu hết các công cụ hiện nay không chỉ có khả năng tùy chỉnh linh hoạt dựa trên nhu cầu, yêu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp mà còn tích hợp với những hệ thống có sẵn, từ đó đảm bảo luồng làm việc hiệu quả, liền mạch.
3.4. Tiến hành phỏng vấn
Quá trình tuyển dụng không bao giờ thiếu bước phỏng vấn bởi đây là cách mà cả hai bên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu về nhau. Tuy nhiên, cách thức phỏng vấn truyền thống thường gây tốn thời gian, công sức bởi bước này đòi hỏi nhiều nhiệm vụ thủ công.
Nền tảng phỏng vấn thông minh tích hợp AI giúp giảm đáng kể các tác vụ đó. Doanh nghiệp có thể tiến hành phỏng vấn sơ bộ thông qua cuộc gọi video hoặc giao tiếp bằng văn bản. Tất cả đều được ghi lại và phân tích bằng thuật toán học máy, từ đó lựa chọn ra ứng viên tốt nhất cho vòng phỏng vấn chuyên sâu hơn.
Ngoài ra, công nghệ AI còn hỗ trợ phân tích giọng nói, biểu cảm khuôn mặt để xác định trạng thái cảm xúc của ứng viên. Những thông tin này sau đó được kết hợp với nội dung câu trả lời phỏng vấn để nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quát về tính cách, thái độ, trả lời cho câu hỏi liệu đây có phải là ứng viên phù hợp hay không.
Bước phỏng vấn sơ bộ thông qua nền tảng trực tuyến giúp nhà tuyển dụng sàng lọc nhanh ứng viên - Ảnh: Internet
3.5. Nhận thư mời làm việc và hội nhập nhân viên mới
Khi nhắc đến bước chính thức nhận việc, thì yếu tố không thể thiếu mà nhà tuyển dụng cần làm chính là tạo ra trải nghiệm tích cực, thú vị, tạo ấn tượng lâu dài cho nhân viên mới.
Với công nghệ AI, hoạt động hội nhập nhân viên mới được cá nhân hóa từ khâu hướng dẫn, giới thiệu về tổ chức, văn hóa doanh nghiệp để họ có định hướng cơ bản về công việc của mình trong ngày đầu làm việc.
Các giải pháp thông minh hiện nay sử dụng công nghệ máy học và AI cung cấp trải nghiệm đào tạo linh hoạt, có thể tùy chỉnh mở rộng ngay cả khi doanh nghiệp có số lượng nhân sự khổng lồ. Từ đó, CBNV nhanh chóng làm quen, bắt tay vào làm việc.
Kết luận
Có thể nói, trí tuệ nhân tạo (AI) đã định hình lại lĩnh vực tuyển dụng hiện đại của doanh nghiệp ngày nay. Nhờ vào khả năng tự động hóa, chắt lọc thông tin khách quan, cũng như đưa ra các lựa chọn dựa trên dữ liệu, AI đã tối ưu hóa quá trình tuyển dụng để tối ưu thời gian, tài nguyên cho tổ chức, cũng như tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho ứng viên, làm cho việc tìm kiếm, thu hút nhân tài trở nên hiệu quả hơn và công bằng hơn.
Nguồn tham khảo: https://www.jobylon.com/blog/how-ai-is-transforming-the-world-of-recruitment