Không chỉ hoạt động hiệu quả với Bitcoin và các loại tiền điện tử, công nghệ Blockchain (Chuỗi khối) còn được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác. Hãy cùng Elcom tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Ý tưởng về blockchain lần đầu tiên được hình thành dưới dạng cơ chế hỗ trợ Bitcoin (CRYPTO:BTC). Để giải quyết vấn đề giao dịch cực lớn liên quan đến tiền kỹ thuật số, Satoshi Nakamoto (được xem là người tạo ra tiền điện tử Bitcoin) đã nghĩ ra một dạng sổ cái bất biến của các giao dịch, kết hợp những khối dữ liệu lại với nhau bằng mật mã kỹ thuật số.
Công nghệ chuỗi khối có nhiều tiềm năng ứng dụng hơn nữa, ngoài tiền điện tử. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp hiện đang đầu tư công sức, nguồn lực để nghiên cứu cũng như đưa blockchain vào phục vụ hoạt động vận hành, sản xuất kinh doanh, chăm sóc khách hàng,...
Vai trò và ứng dụng Blockchain trong thực tiễn đời sống
Các ứng dụng Blockchain hiện nay được chia làm 4 loại chính dựa vào tình trạng phát triển: Hợp đồng thông minh, tiền kỹ thuật số, bảo tồn văn thư sổ sách và chứng khoán.
Hợp đồng thông minh (Smart Contracts): Mở rộng blockchain, đưa các ứng dụng tài chính vào thị trường. Các tài sản bao gồm cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và bất kỳ điều gì có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng. Xe tự lái, hợp đồng thuê nhà dạng chìa khóa trao tay hay thu phí bảo hiểm,... là một số ví dụ về cách hợp đồng thông minh chi phối hoạt động kinh doanh và đời sống của con người trong tương lai.
Tiền kỹ thuật số (Digital Currencies): Bao gồm chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Đây cũng là lĩnh vực quen thuộc nhất hiện nay, được xem như là lãnh thổ của Bitcoin và những tiền mã hóa khác.
Bảo tồn văn thư sổ sách (Record Keeping): Đưa blockchain vượt khỏi biên giới tài chính và đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật.
Chứng khoán (Securities): bao gồm các ứng dụng cụ thể như Debt, Crowdfunding,..
Trong 4 loại chính này, blockchain lại tiếp tục được nghiên cứu để phát triển các sản phẩm, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ tài chính, y tế - chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, bất động sản,...
Các lĩnh vực ứng dụng phổ biến của Blockchain - Ảnh: Internet
Ứng dụng của blockchain trong thực tiễn
1. Tài chính - Ngân hàng
Đây được xem là lĩnh vực đầu tiên ứng dụng công nghệ blockchain. Có thể nói, ứng dụng blockchain trong ngân hàng, tài chính đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực này.
Giao dịch xuyên biên giới
Chuyển tiền qua biên giới bằng những phương thức truyền thống thường mất thời gian và tốn kém. Tiền phải chuyển qua nhiều ngân hàng trên đường đến điểm thanh toán cuối cùng.
Khi được sử dụng cho các giao dịch xuyên biên giới, blockchain hỗ trợ rút ngắn, đẩy nhanh quá trình, đồng thời giúp giao dịch chính xác, ít tốn kém hơn.
Nền tảng tài trợ tài chính thương mại
Tài trợ thương mại là một ứng dụng khác của blockchain trong lĩnh vực tài chính. Nhiều ngân hàng đang sử dụng các nền tảng tài trợ tài chính thương mại chuỗi khối để tạo ra hợp đồng thông minh giữa những người tham gia. Nhờ đó, nền tảng được tăng hiệu quả và tính minh bạch, đồng thời mở ra những cơ hội doanh thu mới.
Thanh toán bù trừ
Trong tương lai, khả năng ghi lại chính xác của Blockchain có thể cắt giảm các thủ tục thanh toán bù trừ rườm rà hiện tại. Theo đó, giao dịch sẽ trở nên nhanh hơn, giúp giảm chi phí cho tổ chức tài chính.
Xác minh danh tính kỹ thuật số
Ngân hàng không thể thực hiện giao dịch trực tuyến nếu thiếu bước xác minh danh tính. Quy trình xác minh thông thường bao gồm nhiều bước, gây mất thời gian khiến khách hàng không hài lòng.
Blockchain đảm bảo thông tin khách hàng được ghi nhận và xử lý nhanh chóng, hạn chế hành vi gian lận. Khi thông tin của khách hàng được bảo mật, ngân hàng nhận được nhiều sự tin tưởng của công chúng hơn, đồng thời tăng tốc quá trình xác minh một cách đáng kể.
Báo cáo tín dụng
Báo cáo tín dụng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tài chính của khách hàng. Những trường hợp vi phạm dữ liệu gần đây cho thấy báo cáo tín dụng dựa trên blockchain an toàn hơn so với báo cáo dựa trên máy chủ truyền thống. Blockchain cũng cho phép doanh nghiệp tính đến yếu tố phi truyền thống khi tính điểm tín dụng.
Mua bán tài sản
Thị trường tài chính thường thực hiện trao đổi tài sản, hàng hóa, dịch vụ thông qua mạng lưới phức tạp, bao gồm: Môi giới, sàn giao dịch, trung tâm thanh toán, ngân hàng giám sát,…
Những giao dịch như vậy diễn ra rất thường xuyên nhưng thủ tục hoàn toàn được xử lý thủ công bằng giấy tờ. Việc này dẫn đến sự trì trệ trong giao dịch, nâng cao rủi ro về bảo mật thông tin.
Blockchain loại bỏ bên thứ ba và quyền chuyển giao tài sản. Nhờ đó, chi phí, thời gian mua bán tài sản giảm xuống, đồng thời hạn chế sự bất ổn của thị trường chứng khoán.
Blockchain cũng tạo ra cơ sở dữ liệu phi tập trung về tài sản kỹ thuật số. Nó gồm một sổ cái phân tán, cho phép chuyển nhượng quyền tài sản thông qua thông báo mã hóa, trở thành đại diện cho tài sản đó ở bên ngoài.
Blockchain có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - Ảnh: Internet
2. Y tế - Chăm sóc sức khỏe (Healthcare)
Ứng dụng blockchain trong y tế nhằm mục đích:
Thanh toán dịch vụ trực tiếp: Thông qua blockchain, việc thanh toán dịch vụ y tế cá nhân được giao dịch trực tiếp, nhanh chóng.
Người dùng theo dõi lịch sử giao dịch dễ dàng bằng cách truy cập vào một giao dịch duy nhất.
Lưu giữ, quản lý hồ sơ y tế điện tử, bảo vệ dữ liệu dựa trên tính minh bạch và bất biến của công nghệ chuỗi khối.
3. Chính phủ
Blockchain được ứng dụng khá hiệu quả trong lĩnh vực chính phủ điện tử, mang lại nhiều đổi mới cho lĩnh vực công. Trong đó, khả năng quản trị dữ liệu là yếu tố quan trọng trong thí điểm và triển khai mô hình chính phủ điện tử.
Bỏ phiếu minh bạch (Voting)
Mô hình bỏ phiếu dựa trên blockchain phát hành cho mỗi cử tri một “ví tiền" (chứng thực người dùng) và một “đồng xu” duy nhất (cơ hội để bỏ phiếu). Họ bỏ phiếu bằng cách chuyển “đồng xu” đến ví của các ứng cử viên họ lựa chọn. Nhờ đó, quá trình bỏ phiếu đảm bảo được tính minh bạch, chính xác, thuận tiện.
Lưu trữ và bảo vệ dữ liệu
Blockchain cũng được sử dụng để lưu trữ và bảo vệ hồ sơ của chính phủ, tránh thao túng hoặc che giấu thông tin. Nó giúp phân phối quá trình xác minh, lưu trữ dữ liệu cho nhiều bên, từ đó phân cấp quyền lực hiệu quả hơn. Nó làm minh bạch cơ sở dữ liệu, tăng mức độ tin tưởng giữa cơ quan chính phủ và người dân.
Giảm chi phí vận hành
Ngoài ra, công nghệ này được ứng dụng trong quản trị để giảm chi phí vận hành, tối đa hóa hiệu quả công việc của các tổ chức nhà nước. Hiệu quả cao và chi phí thấp hơn giúp cơ quan quản lý đạt được khả năng chấp thuận cao hơn. Đồng thời, chi phí vận hành được cắt giảm có thể được sử dụng để đầu tư vào những lĩnh vực khác cần thiết hơn như giáo dục, an ninh và y tế công cộng.
Trên thực tế, trong hệ thống blockchain, các cơ quan quản lý khác nhau đều đóng vai trò là tổ chức xác minh, phân phối dữ liệu. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc giả mạo, gian lận và thiết lập mức độ phân quyền linh hoạt, hạn chế sai sót trong quá trình nhập liệu hay đối chiếu thông tin truy xuất.
4. Bán lẻ (Retail)
Blockchain hỗ trợ ngành bán lẻ bảo mật dữ liệu, thanh toán tiện lợi, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tự động tích lũy điểm cho người dùng. Rất nhiều hãng bán lẻ nổi tiếng trên thế giới Walmart, Amazon, Unilever hay Nestle đã và đang ứng dụng thử nghiệm blockchain trong hoạt động kinh doanh.
Chương trình ưu đãi
Công nghệ blockchain hỗ trợ nhà bán lẻ triển khai chương trình ưu đãi và thẻ quà tặng. Blockchain đưa ra một quy trình rẻ hơn, an toàn hơn bằng cách loại bỏ bên trung gian, sử dụng khả năng xác thực của nó.
Ngoài ra, nền tảng blockchain hỗ trợ quá trình tích lũy điểm số cho khách hàng thân thiết. Nhờ khoản “tiền điện tử” tích lũy này, khách hàng sẽ tiếp tục mua sắm những món đồ mà họ cần.
Bảo mật thông tin
Trong ngành bán lẻ, khách hàng thường xuyên cung cấp dữ liệu cá nhân cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu vào hệ thống mình. Điều này gây ra nguy cơ tiềm tàng về tính an toàn trong bảo mật.
Bằng việc sử dụng công nghệ blockchain, nhà bán lẻ lưu trữ thông tin quan trọng trong một thư mục phi tập trung, dữ liệu khó đánh cắp hơn. Doanh nghiệp cũng có thể giới hạn những người được quyền truy cập tập tin với sự đồng thuận của các bên.
Thanh toán điện tử
Quy trình thanh toán số ứng dụng blockchain cho phép thanh toán xuyên biên giới, mở rộng các lựa chọn thanh toán thương mại điện tử. Nhờ đó, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Blockchain cũng cung cấp bản ghi nhớ điện tử để quy trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và hoàn trả tự động.
Chuỗi cung ứng
Nguồn gốc xuất xứ và tác động tới môi trường là những vấn đề khách hàng quan tâm. Nhờ công nghệ Blockchain, toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng sẽ được hiển thị trên hệ thống và không thể thay đổi.
Từ đó, khách hàng và nhà bán lẻ đều theo dõi được hàng hóa ở từng mắt xích trong một chuỗi cung ứng.
4.5. Logistics (Hậu cần)
Một trong những bài toán thường gặp ở logistics là thiếu sự giao tiếp và minh bạch, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Lĩnh vực logistics đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải hợp tác và liên tục tối ưu hóa luồng hàng hóa vật lý, cũng như luồng thông tin và giao dịch tài chính phức tạp. Do đó, rõ ràng là tiềm năng của công nghệ blockchain có thể được khai thác trong việc quản lý chuỗi cung ứng hậu cần.
Theo một nghiên cứu chung của Accenture và “gã khổng lồ” logistics DHL, có hơn 500.000 công ty vận chuyển tại Hoa Kỳ, gây ra các vấn đề về dữ liệu và tính minh bạch. Báo cáo cũng cho rằng, ứng dụng blockchain trong logistics có thể góp phần giải quyết những vấn đề này.
Blockchain cung cấp cho những bên tham gia vào chuỗi cung ứng cái nhìn toàn diện, không hạn chế về tất cả các giao dịch. Thông tin trạng thái giao hàng, vị trí hàng hóa có sẵn theo thời gian thực. Tất cả tài liệu, dữ liệu vận chuyển liên quan có thể được truy cập bất cứ lúc nào.
Đồng thời, trong chuỗi cung ứng, mọi giao dịch đều có thể được bảo mật thông qua blockchain. Ví dụ, xuất xứ của một mặt hàng được theo dõi từng bước thông qua blockchain. Khi được nhập dưới dạng khối trong chuỗi, giao dịch không thể được sửa đổi nữa. Do đó, những người mua sau có thể chắc chắn về nguồn gốc hàng hóa.
Ngoài ra, giao dịch thanh toán cũng được xử lý hiệu quả thông qua blockchain. Hợp đồng thông minh chứa tất cả chi tiết hợp đồng. Khi điều kiện cần thiết được đáp ứng, giao dịch tài chính sẽ được tự động khởi tạo.
Blockchain cũng hỗ trợ tự động hóa nhiều quy trình trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như công nghệ kho bãi và lập kế hoạch tải, thông qua bảo mật dữ liệu cao hơn.
6. Giáo dục
Việc ứng dụng blockchain trong giáo dục có tiềm năng thay đổi cách quản lý dữ liệu học thuật, cũng như cách giáo viên và học sinh tương tác.
Hợp đồng thông minh cho khóa học và bài tập: Hợp đồng thông minh được sử dụng để quản lý nội dung và phân phối khóa học. Chúng tự động phân phối tài liệu, đồng thời theo dõi tiến độ, kiểm tra bài tập của học sinh.
Lưu trữ hồ sơ: Blockchain giải quyết vấn đề làm giả bằng cấp, chứng chỉ thông qua gia tăng hiệu quả trong việc lưu trữ hồ sơ tại trường đại học. Ứng viên có thể dễ dàng chia sẻ thông tin xác thực bằng cách đính kèm URL chính xác vào sơ yếu lý lịch của họ và gửi tới nhà tuyển dụng.
Huy hiệu và chứng chỉ kỹ thuật số: Huy hiệu và chứng chỉ kỹ thuật số được trao cho sinh viên có thành tích tốt trong học tập. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập, tương tác gắn kết hơn, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh.
Tiết kiệm chi phí: Việc dữ liệu được trao đổi xuyên suốt, nhanh chóng khắc phục những vấn đề về lưu trữ, chuyển giao hồ sơ, tài liệu,... Từ đó giảm bớt chi phí hành chính.
Chuỗi khối có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục - Ảnh: Internet
7. Kết hợp với IoT
Blockchain được sử dụng như xương sống của mạng phân tán sử dụng các thiết bị Internet vạn vật (IoT - Internet of Things).
Một blockchain sẽ đóng vai trò như một sổ cái công cộng cho một số lượng lớn các thiết bị. Trong đó, không cần trung tâm để làm trung gian truyền thông giữa chúng. Khi đó, các thiết bị sẽ có khả năng giao tiếp với nhau một cách tự động để quản lý cập nhật phần mềm, lỗi lập trình (bugs) hay quản lý năng lượng.
8. An ninh mạng
Ứng dụng blockchain trong an ninh mạng giúp loại bỏ rủi ro về một điểm lỗi duy nhất (Single point of failure). Khi có một node (nút) bị tấn công hoặc trục trặc, toàn bộ hệ thống sẽ không bị phá hủy. Việc phá hủy toàn bộ node để đánh sập hệ thống là điều bất khả thi.
Đối với lĩnh vực an ninh mạng, blockchain mang lại lợi ích: Xác minh thông tin, chống giả mạo, xác minh chứng thực toàn vẹn dữ liệu phần mềm, bảo mật IoT, đảm bảo tính riêng tư.
9. Mạng xã hội Blockchain (Blockchain Social Networks)
Mạng xã hội (MXH) được xây dựng trên nền tảng Blockchain bảo đảm tính phân quyền, người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân của chính họ hoàn toàn. Hoạt động của người dùng trên MXH được ghi lại trên sổ cái phân tán của Blockchain. Do đó, không ai có thể xóa đi một khi nội dung đã xuất bản.
MXH Blockchain đảm bảo các lợi ích không xuất hiện điểm lỗi duy nhất, nội dung không bị kiểm duyệt, lưu trữ nội dung vĩnh viễn. Thậm chí, người dùng còn được nhận thưởng nếu như tạo và chia sẻ nội dung giá trị cho cộng đồng.
Nền tảng MXH Blockchain được cho là sẽ thay đổi cách người dùng tương tác với Internet. Điểm thu hút nhất của Blockchain Social Networks chính là người dùng hoàn toàn kiểm soát quyền riêng tư cá nhân, đồng thời tính bảo mật thông tin được nâng lên một tầm cao mới.
10. Nông nghiệp
“Blockchain agriculture” (Tạm dịch: Nông nghiệp blockchain) được hiểu là một cách sử dụng công nghệ blockchain trong chuỗi cung ứng nông nghiệp. Điều này đã trở nên thiết yếu với nhu cầu ngày càng tăng về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Ứng dụng blockchain trong nông nghiệp mang đến nhiều lợi ích to lớn như: Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm; cải thiện kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; hỗ trợ quy trình thanh toán nhanh chóng, công bằng cho người dân; góp phần xây dựng ngành nông nghiệp bền vững.
Ngoài các lĩnh vực kể trên, blockchain được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề thực tiễn khác và mang lại hiệu quả đáng kể. Trong tương lai, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật, các ứng dụng blockchain tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.