ChatGPT là một trong những từ khóa được tìm kiếm phổ biến trong thời gian gần đây. Hãy cùng Elcom tìm hiểu ChatGPT là gì, nó hoạt động và có ảnh hưởng như thế nào trong bài viết sau.
ChatGPT về bản chất là một chatbot trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) trực tuyến do OpenAI - một phòng thí nghiệm nghiên cứu AI được thành lập bởi tập đoàn vì lợi nhuận OpenAI LP và công ty mẹ phi lợi nhuận của nó là OpenAI Inc - tạo ra vào tháng 12 năm 2022.
Người dùng có thể đặt câu hỏi cho ChatGPT và nó sẽ trả lời câu hỏi đó. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi “ChatGPT là gì?”, đây là những điều nó sẽ cho bạn biết:
"ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ AI do OpenAI phát triển, có khả năng tạo văn bản giống con người dựa trên đầu vào được cung cấp. Mô hình này được đào tạo bởi một kho dữ liệu văn bản rất lớn và có thể đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi, tóm tắt văn bản dài, viết truyện và hơn thế nữa. Nó thường được sử dụng trong các ứng dụng AI đàm thoại để mô phỏng cuộc trò chuyện giống con người với người dùng."
ChatGPT có phải là chatbot thông minh đầu tiên không?
Chatbot đã tồn tại hàng thập kỷ. Nó sử dụng trí tuệ nhân tạo, có thể giúp người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin bằng cách trả lời nhanh chóng các câu hỏi thông qua nhập văn bản, nhập âm thanh hoặc cả hai - mà không cần sự can thiệp của con người.
Có thể bạn đã từng tiếp xúc với chatbot khi tương tác với các nhà bán hàng qua tin nhắn. Ngày nay, công nghệ chatbot hầu như có ở khắp mọi nơi, từ loa thông minh tại nhà cho đến các ứng dụng nhắn tin ở nơi làm việc.
Các chatbot AI hiện đại thường được gọi là “trợ lý ảo” hoặc “tác nhân ảo”. Nó có thể xử lý đầu vào bằng âm thanh, chẳng hạn như Siri của Apple, Google Assistant và Amazon Alexa hoặc tương tác qua tin nhắn văn bản. Dù bằng cách nào, người dùng đều có thể đặt câu hỏi, đưa ra yêu cầu và chatbot giúp tinh chỉnh tìm kiếm thông qua các câu trả lời và câu hỏi tiếp theo.
Không phải tất cả các chatbot đều sử dụng AI như ChatGPT. Một số chatbot chỉ đơn giản sử dụng từ khóa để tạo phản hồi, và những câu trả lời này thường có thể hữu ích hoặc không. Một số khác, như ChatGPT, sử dụng AI được “đào tạo” bởi khối lượng dữ liệu lớn, có thể đáp ứng những yêu cầu phức tạp hơn.
Có thể thấy, chatbot ngày càng hiện đại, nó đã trải qua một chặng đường dài trước khi trở nên “thông minh” như ChatGPT của OpenAI.
ChatGPT đưa ra phản hồi nhanh chóng khi người dùng đặt câu hỏi - Ảnh minh họa
Một số ưu điểm của ChatGPT
Như đã đề cập phía trên, chatbots đã được quan tâm trong nhiều thập kỷ, nhưng hầu hết chúng vẫn còn tương đối thô sơ và chỉ có khả năng trả lời các câu hỏi đơn giản đã được cài đặt từ trước. Nhưng giờ đây, với khả năng thực hiện cuộc hội thoại thông qua nhiều truy vấn và tạo mã phần mềm của ChatGPT, thế giới lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP - Neuro-linguistic programming) đang dần bước sang một chương mới.
Là một mô hình học máy (ML - Machine Learning), ChatGPT có khả năng hỗ trợ nhiều nhiệm vụ liên quan đến NLP. Do được đào tạo dựa trên tập dữ liệu văn bản lớn, nó có thể hiểu và đưa ra phản hồi giống như con người đối với nhiều loại câu hỏi và yêu cầu. Một số lợi ích tiềm năng của ChatGPT bao gồm:
Cải thiện hiệu quả và độ chính xác trong các nhiệm vụ liên quan đến NLP
Trả lời nhanh chóng và tương đối chính xác cho một loạt các câu hỏi của người dùng
Hỗ trợ với hàng loạt các nhiệm vụ đòi hỏi sự hiểu biết và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên
Nhược điểm của ChatGPT
Bên cạnh một số ưu điểm nêu trên, ChatGPT cũng là một công cụ cho thấy nhiều hạn chế trong quá trình ngắn sử dụng:
Câu trả lời không phải lúc nào cũng đúng: ChatGPT đôi khi đưa ra câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế, đáp án của nó không chính xác hoặc vô nghĩa. Điều này thậm chí có thể gây nguy hại cho người dùng trong một số trường hợp, ví dụ như những câu trả lời liên quan đến bệnh lý, cách dùng thuốc, chăm sóc sức khỏe,...
Trả lời theo xu hướng: ChatGPT được cập nhật dữ liệu, đào tạo về cách viết của con người trên khắp thế giới, trong quá khứ và hiện tại. Điều này có nghĩa là những sai lệch tồn tại trong dữ liệu cũng có thể xuất hiện trong mô hình.
Hỗ trợ gian lận: Các giáo viên đã thử nghiệm đưa các bài tập vào ChatGPT và đã nhận được câu trả lời tốt ngoài mong đợi. Điều đó đặt ra câu hỏi: Nếu ChatGPT có thể viết thay thế cho con người, liệu học sinh có sử dụng nó để gian lận trong quá trình học tập hay không?
Có khả năng gây hại đến thế giới thực: Bên cạnh hậu quả mang lại bởi đưa ra những thông tin sai lệch, ChatGPT còn tạo điều kiện cho các vụ lừa đảo trên internet dễ dàng thực hiện hơn. Sự lan truyền của thông tin giả mạo là mối nguy hại, đặc biệt khi ChatGPT làm cho các câu trả lời sai nghe có vẻ thuyết phục.
“Sức mạnh” nằm trong tay nhà phát triển: OpenAI có thể chọn loại dữ liệu sẽ được sử dụng để đào tạo ChatGPT và điều gì sẽ xảy ra nếu như họ phát triển nó theo một hướng tiêu cực?
Câu trả lời của ChatGPT không chính xác dù nghe có vẻ thuyết phục - Ảnh: Internet
Chat GPT có thể gây ảnh hưởng đến Google?
Đặt câu hỏi cho máy tính và nhận được câu trả lời là đặc điểm nổi bật của ChatGPT. Trong khi đó, Google thường cung cấp câu trả lời được đề xuất cho câu hỏi và các liên kết đến các trang web mà Google cho là có liên quan. Thường thì các câu trả lời của ChatGPT vượt xa những gì Google sẽ đề xuất.
Tuy nhiên, người dùng nên suy nghĩ và tìm hiểu thật kỹ trước khi tin tưởng hoàn toàn vào ChatGPT. Tương tự khi sử dụng Google và các nguồn thông tin khác như Wikipedia, cách tốt nhất là xác minh thông tin từ các nguồn ban đầu trước khi dựa vào nó.
Việc kiểm tra tính xác thực của các câu trả lời từ ChatGPT khá khó khăn, cần nhiều bước vì nó chỉ cung cấp thông tin dạng văn bản thô, hoàn toàn không có liên kết hoặc trích dẫn. Nhưng nó có thể hữu ích và kích thích tư duy trong một số trường hợp.
Như vậy, có thể nói, ChatGPT và Google sẽ đảm nhận vai trò khác nhau với những ưu điểm riêng của mình. Với những gì nó thể hiện, ChatGPT, mặc dù không hoàn hảo, nhưng chắc chắn là dấu mốc quan trọng trên con đường hướng tới tương lai công nghệ.
ChatGPT vẫn chưa thể hoàn toàn thay thế Google - Ảnh: Internet
Dự đoán tương lai của ChatGPT
Khi nhận thấy thứ diễn ra quá nhanh kể từ khi sản phẩm được tung ra thị trường, nhiều chuyên gia đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tình huống tương tự iPhone xảy ra
Một số chuyên gia đã so sánh sự xuất hiện của ChatGPT với màn ra mắt của iPhone lần đầu tiên vào năm 2007, khi công cụ này mang sức mạnh của AI đến tay người dùng phổ thông. Với hơn 84% người Mỹ hiện đang sở hữu điện thoại thông minh, một số người tin rằng những công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo như thế này sẽ trở thành yếu tố thiết yếu, cần có trong nhiều gia đình.
Mối quan tâm về pháp lý và đạo đức
Các công ty công nghệ lớn khác đã tránh giới thiệu sản phẩm tương tự do những lo ngại về pháp lý và đạo đức. Việc đưa ra các thông tin sai lệch hoặc hỗ trợ gian lận như đã nêu trên chính là trở ngại.
Một trong những nhà xuất bản học thuật lớn nhất thế giới, Springer Nature, gần đây đã tuyên bố rằng ChatGPT không thể được ghi nhận là tác giả của các bài báo nhưng họ sẽ cho phép các nhà khoa học sử dụng AI để trợ giúp viết hoặc tạo ý tưởng cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, khi những nội dung này được ra đời, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong trường hợp xảy ra khủng hoảng?
Chuyển dịch sang phiên bản trả phí
Mặc dù ChatGPT hiện là dịch vụ miễn phí do sản phẩm đang trong giai đoạn nghiên cứu, OpenAI đã bắt đầu khảo sát người dùng về các tùy chọn giá cho phiên bản trả phí trong tương lai.
Một số người dùng thông báo rằng họ đã có quyền truy cập vào một tầng chuyên nghiệp của chatbot trí tuệ nhân tạo này với giá 42 đô la một tháng. Phiên bản chuyên nghiệp cung cấp cho người dùng quyền truy cập ưu tiên ngay cả khi nhu cầu tăng cao, giúp họ nhận được sự phản hồi nhanh chóng hơn.
Phản đối ChatGPT
Mọi công cụ mang tính cách mạng mới đều có thể gặp phải sự phản đối của chuyên gia, người dùng vì nhiều lý do khác nhau.
Giới học thuật đã có những phản ứng trái chiều đối với phần mềm này. Một số người cảm thấy nó có thể là công cụ hỗ trợ giảng dạy xuất sắc, đồng thời, có những người khác lo lắng rằng sinh viên sẽ sử dụng chương trình này để sao chép, đạo văn trong quá trình học tập và làm việc.
Để giải quyết vấn đề này, một sinh viên đã phát hành GPTZero - công cụ có khả năng xác định xem đoạn văn bản có phải được tạo bởi ChatGPT hay không. Công cụ truy cập này đã có hơn 30.000 người dùng trong tuần đầu tiên.
Sự ra đời của ChatGPT thật sự đã khiến cả thế giới kinh ngạc, dù họ có quan tâm đến trí tuệ nhân tạo trước đó hay không. Chính vì vậy, nó đã nhanh chóng trở thành công cụ được sử dụng rộng rãi trên internet hiện nay.
Nhà phân tích Lloyd Walmsley của UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ) ước tính rằng ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng hàng tháng vào tháng 1/2023, nhanh gấp nhiều lần so với TikTok - mất khoảng 9 tháng và Instagram - mất 2 năm rưỡi. Còn theo The New York Times, trích dẫn các nguồn nội bộ, cho biết khoảng 30 triệu người sử dụng ChatGPT vào thời điểm này.