Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Chính phủ điện tử là gì? Phân biệt Chính phủ số và Chính phủ điện tử

time 10 tháng 11, 2023

Chính phủ điện tử (e-Government) được thiết kế, vận hành nhằm tận dụng hiệu quả dữ liệu số và công nghệ để tạo ra, tối ưu hóa, đồng thời chuyển đổi các dịch vụ Chính phủ truyền thống.

Thế nào là chính phủ điện tử

Trong thời đại chuyển đổi số được đẩy mạnh triển khai ở tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề, Chính phủ cũng không thể nằm ngoài xu hướng phát triển đó. Để có cái nhìn tổng quan về khái niệm Chính phủ điện tử, trước hết, hãy cùng Elcom tìm hiểu về khái niệm và tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam và trên thế giới.

Chính phủ điện tử là chính phủ như thế nào?

Chính phủ điện tử (Electronic government - eGovernment) có nhiều định nghĩa khác nhau.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (World Bank): “Chính phủ điện tử là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) nhằm thực hiện quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Nhờ đó, giao dịch của các cơ quan Chính phủ với công dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng, góp phần giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí.”

Đối với Liên Hợp quốc: “Chính phủ điện tử được định nghĩa là việc sử dụng Internet và mạng toàn cầu (world-wide-web) để cung cấp thông tin và các dịch vụ của Chính phủ tới công dân”.

Nhìn chung, Chính phủ được hiểu là quá trình Chính phủ sử dụng CNTT - TT một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy, hỗ trợ người dân tiếp cận tới các dịch vụ Chính phủ, tăng khả năng truy cập vào thông tin và giúp Chính phủ thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình với công dân.

Chính phủ điện tử có thể bao gồm việc cung cấp các dịch vụ qua internet, điện thoại, các trung tâm cộng đồng, các thiết bị không dây hoặc các hệ thống liên lạc khác.

Chính phủ điện tử và Chính phủ số

Đây là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn. Hiểu đơn giản, Chính phủ điện tử là Chính phủ vận dụng CNTT - TT để cải thiện quy trình, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công sẵn có.

Trong khi đó, Chính phủ số là Chính phủ chuyển đổi số với mô hình hoạt động mới, quy trình làm việc và cách thức cung cấp dịch vụ thay đổi, nhanh chóng cung cấp những dịch vụ công mới.

Yếu tố chính để đánh giá hiệu quả của Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Đối với Chính phủ số, thước đo chính là số lượng dịch vụ hành chính công giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục xã hội tăng lên nhờ công nghệ số và dữ liệu.

Việc phân biệt các khái niệm mang lại nhận thức đúng đắn, từ đó đảm bảo hành động chính xác, hiệu quả. Phân biệt các mức độ phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số không có nghĩa phải làm tuần tự. Chính phủ điện tử và Chính phủ số hoàn toàn có thể phát triển song song, bổ trợ cho nhau.

So sánh Chính phủ điện tử và chính phủ số

Chính phủ điện tử và chính phủ số là hai mức độ phát triển khác nhau - Ảnh: Internet

Tại sao phải xây dựng Chính phủ điện tử?

Công nghệ đã trở nên cần thiết để làm việc, học tập, khám chữa bệnh, giao tiếp từ xa, duy trì nền kinh tế và hoạt động của Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp. Tự động hóa và cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, bất cứ khi nào khả thi, là yêu cầu bắt buộc nếu nhiều hoạt động Chính phủ muốn phát triển bền vững.

Xem thêm bài viết:

Những đơn vị dẫn đầu về công nghệ cần nghiên cứu, phát triển giải pháp, sản phẩm giúp các lãnh đạo cơ quan chính trị hiểu tại sao việc duy trì mức độ tăng tốc kỹ thuật số thích hợp lại quan trọng đến vậy đối với các dịch vụ của Chính phủ.

Công nghệ cải thiện tính linh hoạt của các mô hình hoạt động Chính phủ; sắp xếp giải quyết vấn đề theo tính ưu tiên hợp lý, nhanh chóng; phân tích dữ liệu, đưa ra phán đoán và gợi ý cách giải quyết phù hợp trong tình huống khẩn cấp,...

Có rất nhiều sáng kiến ​​kỹ thuật số đang được lên kế hoạch và thực hiện theo trình tự dựa trên trường hợp sử dụng và giá trị của chúng.

Hỗ trợ những thay đổi cơ bản dài hạn hơn trong hành vi của công dân và doanh nghiệp, chẳng hạn như thay thế dịch vụ hiện có bằng cách tiếp cận chủ động và có tính dự đoán hơn trong các dịch vụ phục vụ con người, an ninh trật tự và thậm chí cả thuế.

Mục tiêu của Chính phủ điện tử là gì?

Chính phủ điện tử hướng tới mục tiêu chung cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành nhà nước của Chính phủ. Từ đó, tăng tính công khai, minh bạch đối với thông tin, hoạt động, dịch vụ Chính phủ, tối ưu hóa chi phí và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Cụ thể:

  • Nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan chính quyền các cấp và Chính phủ thông qua trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử,...

  • Nâng cao mức độ thuận tiện, tạo điều kiện tốt nhất để người dân dễ dàng truy cập, tiếp cận các dịch vụ công.

  • Cắt giảm chi phí đáng kể cho bộ máy Chính phủ

  • Xây dựng Chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch

Chính phủ điện tử tạo ra cách thức lãnh đạo mới thông qua những phương thức mới, đảm bảo và tăng cường quyền lợi cho người dân, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành đất nước.

Lợi ích của Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử được xây dựng nhằm mục đích cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, hữu ích và kịp thời dựa trên CNTT - TT tới những cá nhân, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định.

Nhờ Chính phủ điện trư, các thủ tục hành chính công được tự động hóa. Quy trình quản lý rườm rà, phức tạp trở nên đơn giản hơn, tốc độ xử lý thủ tục hành chức tại các cơ quan nhà nước cũng trở nên nhanh chóng hơn.

CNTT cho phép người dân tiếp cận dễ dàng tới các thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử, bao gồm: Điện thoại di động thông minh, máy tính cá nhân, truyền hình tương tác hoặc bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet.

Với doanh nghiệp, Chính phủ điện tử đơn giản hóa mọi thủ tục, hướng dẫn dễ hiểu và quá trình công việc đảm bảo được thực hiện tốt, đáng tin cậy. Doanh nghiệp có thể nhận đầy đủ, chính xác mọi thông tin kinh tế do Chính phủ cung cấp để hoạt động hiệu quả hơn.

Về phía cán bộ công chức, ứng dụng CNTT cung cấp thêm công cụ để làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu truy cập thông tin cũng như xử lý các vấn đề từ công chúng.

lợi ích chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử có nhiều ưu điểm cần được phát huy mạnh mẽ hơn - Ảnh: Internet

Nhược điểm của Chính phủ điện tử

Với những ưu điểm và lợi ích mang lại, Chính phủ điện tử đang được phát triển tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, Chính phủ điện tử còn tồn tại một số nhược điểm như sau:

  • Mất thời gian dài để xây dựng: Để xây dựng Chính phủ điện tử, các bộ phận hành chính với nhiều thủ tục, hoạt động khác nhau cần phối hợp chặt chẽ để đồng bộ hóa.

  • Khó khăn trong bảo mật: Dữ liệu cá nhân của công dân lưu trữ trên hệ thống có thể xem là kiểm soát quyền riêng tư hoặc lạm dụng cho những mục đích khác. Thông tin lưu trữ cũng có nguy cơ bị đánh cắp, rò rỉ, trao đổi hoặc sử dụng trái phép cho mục đích thương mại.

  • Tốn chi phí trong quá trình xây dựng hoàn thiện Chính phủ điện tử. Trong quá trình vận hành, những chi phí bảo trì, nâng cấp hệ thống, mạng lưới bảo vệ quyền riêng tư cũng có thể phát sinh.

  • Tồn tại những vấn đề liên quan đến chế độ chính trị tại các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, tại nhiều quốc gia xem trọng quyền tự do cá nhân của người dân, việc nắm giữ thông tin cá nhân của người dân sẽ bị nhiều sự phản đối.

  • Khó khăn trong phổ cập rộng rãi tại những khu vực vùng sâu vùng xa: Tại những khu vực internet chưa phát triển, việc thông tin đến người dân có thể gặp nhiều khó khăn, chậm trễ.

Tình hình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên khắp toàn cầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia đi trước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng phải chủ động tìm cách khuyến khích công dân và doanh nghiệp thay đổi để phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển nền kinh tế số.

Chính vì vậy, nếu vẫn giữ quy trình quản lý, hoạt động truyền thống, Chính phủ cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. Chính phủ điện tử là giải pháp cần thiết, phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Các nhóm giao dịch của Chính phủ điện tử

Các nhóm giao dịch của Chính phủ điện tử - Ảnh: Internet

Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”.

Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về Chính phủ điện tử nhằm “Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng”.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu triển khai xây dựng chính phủ điện tử và nhận được những kết quả bước đầu. Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hệ thống phản ánh hiện trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp,... đã được xây dựng và dần đưa vào vận hành.

Nhiều cơ quan Nhà nước đã dần chuyển đổi từ hình thức thủ công sang cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội,… Nhiều bộ ngành đã dịch chuyển công việc xử lý hồ sơ lên môi trường internet.

Nhiều địa phương đưa hệ thống cổng thông tin một cửa điện tử vào vận hành nhằm nâng cao tính minh bạch, công khai.

Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc hiện vẫn nằm ở mức trung bình. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, sau 2 năm triển khai, Việt Nam đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá, chỉ tăng 1 bậc.

So với các nước khác khu vực ASEAN, Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 6. Kết quả triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử cần được tăng tốc hơn nữa, xóa bỏ tình trạng thực hiện mang tính hình thức, chưa thật sự phát huy được điểm mạnh.

Qua quá trình triển khai, dù Chính phủ điện tử hiện nay chưa đạt được những hiệu quả như mong muốn của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Chính phủ, không thể phủ nhận, Chính phủ điện tử cũng đã phần nào cho thấy sự thay đổi cách quản lý vận hành có phần cũ kỹ, lạc hậu trước đây.

Nguồn tham khảo:

https://www.worldbank.org/en/topic/digitaldevelopment/brief/e-government

https://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-NewsDetails-37599-14-186.html