Hướng tới mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường, hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động cần được nhân rộng để hỗ trợ lực lượng chức năng tối đa.
Xe quá khổ, quá tải từ lâu được xem như “hung thần xa lộ” với nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ra rối loạn trật tự và tai nạn giao thông, hư hỏng cơ sở hạ tầng đường bộ. Hệ thống cân tải trọng tự động sinh ra nhằm giải quyết vấn đề này.
“Hung thần xa lộ” - xe quá khổ, quá tải vẫn “lọt lưới”
Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và các phương tiện bắt đầu lưu thông trở lại, tình trạng xe quá tải ngày một gia tăng. Theo ghi nhận, chỉ riêng Quý I - 2022, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 19.500 phương tiện, phát hiện hơn 2.400 phương tiện vi phạm, tước 463 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Càng về cuối năm, tình trạng xe quá khổ, quá tải càng có nhiều diễn biến nghiêm trọng. Nhiều phương tiện xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thùng, chở nguyên vật liệu, hàng hóa quá tải lưu thông trên đường.
Việc sử dụng cân xách tay để kiểm tra tải trọng xe còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, có những tài xế và chủ phương tiện lợi dụng kẽ hở để tiếp tục chở hàng quá tải. Nhiều phương tiện vi phạm vẫn lưu thông trên đường quốc lộ, đường cao tốc và một số đường địa phương - nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, dự án, nhà máy xi măng, khu công nghiệp,…
Trên thực tế, còn rất nhiều phương tiện vi phạm tải trọng xe chưa được phát hiện, ghi nhận do sự thiếu hụt về nguồn lực. Chủ xe, lái xe có nhiều cách luồn lách, trốn tránh và lưu thông nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Những phương pháp kiểm soát tải trọng xe truyền thống chưa khắc phục được hoàn toàn vấn đề này - Ảnh: Internet
Tải trọng xe là gì?
Tải trọng là khối lượng hàng hóa mà phương tiện đang chở. Tải trọng này sẽ chỉ tính khối lượng của hàng hóa mà xe đang vận chuyển, không bao gồm khối lượng toàn tải (tự trọng của xe và người trên xe).
Trọng tải được hiểu là khả năng chuyên chở hàng hóa tối đa mà phương tiện được phép vận chuyển theo đúng an toàn kỹ thuật được cấp phép.
Tổng tải trọng xe được hiểu là tổng lượng hàng hoá mà xe chuyên chở và khối lượng toàn tải (tự trọng xe, người và đồ cá nhân trên xe).
Quy định về tải trọng xe giúp người lái xác định lượng hàng hoá giới hạn xe có thể vận chuyển, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cũng như góp phần bảo vệ hạ tầng giao thông.
Vì sao cần kiểm soát tải trọng xe?
Tải trọng vượt quá khả năng chuyên chở của phương tiện rất dễ khiến xe bị hư hại, hệ thống an toàn của xe bị suy giảm, thậm chí mất tác dụng trong điều kiện thời tiết xấu và đường xuống cấp.
Nhiều trường hợp, chở quá tải khiến xe nổ lốp, đứt phanh, gây cản trở giao thông hoặc tai nạn, thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người và tài sản xã hội. Vấn đề này gây mất an toàn giao thông, thậm chí gây ra nhiều sự việc thương tâm.
Xe quá tải hoạt động cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến kết cấu của nhiều tuyến đường trên các địa bàn cả nước nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Xe chở vật liệu xây dựng quá tải làm rơi đất, cát, đá trên đường, gây nên bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. Hậu quả vừa gây hư hỏng mặt đường, vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên tuyến đường đó.
Cùng với những thiệt hại về người dễ thấy được, những năm qua, Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo, duy trì tuổi thọ những con đường bị xe quá tải “băm nát”. Các doanh nghiệp cũng nhận thức được tác hại của việc chở quá tải đối với chính phương tiện của mình và xã hội, nhưng vẫn cố ý vi phạm vì lợi ích riêng.
Thực trạng xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép đã và đang là vấn đề xã hội nhức nhối. Có thể nói, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải, kiểm soát tải trọng phương tiện là việc làm mang tính cấp bách hiện nay.
Hạn chế xe quá khổ, quá tải nhờ Hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động
Nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc kiểm soát, hướng tới chấm dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải, hệ thống cân tải trọng tự động đã ra đời.
Hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động là gì?
Hệ thống cân tải trọng tự động WIM (Weighing in Motion) đã được nghiên cứu và phát triển tại Mỹ từ những năm 1950. Nhận thấy được hiệu quả rõ rệt, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã không ngừng phát triển thêm những mô hình ứng dụng khác trên toàn thế giới.
Giai đoạn đầu, các trạm kiểm tra tải trọng xe chỉ lắp cân tĩnh (Static Weighing Station), đặt trên những tuyến đường trọng điểm nhằm kiểm tra, phát hiện và cưỡng chế dỡ tải phương tiện chuyên chở quá giới hạn cầu đường.
Giao thông và kinh tế phát triển hơn, lưu lượng xe tải ngày càng tăng cao, trong khi khả năng lưu thông của các trạm kiểm tra tải trọng xe bị hạn chế, gây ra ùn tắc và phiền toái cho người tham gia giao thông. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến việc kiểm soát đầy đủ và chính xác xe quá tải.
Sau này, hệ thống WIM ngày càng được nâng cấp. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, khi xe di chuyển qua khu vực cân, hệ thống sẽ tự động ghi nhận thông tin tải trọng, biển số nhằm phục vụ tối đa cho công tác xử phạt mà không cần người vận hành trực tiếp tại hiện trường.
Hệ thống cân tải trọng xe tự động của Elcom triển khai tại Tỉnh lộ 741 Bình Dương
Vai trò của hệ thống kiểm soát tải trọng tự động
Cách kiểm tra qua trạm cân truyền thống bộc lộ một số điểm yếu, không kiểm soát được toàn bộ số xe quá tải lưu thông. Trạm không thể tự động phát hiện xe quá tải. Chỉ những xe mà lực lượng chức năng nghi ngờ vượt tải trọng mới yêu cầu đưa vào kiểm tra.
Lực lượng thanh tra cần thực hiện nhiều bước, bao gồm giám sát, đo lường thành thùng, khối lượng xe trước khi xử phạt và việc tính toán được thực hiện hoàn toàn thủ công.
Các đối tượng vi phạm có nhiều cách thức lách luật, cố tình vượt trạm gia tăng tính nguy hiểm. Ngoài ra, con người vẫn có thể can thiệp vào quá trình kiểm tra bằng cân tải trọng xách tay. Bên cạnh đó, trạm cân truyền thống rất khó hoạt động thường xuyên do điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Việt Nam hoặc nhân lực có hạn, lực lượng chức năng còn mỏng.
Chính vì vậy, hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát phương tiện quá tải. Hệ thống tự động ghi nhận tải trọng, vận tốc, độ dài, số trục,... của phương tiện mà không ảnh hưởng đến luồng giao thông.
Đồng thời, việc xử phạt theo hình thức này giải quyết được vấn đề nhân lực. Nhân viên vận hành cân, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt không phải túc trực tại hiện trường để dừng xe, kiểm tra, xử phạt vi phạm. Từ đó tránh tiếp xúc và va chạm không đáng có giữa người và phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng cũng có thời gian tập trung vào những công việc quan trọng khác.
Hệ thống cân tải trọng tự động có độ chính xác cao, ổn định. Hệ thống không cần thao tác vận hành, can thiệp của con người, cho ra kết quả cân nhanh từ 3 - 15 giây, đồng thời kiểm soát 100% số lượt xe di chuyển qua ở bất kỳ thời gian nào, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Phần mềm của hệ thống kiểm soát bởi nhiều đơn vị, không thể can thiệp vào kết quả xử lý. Dữ liệu xe vi phạm công khai minh bạch, chuyển về trung tâm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục, đơn vị quản lý, vận hành trích xuất và tiếp tục chuyển kết quả cân của những xe vi phạm cho lực lượng chức năng tiến hành xử phạt gián tiếp (phạt nguội).
Cân tải trọng tự động WIM hoạt động như thế nào?
Để hiểu thêm về ưu điểm của giải pháp này, hãy cùng tìm hiểu về hệ thống cân tải trọng tự động của Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom (eWIM).
eWIM được ứng dụng nhằm phát hiện và xử phạm hành vi chở quá tải trọng cho phép hoặc từ chối phục vụ phương tiện quá tải đi vào đường cao tốc. Chức năng chính bao gồm:
Giám sát 24/7 đối với 100% phương tiện ô tô đi qua tuyến đường
Sàng lọc, phát hiện và phân loại phương tiện, hành vi vi phạm tải trọng
Cung cấp bằng chứng hình ảnh, video phục vụ xử phạt trực tiếp và gián tiếp
Tự động hoàn toàn, không cần người vận hành trực tiếp tại hiện trường
Khi xe di chuyển vào khu vực cân, hệ thống tự động ghi nhận và hiển thị biển số trước. Khi xe đi qua cảm biến cân, hệ thống sẽ cân và trả về thông tin tải trọng toàn bộ và tải trọng trục của xe. Khi xe di chuyển qua khu vực cân, hệ thống tự động ghi nhận biển số sau.
Hoàn tất một phiên cân như trên, hệ thống sẽ trả lại đầy đủ dữ liệu cần thiết, bao gồm: Video, hình ảnh xe đi qua trạm cân; Tải trọng trục, tải trọng tổng; Biển số trước, biển số sau.
Dữ liệu của phiên cân được chuyển về trung tâm giám sát điều hành để tiến hành truy xuất thông tin đăng kiểm của phương tiện, lập phiếu cân và xác định xe có vi phạm chở quá tải trọng cho phép không.
Nếu xe chở quá tải, phiên cân này sẽ tiếp tục được chuyển đến lực lượng chức năng tiến hành xử phạt tại hiện trường (phạt nóng) hoặc gửi cho đơn vị có thẩm quyền để phục vụ quá trình xử phạt gián tiếp (phạt nguội).
Cân tải trọng tự động hoạt động chính xác, hiệu quả cao
Ưu điểm của hệ thống cân tải trọng tự động eWIM
Hệ thống cân tải trọng tự động do Elcom nghiên cứu, phát triển sử dụng cảm biến thạch anh (lineas quartz sensor) có độ ổn định cao, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường.
eWIM hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện, ghi nhận thông tin, kiểm soát 100% số lượng xe vi phạm chở vượt quá giới hạn tổng tải trọng, giới hạn tải trọng trục và giới hạn hàng hóa được phép chuyên chở.
Với độ chính xác F10 cùng độ tin cậy trên 98%, hệ thống cân tải trọng tự động của Elcom đáp ứng yêu cầu việc xử phạt trực tiếp, gián tiếp đối với hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện hoặc từ chối phục vụ xe quá tải đi vào đường cao tốc.
Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ quản lý giám sát tập trung nhiều trạm cân đồng thời và sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu đăng kiểm để đảm bảo trích xuất thông tin xử phạt chính xác, đúng đối tượng vi phạm.
Triển khai hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động tại Việt Nam
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã và đang xây dựng đề án nhân rộng hệ thống kiểm soát tải trọng tự động ra toàn quốc, ưu tiên những tuyến quốc lộ trọng điểm.
Trong đó giai đoạn 1, từ năm 2022 - 2025, ưu tiên các đường cao tốc đang xây dựng như Tuyến cao tốc Bắc - Nam; Các tuyến cao tốc có nhiều xe quá tải như Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Ninh Bình, Hải Phòng - Quảng Ninh, Các đoạn quốc lộ có nhiều xe tải lưu thông như QL1, QL5, QL6, QL20, QL51, QL91, đường Hồ Chí Minh…
Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2035, triển khai hệ thống kiểm soát tải trọng tự động trên các đoạn quốc lộ còn lại, đường cao tốc mới và các đoạn đường bộ nối khu vực cảng, kho bãi, mỏ vật liệu, mỏ quặng.
Nhận thấy sự cải thiện tích cực rõ rệt khi đưa hệ thống cân tải trọng vào thí điểm tại một số tuyến đường, mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản số gửi Bộ Giao thông vận tải để đề xuất lắp đặt hệ thống cân tải trọng xe lưu động tự động trên các dự án cao tốc đang triển khai thi công.
Xem chi tiết: Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị lắp đặt hệ thống cân tải trọng tự động trên cao tốc
Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá hệ thống cân tải trọng tự động có kinh phí vận hành thấp, không yêu cầu lực lượng cán bộ túc trực, bảo đảm tính khách quan. Đây là biện pháp phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu hiệu quả do không cần tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có hành vi vi phạm về tải trọng xe.
Với nhiều ưu điểm vượt trội so với hệ thống cân xách tay truyền thống, hệ thống cân tải trọng tự động được kỳ vọng sẽ triển khai rộng rãi trong tương lai, góp phần thông minh hóa những con đường Việt Nam.