Nguồn mở (Open source) đã trở thành một phong trào giúp quá trình đổi mới công nghệ có sự tham gia và hợp tác của toàn cầu.
Mã nguồn mở đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho các lập trình viên. Với mã nguồn mở, người dùng hoàn toàn có thể đóng góp, bổ sung, xây dựng vào cộng đồng để nâng cao tính vượt trội và cung cấp thêm những lợi ích mới.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu mã nguồn mở là gì cũng như những thông tin xoay quanh phần mềm mã nguồn mở.
Nguồn mở - Open source là gì?
Nguồn mở (Open source) là một mô hình sản xuất phi tập trung cho phép mọi cá nhân sửa đổi và chia sẻ công nghệ nhờ thiết kế cho phép truy cập công khai. Thuật ngữ này bắt nguồn từ ngữ cảnh phát triển phần mềm nhằm biểu thị phần mềm tuân thủ một số tiêu chí phân phối miễn phí nhất định.
Ngày nay, thuật ngữ phương pháp nguồn mở chỉ định một tập giá trị rộng hơn dựa trên các nguyên tắc trao đổi thông tin, xây dựng nguyên mẫu nhanh chóng và hợp tác phát triển tự do. Mọi cá nhân đều có thể đóng góp những ý tưởng mới và cải thiện công nghệ thêm nữa để nguồn mở phát triển tự nhiên.
Phần mềm mã nguồn mở là gì?
Phần mềm nguồn mở (OSS - Open source system) là phần mềm được phân phối cùng với mã nguồn của nó, giúp nó có sẵn để sử dụng, sửa đổi và phân phối với các quyền ban đầu. Nói cách khác, phần mềm nguồn mở là mã được thiết kế để có thể truy cập công khai, bất kỳ ai cũng có quyền xem, sửa đổi và phân phối mã khi họ thấy phù hợp.
Mã nguồn là một phần của phần mềm mà hầu hết người dùng máy tính không bao giờ nhìn thấy. Đó là mã mà các lập trình viên máy tính thao tác để kiểm soát cách hoạt động của một chương trình hoặc ứng dụng.
Lập trình viên có quyền truy cập vào mã nguồn để tác động đến chương trình bằng cách thêm vào, thay đổi hoặc sửa những phần không hoạt động bình thường. Phần mềm nguồn mở thường bao gồm giấy chứng nhận cho phép lập trình viên sửa đổi phần mềm để phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng và kiểm soát cách phân phối phần mềm.
Phần mềm nguồn mở được phát triển theo cách phi tập trung và hợp tác, dựa vào đánh giá ngang hàng và sản xuất của cộng đồng. Phần mềm nguồn mở thường có chi phí thấp hơn, linh hoạt hơn và tuổi thọ cao hơn so với các phần mềm độc quyền (nguồn đóng) tương tự vì nó được phát triển bởi cộng đồng chứ không phải một tác giả hay công ty duy nhất.
Sự khác biệt giữa phần mềm miễn phí, nguồn đóng và nguồn mở
Trong một thời gian dài, phần mềm nguồn mở (open source) đã được gắn nhãn "phần mềm miễn phí" (Free software). Phong trào Free software được Richard Stallman chính thức thành lập vào năm 1983 thông qua Dự án GNU.
Phong trào Free software tự tổ chức xung quanh ý tưởng về quyền tự do của người dùng: Quyền tự do xem mã nguồn, sửa đổi, phân phối, làm cho nó có sẵn và hoạt động cho người dùng theo bất kỳ cách nào mà họ cần.
Free software tồn tại dưới dạng đối trọng với phần mềm độc quyền hay còn gọi là phần mềm "nguồn đóng" (closed source). Phần mềm nguồn đóng được bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ chủ sở hữu mã nguồn mới có quyền hợp pháp để truy cập mã đó.
Mã nguồn đóng không thể được thay đổi hoặc sao chép một cách hợp pháp và người dùng chỉ trả tiền để sử dụng phần mềm, không thể sửa đổi cho mục đích sử dụng mới cũng như không thể chia sẻ phần mềm với cộng đồng của mình.
Phân biệt nguồn mở và phần mềm miễn phí
Tuy nhiên, cái tên "free software" đã gây ra nhầm lẫn. Phần mềm miễn phí không nhất thiết có nghĩa là người dùng sở hữu nó mà không phải trả phí. Nó chỉ miễn phí sử dụng theo cách họ muốn sử dụng. Christine Peterson đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách thay thế thuật ngữ “phần mềm miễn phí” bằng “nguồn mở”.
Peterson đã đề xuất ý tưởng thay thế thuật ngữ cho một nhóm làm việc nhằm dẫn dắt các hoạt động phần mềm nguồn mở vào thị trường rộng lớn hơn. Nhóm này hướng tới mục tiêu chứng minh cho thế giới biết rằng phần mềm sẽ tốt hơn nếu được chia sẻ, khi nó có tính cộng tác, mở và sửa đổi được.
Nó có thể được sử dụng vào mục đích mới tốt hơn, linh hoạt hơn, rẻ hơn và có tuổi thọ cao hơn mà không chịu ảnh hưởng bởi sự ràng buộc từ bất kỳ nhà cung cấp nào.
Eric Raymond, một trong những thành viên của nhóm làm việc này, vào năm 1997, đã công bố một số lập luận tương tự trong bài luận có ảnh hưởng lớn của mình "The Cathedral and the Bazaar".
Năm 1998, như để đáp lại bài luận đó, Tập đoàn Truyền thông Netscape đã mở nguồn dự án Mozilla của họ, phát hành mã nguồn dưới dạng free software. Mã nguồn mở đó sau này trở thành nền tảng cho Mozilla Firefox và Thunderbird.
Sự chứng thực của Netscape đối với phần mềm nguồn mở đã khiến cộng đồng suy nghĩ về cách nhấn mạnh các khía cạnh kinh doanh thực tế của phong trào phần mềm tự do. Và do đó, sự phân chia giữa nguồn mở và phần mềm miễn phí đã rõ nét hơn:
"Phần mềm miễn phí" đề cập đến giấy phép nguồn mở trong phần mềm công cộng. Trong khi đó, phần mềm “nguồn mở” giờ đây bao hàm nhiều loại giấy phép và có thể áp đặt một số quy định hạn chế đối với người dùng.
Đến đầu năm 1998, Open Source Initiative (OSI) được thành lập, chính thức hóa thuật ngữ nguồn mở và thiết lập một định nghĩa chung cho toàn ngành. Mặc dù phong trào nguồn mở vẫn vấp phải sự cảnh giác và thận trọng của nhiều tổ chức ở giai đoạn cuối những năm 1990 - đầu những năm 2000, nhưng nó đã dần dần chuyển từ một vấn đề bên lề sản xuất phần mềm, trở thành tiêu chuẩn công nghiệp như ngày nay.
Phần mềm mã nguồn mở được phân tách rõ ràng với phần mềm miễn phí - Ảnh: Internet
So sánh mã nguồn mở và nguồn đóng
Ưu điểm của phần mềm nguồn mở
Có rất nhiều lý do khiến các tổ chức chọn sử dụng nguồn mở thay vì phần mềm độc quyền. Nguồn mở đảm bảo những giá trị sau:
Đánh giá ngang hàng: Vì mã nguồn cung cấp quyền truy cập miễn phí và cộng đồng nguồn mở hoạt động rất tích cực nên mã nguồn mở được các lập trình viên ngang hàng tích cực kiểm tra và cải thiện. Mã nguồn mở không trở nên trì trệ mà liên tục được cập nhật, cải tiến.
Tính minh bạch: Cần biết chính xác loại dữ liệu nào đang di chuyển đi đâu hoặc những thay đổi nào đã xảy ra trong mã? Nguồn mở cho phép lập trình viên tự kiểm tra và theo dõi điều đó.
Độ tin cậy: Mã độc quyền chỉ do một tác giả hoặc công ty duy nhất kiểm soát, giữ cho mã được cập nhật, vá lỗi và hoạt động. Mã nguồn mở tồn tại lâu hơn vì nó được cập nhật liên tục thông qua cộng đồng nguồn mở tích cực. Các tiêu chuẩn mở và đánh giá ngang hàng đảm bảo rằng mã nguồn mở được kiểm tra một cách thích hợp và thường xuyên.
Tính linh hoạt: Do nhấn mạnh vào việc sửa đổi, người dùng có quyền sử dụng mã nguồn mở để giải quyết các vấn đề riêng cho doanh nghiệp hoặc cộng đồng của mình. Họ không bị ràng buộc phải sử dụng mã theo bất kỳ cách cụ thể nào và có thể dựa vào sự trợ giúp của cộng đồng cũng như đánh giá ngang hàng khi triển khai các giải pháp mới.
Chi phí thấp hơn: Với nguồn mở, bản thân mã là miễn phí. Những gì người dùng phải trả cho nhà phát triển khi sử dụng là chi phí hỗ trợ tăng cường bảo mật và quản lý khả năng tương tác.
Không có sự ràng buộc của nhà cung cấp: Sự tự do cho người dùng có nghĩa là họ có thể mang mã nguồn mở của mình đi bất cứ đâu và sử dụng nó cho mọi mục đích vào bất kỳ lúc nào.
Cộng tác mở: Sự tồn tại của cộng đồng nguồn mở tích cực có nghĩa là người dùng thuận lợi tìm thấy trợ giúp, tài nguyên vượt ra ngoài phạm vi một nhóm lợi ích hoặc một công ty.
Bên cạnh những lợi ích, mã nguồn mở cũng tồn tại một số nhược điểm:
Nguồn mở có thể khó sử dụng và áp dụng trong một số trường hợp do khó thiết lập và thiếu giao diện thân thiện với người dùng.
Nguồn mở có thể gặp vấn đề về tương thích. Khi cố gắng lập trình phần cứng độc quyền bằng OSS, thường cần các trình điều khiển chuyên dụng chỉ có sẵn từ nhà sản xuất phần cứng.
Sử dụng phần mềm nguồn mở có thể khiến tổ chức gặp phải vấn đề về trách nhiệm pháp lý. Không giống như phần mềm thương mại, được kiểm soát hoàn toàn bởi nhà cung cấp, nguồn mở hiếm khi có bất kỳ bảo đảm, trách nhiệm pháp lý hoặc bảo hiểm bồi thường vi phạm nào.
Khi sử dụng nguồn mở, tổ chức có thể phải chịu những chi phí không mong muốn trong việc đào tạo người dùng, nhập dữ liệu và thiết lập phần cứng cần thiết.
Mã nguồn mở mang lại nhiều lợi ích, tạo nên một phong trào mới trong quá trình sản xuất phần mềm của các cộng đồng. Trên đây là một số thông tin về nguồn mở do Elcom tổng hợp, hy vọng sẽ giúp bạn đọc nắm được những kiến thức hữu ích.
Nguồn tham khảo:
https://www.redhat.com/en/topics/open-source/what-is-open-source
https://www.synopsys.com/glossary/what-is-open-source-software.html