IoT là xu hướng công nghệ bùng nổ trong thời gian gần đây và được kỳ vọng sẽ mang lại những tiến bộ mới cho đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngành IoT cũng là một trong những ngành nghề có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Khái niệm Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) mô tả mạng lưới đối tượng vật lý - được nhúng cảm biến, phần mềm và những công nghệ khác, nhằm mục đích kết nối, trao đổi dữ liệu giữa nhiều thiết bị và hệ thống khác qua internet.
Các thiết bị này bao gồm từ đồ gia dụng thông thường đến công cụ công nghiệp tinh vi. Với số lượng hàng tỉ thiết bị IoT được kết nối hiện nay, nhiều chuyên gia kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 22 tỷ vào năm 2025 và đây hoàn toàn không phải là điều phi thực tế.
Kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), ngành IoT mang đến nhiều lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ, đóng góp chung vào sự phát triển của một quốc gia.
Ngành IoT là gì?
IoT là một trong những chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Theo đó, sinh viên theo học ngành IoT sẽ được trang bị kiến thức về: Lập trình, mạng máy tính, dịch vụ đám mây, khoa học dữ liệu, ứng dụng máy học phân tích dữ liệu Io, thiết kế và phân tích hệ thống, thiết kế vi mạch bán dẫn,...
Là một lĩnh vực đang phát triển và liên tục được khai phá những khía cạnh mới, kiến thức về internet vạn vật rất nặng và khó, yêu cầu sinh viên cần dành nhiều tâm sức, thời gian cho việc học tập, thực hành.
Cơ hội việc làm ngành IoT - Internet vạn vật
Theo nghiên cứu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, số lượng công việc liên quan đến ngành công nghệ - máy tính được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thêm khoảng 448.500 việc làm mới trong khoảng 10 năm, từ 2014 - 2024. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có, hơn trung bình tất cả ngành nghề khác.
Các doanh nghiệp hiện đang không ngừng nỗ lực ứng dụng IoT vào kế hoạch vận hành, sản xuất kinh doanh của mình. Điều này góp phần dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng trong nhu cầu nhân lực ngành IoT.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc khan hiếm nhân lực tham gia phát triển các ngành trong lĩnh vực IoT khiến họ gặp khó khăn. Lí do có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là hiện nay chưa có nhiều chương trình giảng dạy, đào tạo chuyên sâu về Internet of Things ở Việt Nam. Đó cũng là rào cản khi sinh viên mong muốn tiếp cận, học tập và nghiên cứu chuyên ngành này.
Cơ hội việc làm mở rộng cho kỹ sư ngành IoT do nhu cầu lớn về nguồn nhân lực - Ảnh: Internet
Bao nhiêu điểm đỗ đại học ngành IoT - Internet vạn vật?
Để đăng ký theo học chuyên ngành Internet of Things tại trường đại học, sinh viên cần tập trung vào các khối thi:
Khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
Khối A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
Khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh)
Khối D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
Khối D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh)
Trong những năm gần đây, mức điểm chuẩn của ngành IoT dao động từ 23 đến 28 điểm, tùy thuộc vào trường đại học và khối thi sinh viên lựa chọn để xét tuyển.
Học IoT ở đâu? Trường nào đào tạo chuyên ngành IoT tốt?
Do là ngành học mới, hiện tại, chỉ có số ít trường đại học trên toàn quốc đào tạo chuyên ngành IoT. Chính vì vậy, các bạn trẻ sẽ có ít sự lựa chọn hơn những chuyên ngành công nghệ thông tin khác. Tuy nhiên, những trường đại học có đào tạo chuyên ngành IoT hiện nay đều là những đơn vị uy tín, có chất lượng giảng dạy cao:
Đại học Công nghệ thông tin - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Bách khoa Hà Nội
Học ngành IoT ra trường làm gì?
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành IoT có thể ứng tuyển vào các vị trí như sau:
Lập trình viên IoT
Chuyên viên phân tích
Quản trị hệ thống IoT
Chuyên tư vấn & thiết kế các hệ thống IoT
Quản lý dự án phát triển IoT
Chuyên viên triển khai dự án IoT
Kỹ sư phần mềm
Kiến trúc sư phần mềm
Kỹ sư phát triển web
Lập trình viên Java
Tư vấn an ninh mạng
Quản lý sản phẩm
Ngoài việc ứng tuyển vào các vị trí tại những công ty công nghệ thông tin, khi tích lũy đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức, sinh viên ngành IoT có thể tự khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển và kinh doanh phần mềm, thiết bị thông minh hoặc những giải pháp liên quan.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều sinh viên cũng lựa chọn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và nâng cao hơn nữa để trở thành giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực IoT cùng nhiều công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo.
Đây đều là những vị trí có cơ hội nghề nghiệp rộng với mức lương khởi điểm cao. Một lập trình viên IoT có mức thu nhập dao động từ 20 - 30 triệu/tháng, thậm chí lên tới 60 triệu đồng ở các cấp quản lý đối với những người giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn.
Học ngành IoT cần chuẩn bị những gì?
Trước hết, để trúng tuyển chuyên ngành Internet vạn vật, người học cần có sở thích và sở trường về những môn học tự nhiên như Toán, phần mềm máy tính, phần cứng máy móc, thiết bị,...
Ngoài ra, cần trang bị thêm những kỹ năng khác bao gồm: Lập luận, tư duy logic, khả năng sắp xếp thông tin, giải quyết vấn đề, kỹ năng lắng nghe và chắt lọc thông tin cùng với tinh thần tự học và quyết tâm cao.
IoT là một trong những ngành nghề được dự đoán rằng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai với nhiều ứng dụng tuyệt vời trong cuộc sống hiện nay.
Trên đây là một số thông tin về ngành Internet vạn vật do Elcom tổng hợp. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc rõ ràng hơn về định hướng khi có mong muốn theo đuổi ngành nghề này.