Công nghệ đã mở ra cho ngành thời trang một tương lai đầy tiềm năng. Sự kết hợp giữa hai ngành công nghiệp tưởng như chẳng có sự liên quan này sẽ là cú huých lớn tạo ra những trải nghiệm thời trang độc đáo cho người dùng.
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, được dự đoán sẽ đạt mức 3,3 nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Việc đưa công nghệ vào lĩnh vực thời trang sẽ mở ra một bước tiến mới trong quá trình sản xuất, marketing và tính ứng dụng trong đời sống.
Góp phần lớn trong bước tiến này xuất phát từ thói quen và hành vi của đại bộ phận người tiêu dùng, trong đó thế hệ trẻ (Gen Z hoặc Millennials) chiếm đa số với mong muốn hướng tới sự nổi bật, tìm kiếm những món đồ có thể được tùy chỉnh theo nhu cầu, sở thích riêng.
Bên cạnh đó, khái niệm quần áo "sản xuất hàng loạt" hoặc "thời trang nhanh" dường như đang mất đi sự ưa chuộng, cũng như nhận nhiều chỉ trích sau hàng loạt vụ bê bối của nền công nghiệp này.
Vì vậy, mảnh đất cho ngành thời trang “công nghệ” đang màu mỡ hơn bao giờ hết, loại bỏ những hạn chế của ngành thời trang truyền thống, hứa hẹn tạo ra nhiều sự đột phá.
Dưới đây là 5 công nghệ phổ biến được ứng dụng để định hình lại ngành thời trang trong tương lai:
1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trong những năm gần đây, các thương hiệu thời trang đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh để phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng, đưa ra phương án dự phòng tồn kho. Điều này không chỉ giúp nhãn hàng thúc đẩy doanh số bằng cách cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng, mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất,...
Tại các cửa hàng trưng bày, AI chatbot (trợ lý ảo) và màn hình cảm ứng được lắp đặt bên ngoài để khách hàng dễ dàng lướt xem sản phẩm mà không mất quá nhiều thời gian. Thậm chí, thiết bị AI có thể trở thành nhân viên tư vấn “số” khi đưa ra gợi ý trang phục, cách phối đồ phù hợp với đặc điểm ngoại hình, sở thích, nhu cầu của người mua.
Trên nhiều website mua sắm trực tuyến, không khó để tìm thấy một công cụ AI chatbot giúp người truy cập dễ dàng tìm kiếm thông tin, giải đáp thắc mắc nhanh chóng, từ đó tăng trải nghiệm khách hàng trong quá trình ra quyết định mua.
Đằng sau những công nghệ này chính là một loạt thuật toán theo dõi hành trình (cookies) để nắm bắt tâm lý, kết hợp cùng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để đưa ra câu trả lời hữu ích.
Công cụ AI chatbot của hãng thời trang Victoria’s Secret - Nguồn ảnh: Internet
2. Internet vạn vật (IoT)
Khi cuộc sống "thực" và thế giới “ảo” ngày càng đan xen rõ nét, nhiều nhà thiết kế đã thử nghiệm thành công và đưa khái niệm “trang phục mặc được” lên một tầm cao mới.
IoT là một trong những xu hướng công nghệ đáng chú ý trong ngành thời trang gần đây. Trong đó, loại hình ứng dụng công nghệ này nhiều nhất chính là thời trang mặc hàng ngày.
Thông qua IoT, mỗi bộ quần áo được khoác lên người trở nên đa năng hơn bao giờ hết. Không chỉ tập trung vào chất liệu vải đẹp, thoải mái, ngành công nghiệp thời trang còn chú trọng vào việc đẩy mạnh yếu tố công nghệ vào từng món đồ, tích hợp thêm với thiết bị di động cá nhân nhằm theo dõi chỉ số, tăng trải nghiệm môi trường xung quanh, tương tác với người khác,....
Chẳng hạn như hãng thời trang Wearable X đã ra mắt quần yoga NADI X với cảm biến tích hợp mà người dùng liên kết bằng cách nhắc họ di chuyển qua các tư thế yoga khác nhau.
Đây chính loại quần yoga thông minh đầu tiên trên thế giới sử dụng chất liệu dệt may công nghệ tích hợp phản hồi rung động, kết nối qua Bluetooth và ứng dụng điện thoại. Người mặc có thể thực hiện buổi tập luyện Yoga tại nhà hoặc bất kỳ nơi đâu chỉ cần thông qua 1 chiếc điện thoại duy nhất.
Quần tập NADI X tích hợp công nghệ IoT của hãng Wearable X - Nguồn ảnh: Internet
3. Công nghệ thực tế ảo (thời trang VR)
Sự kết hợp giữa thế giới thực và thế giới “nhân tạo” trong lĩnh vực thời trang bán lẻ đã trở thành một trong những ứng dụng thú vị nhất của công nghệ Thực tế ảo (Virtual Reality - VR). Minh
chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là thời trang VR (thời trang ảo) và AR (Thực tế tăng cường - Augmented Reality). Bằng chức năng đo lường tùy chỉnh theo số đo cung cấp, khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định mua sắm sau khi hình dung rõ món đồ như họ đã thử trước, tạo trải nghiệm giúp thu hút và giữ chân khách hàng lâu hơn.
Ngoài thử đồ trực tuyến, các công ty thời trang VR còn tạo ra cửa hàng và không gian mua sắm ảo. Chỉ với một vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể di chuyển trong không gian, xem sản phẩm, tham quan kệ hàng, xem chi tiết sản phẩm, xoay quần áo, thay đổi màu sắc, kiểu dáng, phối đồ một cách trực quan, không khác gì một cửa hàng trực tiếp (offline) bình thường.
Công nghệ VR trong thời trang cũng cho phép nhãn hàng tổ chức show diễn thời trang, triển lãm và hội thảo trên nền tảng trực tuyến.
4. Chuỗi khối Blockchain
Blockchain là công nghệ tối ưu đảm bảo tính minh bạch, bảo mật trong một chuỗi cung ứng. Trong thời trang, blockchain được sử dụng để theo dõi, lưu trữ hồ sơ của trang phục, quản lý tồn kho, theo dõi nguồn gốc và di chuyển của sản phẩm từ giai đoạn đầu vào cho đến tay khách hàng.
Hiện nay, các thương hiệu thời trang đang ngày càng quan tâm tới việc quảng bá các chiến dịch bền vững. Tuy nhiên việc sản xuất quần áo thường liên quan tới các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp nên việc kiểm soát đầu vào với các chất liệu vải hoàn toàn “xanh”, thân thiện với môi trường là điều vô cùng khó khăn.
Vì vậy, ứng dụng công nghệ blockchain giúp số hóa chuỗi cung ứng, qua đó các thương hiệu theo dõi quá trình sản xuất từ nguyên liệu thô tới khi sản phẩm được hoàn thiện, tạo sự minh bạch trong chuỗi cung ứng của mình.
Xem thêm:
5. Tài sản không thể thay thế NFT (Non-fungible token)
Thời trang NFT (Non-Fungible Token) là một xu hướng mới trong ngành thời trang trong những năm gần đây khi kết hợp công nghệ blockchain và NFT để tạo ra các món thời trang số hóa duy nhất, không thể thay thế.
Khi ứng dụng NFT vào lĩnh vực thời trang, nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhãn hàng tạo ra những “item” trang phục, giày dép, túi xách, phụ kiện số hóa có mang tính chất giới hạn. Mỗi sản phẩm thời trang NFT được mã hóa, gắn với một token duy nhất, đại diện cho sự sở hữu cũng như chứng nhận độc đáo của chúng.
Các món đồ này có thể được trao đổi, giao dịch giống như tác phẩm nghệ thuật số hoặc tài sản số khác, phục vụ mục đích sưu tầm, giải trí hoặc trưng bày,...
Hình thức thời trang mã hóa này đã thu hút sự quan tâm của tín đồ thời trang, nhà đầu tư, nhà sưu tầm trên khắp thế giới, đồng thời mở ra một cánh cửa mới trong việc kết hợp công nghệ với sự sáng tạo trong ngành thời trang.
Điển hình cho thời trang mã hóa là nhãn hiệu RTFKT - một trong những thương hiệu thời trang ảo hàng đầu thế giới, chuyên tạo ra giày dép và phụ kiện kỹ thuật số độc đáo dựa trên công nghệ NFT.
Các sản phẩm của RTFKT khi ra mắt đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng người hâm mộ và những người quan tâm đến thời trang NFT. Với thiết kế theo phong cách kỹ thuật số độc đáo và sáng tạo, được phân phối dưới dạng NFT trên blockchain, mỗi món đồ là một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tinh thần và ý nghĩa biểu tượng cao, mở ra một thế giới mới trong việc tương tác và tận hưởng thời trang thông qua công nghệ.
Xem thêm: Dự đoán xu hướng thị trường NFT năm 2023
Sản phẩm giày sneakers NFT của hãng RTFKT kết hợp với hãng NZXT - Nguồn ảnh: Internet
Có thể thấy được, công nghệ số ngày càng len lỏi sâu hơn vào ngành công nghiệp thời trang cũng như đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngành này. Nhờ sự phát triển của IoT, AI, VR, NFT… lĩnh vực thời trang đã trở nên đa dạng hơn bao giờ hết và dần định hình nên một văn hóa thời trang mới.
Tương lai của thời trang công nghệ sẽ không chỉ là sự hòa quyện giữa sáng tạo và thẩm mỹ, mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện tính tiện ích, tính bền vững và trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng.
Nguồn tham khảo:
https://techpacker.com/blog/design/top-9-fashion-technology-trends/