Tin tức & Sự kiện
Thị trường - Công nghệ

Trung tâm điều hành thông minh (IOC): Bộ não nhạy bén của smart city

time 16 tháng 03, 2023

Sự phát triển nhanh chóng và không ngừng nghỉ của các thành phố thông minh khiến chúng phải đối mặt với không ít những bài toán “khó nhằn”. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) bao gồm nhiều giải pháp hữu ích, ra đời để giải quyết những bài toán này.

Trung tâm điều hành thông minh IOC

Trung tâm điều hành thông minh IOC (Intelligent Operation Center) đóng vai trò như bộ não, có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, thu thập dữ liệu chuẩn hóa nhằm đưa ra chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của thành phố. Vậy trung tâm IOC là gì, mang lại những lợi ích như thế nào đối với thành phố thông minh (smart city), hãy cùng Elcom tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

1. IOC là gì?

Trung tâm điều hành thông minh là nơi có nhiệm vụ giám sát, theo dõi, điều hành tất cả hoạt động diễn ra hàng ngày, đặc biệt là những lĩnh vực có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của thành phố và cư dân như: Giao thông thông minh, an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn, chiếu sáng đô thị, cấp thoát nước,...

Hiện nay, các thành phố trên thế giới điều có xu hướng thông minh hóa, bao gồm cả một số thành phố lớn tại Việt Nam. Sự gia tăng quá nhanh của những thành phố thông minh nâng cấp đời sống của cư dân, đi kèm với nhiều vấn đề phải đối mặt như: Tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng; Số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh; Nguồn lực, điều kiện kinh tế - xã hội và công nghệ cao còn thiếu.

Nhờ có sự hỗ trợ của trung tâm điều hành thông minh IOC, quá trình tiến đến mục tiêu thành phố thông minh trở nên thuận lợi hơn, giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, nhà lãnh đạo và cơ quản quản lý, vận hành.

2. Chức năng của IOC là gì?

Thông thường, một hệ thống IOC bao gồm nhiều trung tâm thành phần: Trung tâm phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; Trung tâm giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền và các dịch vụ công ích; Trung tâm giám sát, điều hành và xử lý vi phạm giao thông; Trung tâm giám sát, điều hành an ninh trật tự công cộng; Trung tâm ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp; Trung tâm tương tác, giao tiếp phục vụ công dân;...

Những trung tâm thành phần sẽ đảm nhận chức năng chính như sau:

  • Phân tích kho dữ liệu số tập trung, cảnh báo tình huống và đưa ra dự báo kịp thời.

  • Liên tục thu thập thông tin, kết nối tất cả thiết bị ngoại vi và nguồn dữ liệu đa lĩnh vực.

  • Giám sát thành phố, điều hành tập trung trên nền tảng công nghệ hiện đại và thống nhất.

  • Tự động nhận thức, cảnh báo tình huống và tự động hóa quy trình vận hành tiêu chuẩn.

  • Ứng dụng linh hoạt, đa nền tảng, thiết bị giúp nhà lãnh đạo kịp thời theo dõi và đưa ra chỉ đạo mọi nơi, mọi lúc.

  • Dữ liệu được chuẩn hóa theo thời gian thực và trực tuyến giúp quá trình chỉ đạo, điều hành diễn ra nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm bài viết: Nền tảng dữ liệu (Data platform): Chìa khóa cho sự phát triển bền vững

3. Mục tiêu của trung tâm điều hành thông minh

Trung tâm điều hành thông minh IOC đóng vai trò quan trọng trong quá trình “thông minh hoá” một thành phố. IOC cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tối thiểu bốn trung tâm trong thành phố: Trung tâm ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy.

3.1. Trung tâm ra quyết định

Công nghệ dữ liệu lớn (Big data) được sử dụng để phân tích và khai thác thông tin, đưa ra những điểm mấu chốt, khó khăn trong quản lý cũng như vận hành để hỗ trợ chính quyền ra quyết định.

3.2. Trung tâm cảnh báo

Dự đoán rủi ro tiềm ẩn, đưa ra cảnh báo trước để kịp thời có phương án ngăn chặn, xử lý trong trường hợp khẩn cấp.

3.3. Trung tâm quản trị

Thu thập, xử lý và giám sát hoạt động thường ngày một cách thống nhất để nâng cao hiệu quả cộng tác, phản ứng nhanh chóng, tối ưu hóa nguồn lực quản lý và cải thiện quản trị thành phố.

3.4. Trung tâm chỉ huy

Khi một sự kiện khẩn cấp xảy ra, trung tâm chỉ huy sẽ điều phối nhiều bộ phận, phòng ban và lực lượng chức năng để phân bổ hành động và nguồn lực. Sự chỉ huy và điều động diễn ra liên cấp, liên khu vực và liên phòng ban.

Trung tâm chỉ huy hỗ trợ liên lạc giữa nhiều bên, điều phối video, tư vấn hình ảnh và điều hành văn phòng trên mọi thiết bị, đảm bảo rằng trung tâm chỉ huy luôn sẵn sàng cho dù người điều hành đang có mặt ở đâu. Điều này cho phép các quan chức đưa ra quyết định sáng suốt, nhanh chóng từ xa.

4. Ứng dụng trung tâm điều hành thông minh trong quản lý thành phố

Tại trung tâm điều hành thông minh, tình hình tổng thể sẽ hiển thị giống như một bảng điều khiển, cho nhà quản lý biết tình trạng hoạt động của thành phố cũng như các rủi ro tiềm ẩn.

IOC là gì?

Thông tin từ trung tâm thành phần hiển thị trên một màn hình chung tại IOC - Ảnh: Internet

4.1. Quản lý sự cố

Hệ thống hỗ trợ ra quyết định thông qua việc phân tích và cung cấp dữ liệu chi tiết, đưa ra hướng hành động. Khi nguyên nhân cốt lõi của vấn đề đã xác định, cần có phương án giải quyết và phân công đầu việc cụ thể cho bộ phận liên quan.

Danh sách hướng dẫn, phân chia công việc cần làm sẽ được chuyển đến trung tâm quản lý sự cố. Nền tảng này chịu trách nhiệm xử lý, giao việc cho các bộ phận chịu trách nhiệm, đồng thời theo dõi sát sao quá trình thực hiện kế hoạch.

4.2. Giám sát và cảnh báo

Trung tâm giám sát và cảnh báo có thể chủ động phát hiện sớm rủi ro và sự cố tiềm ẩn, sau đó tạo báo động hoặc đặt lệnh khẩn cấp. Các báo động thông thường được xử lý bởi trung tâm quản lý sự cố như đã nêu trên. Khi bản chất của sự cố thay đổi hoặc phát hiện rủi ro lớn hơn, cảnh báo sẽ chuyển tiếp đến nền tảng chỉ huy chung để xử lý.

IOC thu thập, lọc cảnh báo từ nhiều trung tâm khác nhau, tạo danh sách, phân loại cảnh báo cần xử lý và phản hồi, bao gồm: Báo động từ thảm họa địa chất, sự kiện xã hội, thời tiết xấu, dịch bệnh, tai nạn giao thông, nguồn dễ cháy nổ, rủi ro an toàn sản xuất,...

Cảnh báo sẽ hiển thị trên bảng điều khiển tại IOC. Nhờ đó, nhà quản lý thành phố và nhân viên vận hành sẽ nhận thông tin theo thời gian thực. Ngoài ra, nền tảng sẽ gửi thông tin báo động đến mô-đun dịch vụ chỉ huy để ứng phó khẩn cấp.

Hơn thế, IOC có khả năng kết nối trực tiếp với hệ thống Internet of Things (IoT) để lấy thông tin trạng thái từ các bộ phận và thiết bị trong thời gian thực. Dựa trên mô hình cảnh báo, IOC phân tích tình hình, hiển thị thông tin trên bảng điều khiển và thông báo đến bộ phận hoặc nhân viên tương ứng.

4.3. Hiển thị tình hình tổng thể

Trung tâm hiển thị tình hình tổng thể cho thấy dữ liệu từ các chỉ số hoạt động chính của thành phố. Nó thực hiện phân tích toàn cảnh về đổi mới kinh tế, sinh kế, dịch vụ chính phủ, môi trường phát triển con người, quản trị toàn diện, an ninh công cộng và mức độ hạnh phúc của cư dân trong thành phố.

Đặc trưng của phân tích tình hình tổng thể là phân tích chỉ số. Chỉ số phân tích chính được lựa chọn và tùy chỉnh dựa trên nhu cầu của thành phố, thậm chí bao gồm nhiều chỉ số cấp toàn cầu, biểu thị thông qua đồ họa trực quan, sinh động và dễ hiểu.

Trung tâm cung cấp cái nhìn toàn cảnh cho cơ quan quản lý và những người ra quyết định. Nhờ đó, họ có cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng hoạt động của thành phố ở cấp độ vĩ mô, trung bình và vi mô bằng cách sử dụng các chỉ số phân tích chính này.

Chức năng của IOC là gì?

Chỉ số chính phân tích hiển thị trực quan, dễ hiểu trên màn hình chung - Ảnh: Internet

4.4. Hỗ trợ ra quyết định

Trung tâm hỗ trợ ra quyết định thực hiện so sánh, liên kết xu hướng, dự đoán và phân tích chủ đề chuyên sâu dựa trên dữ liệu đã thu thập để  xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó đưa ra một loạt lời khuyên, phương án xử lý phù hợp.

So với hiển thị tình hình tổng thể, phân tích chủ đề đặt ra yêu cầu cao hơn về độ sâu và độ rộng của dữ liệu cơ bản. Do đó, mô hình phân tích dữ liệu được yêu cầu đặc biệt cao. Trung tâm hỗ trợ ra quyết định sử dụng nhiều nguồn dữ liệu cũng như mô hình phân tích khác nhau để giải quyết những vấn đề khác nhau. Do đó, IOC thu thập dữ liệu, đồng thời, phát triển mô hình phân tích của nhiều lĩnh vực để thực hiện nghiên cứu và đưa ra quyết định.

Bằng cách này, các thành phần trong cùng một hệ sinh thái hoặc các thành phố có thể học hỏi lẫn nhau để xử lý những vấn đề thường gặp. Hệ thống cũng liên tục nâng cấp, tối ưu hóa để phân tích chuyên nghiệp hơn. Điều này làm giảm đáng kể chi phí thử nghiệm, rút ngắn thời gian phát triển nền tảng cũng như toàn hệ thống.

Nền tảng hỗ trợ ra quyết định của IOC kích hoạt kho dữ liệu lớn đã không hoạt động trong nhiều năm của chính phủ nhằm tối ưu hóa giá trị khổng lồ của nó. Nhờ tích hợp dữ liệu của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau cũng như dữ liệu từ internet, trung tâm thực hiện khai thác và phân tích dữ liệu với độ chính xác cao.

4.5. Quản lý sự kiện

Trong toàn bộ quy trình quản lý sự kiện, các bộ phận trong thành phố cần nắm rõ trách nhiệm của mình và công việc phải thực hiện. Ngoài ra, thông báo nhắc nhở công việc sẽ được gửi thường xuyên. Thông qua theo dõi và đánh giá quy trình quản lý sự kiện, nhà quản lý thành phố dễ dàng bám sát tình hình triển khai nhiệm vụ của từng bộ phận.

Trung tâm quản lý sự kiện không thay thế mà hợp tác với các hệ thống ứng dụng dịch vụ hiện có của từng cơ quan chức năng trong thành phố. Ngoài ra, trung tâm này cũng chịu trách nhiệm cho cả sự kiện chưa xác định rõ ràng, cần phân công cụ thể hoặc có tác động lớn, cần có sự quyết định từ người đứng đầu.

Nền tảng quản lý sự kiện của IOC thúc đẩy việc nâng cấp quản lý thành phố từ mô hình lưới, mô-đun sang mô hình thông minh. Sử dụng công nghệ và công cụ mới giúp cải thiện đáng kể hiệu quả làm việc và giao tiếp, thúc đẩy cải cách hoạt động và cơ cấu tổ chức của chính phủ, đồng thời cho phép chính phủ thiết lập một hệ thống quản lý có phản ứng nhanh, quy trình được kiểm soát, tích hợp giám sát và hướng dẫn.

4.6. Chỉ huy cộng tác

Trung tâm chỉ huy cộng tác tập trung chủ yếu vào xử lý sự kiện quan trọng. Việc xử lý sự kiện lớn phụ thuộc vào kế hoạch dự phòng để điều phối nhân sự, tổ chức, nguồn lực và cơ sở vật chất một cách thống nhất, kết nối giữa các bộ phận, liên khu vực và liên ngành, đồng thời loại bỏ rủi ro bảo mật trong sự kiện cộng đồng.

Các sự kiện khẩn cấp được xử lý thông qua:

  • Màn hình hiển thị chung: Video, hình ảnh hiện trường cũng như quá trình và tiến độ giải quyết hiển thị trực quan hóa trên màn hình tại IOC theo thời gian thực. Những bên liên quan có thể theo dõi từ xa thông qua thiết bị di động.

  • Một cú nhấp chuột: Các nguồn lực đã chuẩn bị theo kế hoạch định sẵn. Chỉ một cú nhấp chuột, kế hoạch xử lý khẩn cấp sẽ được tiến hành với sự kế hợp của các bộ phận. Nhờ đó, sự phối hợp sẽ diễn ra hiệu quả hơn, tốc độ phản hồi cũng nhanh chóng hơn. 

  • Một mệnh lệnh cho tất cả: Mỗi chỉ thị do IOC ban hành theo quyết định của người đứng đầu thành phố phải được tất cả các bộ phận và nhân viên thực hiện. Mỗi bộ phận cần phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu tối đa thiệt hại do sự cố gây ra. IOC cần cung cấp một trung tâm chỉ huy di động cho nhà quản lý thành phố và những người ra quyết định để đảm bảo rằng mệnh lệnh chuyển đến bộ phận thực thi kịp thời, nhanh chóng.

Đảm nhiệm nhiều chức năng và nhiệm vụ quan trọng, trung tâm điều hành thông minh IOC hiện đang đón nhận sự quan tâm và nguồn ngân sách đầu tư lớn từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Elcom, với kinh nghiệm hơn 27 năm cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các đơn vị Bộ, ngành, các tỉnh/thành trên cả nước, Elcom đã và đang ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa những công nghệ mới nhất vào các giải pháp góp phần “thông minh hoá" những thành phố, mang lại trải nghiệm sống hiện đại, an toàn cho người Việt.