Blockchain đã bắt đầu chứng minh tiềm năng đáng kể của mình không chỉ trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán mà còn “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe.
1. Giới thiệu chung về công nghệ blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain hoạt động dựa trên một mạng lưới phân tán, tại đó, giao dịch được ghi lại trong các khối liên tiếp nhau. Mỗi khối chứa thông tin về các giao dịch, cũng như một hàm băm (hash) của khối trước đó. Điều này tạo ra một chuỗi khối (blockchain) không thể bị chỉnh sửa, xóa bỏ hay giả mạo.
Một trong những tính năng chính của blockchain phải kể đến sự bảo mật và an toàn dữ liệu mức độ cao. Khác với nhiều công nghệ hiện đại ngày nay, thông tin trong blockchain không hoàn toàn được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu tập trung duy nhất. Mà thay vào đó, chúng được phân tán trên một mạng lưới rộng lớn.
Bởi vì không có cách nào để thay đổi một khối, nên sự tin tưởng duy nhất được đặt ở người dùng hoặc chương trình nhập dữ liệu. Điều này giúp cho dữ liệu không thể bị thay đổi, giả mạo hoặc xóa bỏ. Đó là lý do công nghệ này được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: tài chính - ngân hàng, chính phủ, y tế, năng lượng, bán lẻ,...
Xem thêm bài viết:
- Top xu hướng blockchain sẽ bùng nổ trong năm 2023
- Ứng dụng nổi bật của công nghệ Blockchain trong thực tiễn
2. Ứng dụng blockchain trong y tế
Ngành y tế hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề bảo mật dữ liệu liên quan đến hồ sơ y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án, phương pháp điều trị,... Những dữ liệu này có vai trò rất lớn trong việc ra quyết định của các cơ sở thăm - khám - chữa bệnh, đồng thời là tài nguyên quý giá đối với cả hệ thống y tế nói chung.
Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô thị trường công nghệ blockchain toàn cầu dự kiến đạt 163,83 tỷ USD vào năm 2029. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự xuất hiện của thuật ngữ blockchain trong chăm sóc sức khỏe, y tế đang ngày một tăng lên.
Dưới đây là một vài ứng dụng phổ biến của công nghệ blockchain trong lĩnh vực y tế:
Quyền sở hữu hồ sơ sức khỏe điện tử đối với người bệnh
Blockchain có khả năng cung cấp quyền sở hữu hồ sơ điện tử cho bệnh nhân - hay còn gọi là tài khoản y tế cá nhân. Bởi vì sức khỏe cá nhân là vấn đề tương đối nhạy cảm, nên dữ liệu này cần được bảo mật ở mức cao.
Trong mạng blockchain, mỗi người sẽ được cấp một mã khóa bí mật và mã khóa công khai giống như định danh cá nhân để có thể theo dõi được thông tin hay hồ sơ bệnh án của mình. Chính vì thế, dù là nhân viên y tế hay bất kỳ bệnh viện nào, nếu muốn truy cập hồ sơ sức khỏe của người bệnh thì cần có sự cho phép của người đó.
Mô hình tài khoản cá nhân y tế có ứng dụng blockchain tại Việt Nam - Nguồn: Internet
Chủ động quản lý hồ sơ bệnh án
Thông thường, mỗi một bệnh viện thường lưu trữ hồ sơ bệnh án, hồ sơ bảo hiểm của bệnh nhân khác nhau, riêng lẻ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất và cập nhật tình hình sức khỏe, đồng thời bệnh nhân cũng khó chủ động để nắm rõ tình trạng hiện tại của mình.
Công nghệ blockchain giúp người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh lưu trữ chung toàn bộ dữ liệu trên nền tảng blockchain duy nhất. Việc cập nhật lịch sử sức khỏe liên tục hỗ trợ người dùng xem được thông tin mới, chính xác nhất vào bất kỳ lúc nào, đặc biệt là trong những trường hợp cần nhập viện gấp, cấp cứu…
Từ đó, người dân có thể thăm khám tại nhiều cơ sở y tế khác nhau trong hệ thống mà không cần mang theo thủ tục, giấy tờ về bệnh án của mình.
Đảm bảo an toàn dữ liệu dược phẩm
Dược phẩm cũng được xem là một lĩnh vực có nhiều tài liệu quan trọng như: Nguồn gốc thành phần, công thức bào chế, hàm lượng tá dược,... Việc đầu tư nguồn lực vào hoạt động nghiên cứu và phát triển thuốc cũng được công ty dược chú trọng.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty dược phẩm lại không có phương thức quản lý nguồn gốc thuốc, bảo quản công thức “bí mật” một cách chặt chẽ. Khi những dữ liệu này bị rò rỉ ra thị trường sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh và thị phần của công ty đó.
Vì vậy, công nghệ blockchain cho phép doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y - dược sử dụng mã hóa để lưu trữ dữ liệu một cách an toàn. Những thông tin mật lưu trữ ở một thiết bị duy nhất hay còn gọi là máy chủ, cùng một mã khóa tương ứng.
Nếu không có ủy quyền từ máy chủ, bất kỳ một thiết bị hay tài khoản nào đều không thể truy cập, chỉnh sửa hoặc thay thế.
Ngoài ra, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng nhằm truy xuất nguồn gốc dược phẩm, thuốc hoặc các thiết bị y tế tại hệ thống nhà thuốc. Điều này đảm bảo được chất lượng đầu vào của thuốc, đồng thời giúp quá trình quản lý và phân phối, tiêu thụ thuốc tại đơn vị y tế diễn ra minh bạch, chính xác.
Pfizer là một trong những doanh nghiệp y dược đi đầu thế giới trong việc ứng dụng blockchain để theo dõi thuốc giả - Nguồn: Internet
Bảo vệ và phát triển công nghệ gen
Việc phát triển công nghệ gen hiện nay làm một trong những hướng đi nhằm tìm ra giải pháp chữa trị các loại bệnh hiếm gặp, bệnh nan y khó chữa. Hoạt động nghiên cứu cũng đòi hỏi một lượng dữ liệu và tài liệu lớn.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu công nghệ gen cũng có hai mặt. Một mặt là tạo ra thuốc chữa, mặt còn lại trở thành “vũ khí sinh học” khi các công nghệ gen này chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh và còn nhiều rủi ro. Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối toàn cầu nếu những dữ liệu về gen bị đánh cắp và phục vụ mục đích xấu.
Để ngăn ngừa rủi ro này, công nghệ blockchain được ứng dụng nhằm tạo ra một bức tường bảo mật, tránh mất cắp và xâm nhập dữ liệu quan trọng. Ngoài ra, mạng lưới blockchain là nơi lưu trữ, phân tích biến thể gen, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường để mô phỏng các loại gen. Từ đó, nhà nghiên cứu có thể hình dung và xác định được cấu trúc gen và nguyên lý hoạt động của chúng.
Ứng dụng blockchain vào việc bảo vệ và phát triển công nghệ gen - Nguồn: Internet
Trên đây là một vài ứng dụng tiêu biểu của blockchain trong lĩnh vực y khoa và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, blockchain còn được ứng dụng nhiều trong các mảng như bảo hiểm, dịch vụ y tế, giám sát y khoa từ xa,...
Hiện nay, công nghệ blockchain vẫn còn chưa phổ biến và có ít nhà cung cấp trên thị trường, đặc biệt đối với lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe. Việc ứng dụng công nghệ này vào các cơ sở y tế vẫn chưa được mở rộng tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, với những điểm sáng và lợi ích đã đề cập, công nghệ blockchain hứa hẹn sẽ bùng nổ và nhân rộng trong tương lai, đưa khoa học y tế lên một tầm cao mới nhằm cải thiện sức khỏe toàn cầu.