Thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh là một trong những ứng dụng IoT trong y tế phổ biến nhất. Hãy cùng tìm hiểu về cách Internet of Things thay đổi lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe trong bài viết này.
Internet of Things - Internet vạn vật là công nghệ đột phá, được nhắc đến nhiều trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Nhờ công nghệ này, thiết bị thông minh đã liên tục ra đời, trở nên thiết yếu và không thể thiếu cuộc sống con người.
Điện thoại di động, đồng hồ thông minh thường thấy trong xã hội hiện đại. Ngày nay, thiết bị IoT được triển khai trong hầu hết mọi ngành, từ bán lẻ và hậu cần đến sản xuất.
Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói về Internet vạn vật trong y tế? Y học không đứng yên và trên thực tế, đây là một trong những lĩnh vực hoạt động tiên tiến nhất. Không có gì ngạc nhiên khi các công ty sử dụng sức mạnh của thiết bị IoT để cung cấp cho bác sĩ và bệnh nhân những sản phẩm, giải pháp hiệu quả hơn.
Phạm vi triển khai hệ thống IoT trong lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe rất ấn tượng. Chuyên gia kỳ vọng thị trường IoMT (Internet of Medical Things) toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 950 tỷ USD vào năm 2032.
1. Internet vạn vật trong y tế là gì?
Nói một cách đơn giản, Internet of Things là khái niệm thể hiện việc sử dụng thiết bị và cảm biến thông minh để thu thập dữ liệu trong một môi trường, được hỗ trợ bởi phần mềm tiên tiến.
Máy móc chưa thể vượt trội hơn con người trong nhiều lĩnh vực, nhưng việc thu thập và phân tích dữ liệu chắc chắn là thế mạnh của chúng. Với IoT, một phần hoặc toàn bộ dữ liệu và việc theo dõi các quy trình liên quan có thể được tự động hóa. Điều này rất cần thiết cho hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Vậy Internet of Things trong y tế là gì và nó có thể cách mạng hóa ngành công nghiệp này như thế nào?
Bằng cách áp dụng ý tưởng IoT vào y học, nhiệt độ bảo quản trong khi vận chuyển vắc xin và thuốc được kiểm soát từ xa, bệnh nhân theo dõi chính xác triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, dùng thuốc đúng cách và hiệu quả nhất mà không cần hẹn gặp bác sĩ,... Tất cả những điều đó đều thực hiện được nhờ khả năng giám sát từ xa liền mạch của các thiết bị công nghệ y tế.
Xem thêm bài viết:
Ứng dụng và tác động của công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe
Ý nghĩa của trí tuệ nhân tạo với ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe
2. Lợi ích của IoMT
Mặc dù không ngừng phát triển và cải tiến, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó không chỉ là việc tìm ra cách chữa trị những căn bệnh mới hoặc bệnh nan y đã tồn tại từ lâu mà còn là vấn đề về hiểu biết hạn chế, sự thất bại của con người trong việc xác định, theo dõi triệu chứng, duy trì thói quen để phòng chống bệnh tật.
Vậy, IoT mang lại những lợi ích gì cho lĩnh vực y tế - chăm sóc sức khỏe:
2.1. Chăm sóc sức khỏe từ xa
Một trong những lợi thế dễ thấy nhất của IoT trong chăm sóc sức khỏe là cơ hội để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của khách hàng. Khách hàng có thể liên hệ để được trợ giúp bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu.
Điều này không chỉ giúp quá trình khám chữa bệnh thuận tiện hơn, kịp thời chăm sóc khẩn cấp mà còn là cơ hội để người dân tiếp cận y tế dễ dàng hơn, kể cả ở những khu dân cư xa trung tâm.
Hình thức khám chữa bệnh từ xa phổ biến hơn trong đại dịch Covid-19 - Ảnh: Internet
2.2. Phòng chống dịch bệnh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, các giải pháp IoT chăm sóc sức khỏe cung cấp công cụ giám sát, giúp khách hàng chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, điều chỉnh thói quen, cải thiện lối sống và phát hiện sớm dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
2.3. Giảm chi phí, công sức khám chữa bệnh
Thiết bị và cảm biến y tế được hỗ trợ bởi IoT giúp bệnh nhân theo dõi tình trạng sức khỏe chủ động, ít phải tham khảo ý kiến chuyên gia hơn.
Đồng thời, dữ liệu mở rộng được thu thập với sự trợ giúp của ứng dụng, thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh giúp những lần thăm khám với chuyên gia hiệu quả, nhanh chóng hơn vì bác sĩ có sẵn hầu hết thông tin cần thiết.
2.4. Dữ liệu y tế có thể truy cập được
Trước đây, mọi người phải đến cơ sở y tế, gặp bác sĩ hoặc cần có nhiều thiết bị ở nhà để đo các chỉ số huyết áp, nhịp tim, lượng đường hoặc lượng oxy trong máu,... Nhưng giờ đây, họ có thể sử dụng thiết bị IoMT nhỏ gọn và tiện dụng như đồng hồ, dây đeo để theo dõi tất cả những chỉ số trên thường xuyên. Trên hết, số liệu thống kê cá nhân rõ ràng sẽ được cung cấp trong ứng dụng theo dõi sức khỏe của từng người.
2.5. Chẩn đoán nâng cao
Vì thiết bị chăm sóc sức khỏe IoT có thể theo dõi hầu hết mọi thứ liên quan đến sức khỏe tổng quan nên việc phát hiện mọi bất thường và triệu chứng sẽ dễ dàng hơn. Điều này giúp bác sĩ có được bức tranh toàn cảnh về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và chẩn đoán bệnh tiềm ẩn nhanh chóng, chính xác hơn.
2.6. Quản lý chăm sóc sức khỏe tốt hơn
IoMT không chỉ phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cá nhân mà còn cho các tổ chức và hệ thống trên toàn cầu. Ví dụ: Một số thiết bị IoT trong y tế giúp phân tích tình trạng sức khỏe, thu thập số liệu thống kê toàn cầu về dịch bệnh.
2.7. Cải thiện điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Vì vậy, điều quan trọng là đảm bảo bệnh nhân dùng thuốc thường xuyên và thuốc có tác dụng tốt với họ. Hệ thống theo dõi sức khỏe IoT được thiết kế giúp nâng cao hiệu quả tối đa quá trình điều trị bằng thuốc.
2.8. Hỗ trợ nghiên cứu
IoMT có thể được sử dụng vào nghiên cứu nhờ thu thập lượng dữ liệu y tế chính xác, không giới hạn. Nhờ đó, các nhà khoa học tập trung vào những nhiệm vụ phức tạp hơn thay vì thu thập, biên soạn và phân tích thông tin này một cách thủ công.
3. Những ứng dụng IoT tốt nhất trong y tế - chăm sóc sức khỏe hiện nay
3.1. Internet của cơ thể (IoB - Internet of Bodies)
Công nghệ Internet of Bodies sử dụng cơ thể con người làm nguồn dữ liệu y tế. Các thiết bị IoB thu thập dữ liệu sinh trắc học, sinh lý hoặc hành vi, sau đó chia sẻ qua hệ thống mạng IoT, lưu trữ và phân tích với sự trợ giúp của cơ sở hạ tầng phụ trợ và gửi đến người dùng cuối, thường là thông qua ứng dụng di động.
Các thiết bị thông minh IoB có thể đeo ở bên ngoài (đồng hồ thông minh, dây đeo cổ tay,...), gắn bên trong (hệ thống cơ quan nhân tạo, bộ phận cấy ghép, chân tay giả thông minh,,...) hoặc hợp nhất với cơ thể (thuốc kỹ thuật số).
Công nghệ Internet of Bodies thu thập dữ liệu từ cơ thể con người - Ảnh: Internet
Công nghệ này cho phép bác sĩ theo dõi sức khỏe của khách hàng mọi lúc, chẩn đoán chính xác hơn và hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Một số ví dụ rõ ràng hơn về thiết bị IoB:
Vòng đeo tay
Đồng hồ thông minh và dây đeo thông minh được cho là công nghệ chăm sóc sức khỏe IoT phổ biến nhất. Chúng có thể được sử dụng không chỉ cho mục đích thể dục, theo dõi chỉ số sức khỏe mà còn được sử dụng để thu thập thông tin liên kết đến các thiết bị khác.
Chức năng chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn của loại thiết bị thông minh này bao gồm đếm bước, theo dõi nhịp tim, theo dõi giấc ngủ. Ngoài ra, những thiết bị hiện đại hơn có thể thu thập thông tin nhịp tim, độ bão hòa oxy trong máu, nhiệt độ da và chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời được sử dụng như một công cụ theo dõi tâm trạng.
Tai nghe
Các thiết bị trợ thính ngày càng được cải tiến với những công nghệ mới nhất để cải thiện cuộc sống của những người đang gặp vấn đề về thính giác. Thiết bị nghe ngày nay kết nối với thiết bị khác qua Bluetooth, dễ dàng điều chỉnh âm thanh của thế giới thực ngay trên điện thoại thông minh của mình.
Thuốc kỹ thuật số thông minh
Các nhà khoa học và chuyên gia y tế đang cố gắng đưa thiết bị y tế hoàn thiện vào trong một viên nang có kích thước bằng viên thuốc. Trong thập kỷ qua, những nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ đã nghiên cứu cảm biến ăn được nhằm thay thế phương pháp chẩn đoán truyền thống.
Một trong những phát minh của họ là viên nang nhỏ chứa đầy cảm biến và vi khuẩn nhân tạo được sử dụng thay cho ống nội soi để chẩn đoán vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt là xuất huyết.
Theo dõi glucose
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới. Rất nhiều tổ chức đã và đang không ngừng nỗ lực cải tiến phương pháp theo dõi lượng đường trong máu.
Ví dụ: Abbott, công ty chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, đã phát triển một loạt giải pháp chăm sóc sức khỏe dành cho người mắc bệnh tiểu đường, bao gồm các cảm biến không xâm lấn, giúp theo dõi mức đường huyết và đưa ra cảnh báo kịp thời.
Miếng dán năng lượng thay đổi tâm trạng
Đây là giải pháp thay thế tuyệt vời cho caffeine. Miếng dán tạo ra các dạng sóng ảnh hưởng đến hệ thần kinh con người, tạo sự bình tình, an tâm và tăng cường sự tập trung. Phương pháp này đã được chứng minh độ an toàn bởi hơn 30 nghìn nghiên cứu.
3.2. Bệnh viện thông minh
IoMT cho phép nhân viên y tế hoạt động hiệu quả hơn, thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa chuyên gia, bác sĩ và nhân viên kỹ thuật, cũng như cung cấp dịch vụ làm hài lòng bệnh nhân và kéo dài tuổi thọ của thiết bị và dụng cụ y tế.
Bảo trì dự đoán: IoMT nâng cao phương pháp bảo trì dự đoán thay vì bảo trì khắc phục, đảm bảo máy móc, thiết bị y tế hoạt động tốt, tránh gián đoạn trong quá trình sử dụng, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân.
Thiết bị được kết nối IoT: Cho phép dễ dàng truy cập vào các đặc tính của thiết bị y tế và tương tác với chúng thông qua ứng dụng di động. Một số thiết bị hỗ trợ IoMT trong bệnh viện có thể kể đến máy khử rung tim, máy phun sương, máy bơm oxy, xe lăn và những thiết bị theo dõi khác.
Quản lý tài sản, nhân viên và bệnh nhân: Việc theo dõi tất cả thiết bị, dụng cụ, quy trình hợp tác giữa nhân viên và theo dõi trạng thái của bệnh nhân trở thành một thách thức đòi hỏi bệnh viện, cơ sở y tế phải tìm cách khắc phục. IoT hỗ trợ theo dõi dựa trên cảm biến, thẻ, huy hiệu và các thiết bị công nghệ y tế được kết nối khác.
Bệnh viện thông minh tận dụng IoT để tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh - Ảnh: Internet
3.3. Phòng thí nghiệm thông minh
Xử lý lượng lớn dữ liệu khoa học, quản lý trang thiết bị và vật dụng thường xuyên khiến nhân viên phòng thí nghiệm kiệt sức và gây ra không ít sai sót. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học tìm cách giao những nhiệm vụ này cho hệ thống tự động. IoT trong y tế đang phát huy tác dụng.
Những hệ thống IoT tự động hóa những hoạt động nhàm chán, lặp đi lặp lại. Đồng thời, nó quản lý trạng thái của nhiều thiết bị khác nhau, kích hoạt cuộc gọi điện thoại và video để giải quyết vấn đề bảo trì, yêu cầu bổ sung thêm vật dụng trong phòng thí nghiệm, gửi cảnh báo về trường hợp khẩn cấp,...
3.4. Quản lý bệnh mãn tính
Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính cần được hỗ trợ liên tục. Các nhà phát triển IoMT cung cấp thiết bị công nghệ giúp bệnh nhân theo dõi sức khỏe, thuốc men và những vấn đề họ gặp.
Bệnh nhân có thể phát hiện sớm dấu hiệu bệnh, được cảnh báo khi có triệu chứng xấu để kịp thời liên hệ với bác sĩ. Không giống như phương pháp giám sát truyền thống, thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh đảm bảo quá trình theo dõi và điều trị, điều này có thể cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
3.5. Robot phẫu thuật
Các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu thế giới đã hợp tác với kỹ sư và nhà phát triển công nghệ để truyền lại kiến thức, kỹ năng của họ cho robot, tận dụng độ chính xác của máy móc để thực hiện những quy trình phức tạp nhất. Vì vậy, ngày nay, robot IoT tự động có thể thực hiện một số ca phẫu thuật thậm chí còn tốt hơn cả con người.
Phẫu thuật bằng robot được chứng minh là nhanh hơn, chính xác hơn, ít xâm lấn gây đau đớn hơn, ít để lại sẹo hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và cần ít thời gian phục hồi chức năng hơn.
Điều này áp dụng cho hầu hết dạng phẫu thuật điển hình. Bên cạnh phẫu thuật tổng quát, bác sĩ còn dựa vào robot khi phẫu thuật tim, cột sống, tiêu hóa, lồng ngực, phụ khoa và tiết niệu.
3.6. Phục hồi chức năng
Trong nhiều trường hợp, quá trình phục hồi chức năng là giai đoạn điều trị cuối cùng. Tuy nhiên, giai đoạn quan trọng này có thể kéo dài, bệnh nhân cần được hỗ trợ và hướng dẫn liên tục. Các thiết bị IoT trong y tế góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh chóng hơn và an toàn hơn.
Những nhà phát triển đã tạo ra nền tảng nơi bác sĩ kết nối với bệnh nhân và theo dõi quá trình phục hồi chức năng của họ với sự trợ giúp của hệ thống theo dõi sức khỏe AIoT. Chiến lược phục hồi riêng được thiết lập cho từng bệnh nhân và quản lý tiến trình dựa trên hiệu suất được theo dõi bởi cảm biến thông minh cũng như số liệu do AI thống kê.
Kết luận
Các ứng dụng IoT trong chăm sóc sức khỏe nêu trên chỉ là một số ví dụ về cách hoạt động của Internet vạn vật trong lĩnh vực y tế. Đối với doanh nghiệp và nhà phát triển, IoT mở ra vô số cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của họ và áp dụng những tiến bộ công nghệ nhằm cải thiện một phần quan trọng trong cuộc sống con người.
Nguồn tham khảo:
https://easternpeak.com/blog/internet-of-medical-things-applications-in-healthcare/